(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 2250/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021.
Mục tiêu của của Kế hoạch là tiếp tục tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương thị trường tiền tệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trọng tâm CCHC năm 2021 vào ba trụ cột chính, gồm: Cải cách hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của NHNN.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Kế hoạch bao gồm các nội dung, nhiệm vụ cụ thể sau:
(i) Cải cách, hoàn thiện thể chế: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tổng kết Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền. Tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trọng tâm là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu; Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản nhẳm đảo bảo tính hợp pháp, đồng bộ, cụ thể và khả thi của văn bản; Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật…; Tiếp tục phối hợp rà soát, tham gia ý kiến đối với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán.
(ii) Cải cách thủ tục hành chính: Tổ chức triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, nâng cao độ phủ thông tin tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Cất giảm, đơn giản hóa tối thiểu 10 quy trình thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và cắt giảm ít nhất 5% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của TCTD, doanh nghiệp, người dân; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nội bộ của NHNN; triển khai hiệu quả cơ chế một cửa trong việc tiếp nhận, trả kết quả hố sơ giải quyết thủ tục hành chính.
(iii) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các đơn vị thuộc NHNN để điều chỉnh, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NHNN và các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng chéo; Hoàn thành đúng lộ trình Đề án tinh giản biên chế của NHNN giai đoạn 2015-2021 theo yêu cầu tại Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra hành chính, kiểm soát tuân thủ, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ về việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong các đơn vị thuộc NHNN.
(iv) Cải cách công vụ: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng tốt yêu cầu đối với hoạt động công vụ, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng công chức của NHNN; quan tâm ứng dụng các mô hình, phương pháp, công nghệ hiện đại trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng bên cạnh các hình thức đào tạo, bồi dưỡng truyền thống như: Tư vấn công việc tại chỗ, hướng dẫn nghiên cứu chuyên đề, thảo luận chuyên gia; đào tạo, bồi dưỡng từ xa; Nâng cao trách hiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức, tổ chức thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy chế văn hóa công sở của NHNN.
(v) Về cải cách tài chính công: Hoàn thiện và ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản để kịp thời thông báo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện; Đẩy mạnh cải cách tài chính công, hoàn thiện cơ chế tài chính, quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN…; Tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động thường xuyên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng công trình đảm bảo tiết kiệm kinh phí để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức; Tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ, hiệu quả, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng của các đơn vị NHNN.
(vi) Phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính: Tiếp tục triển khai Quyết định số 528/QĐ-NHNN ngày 29/3/2019 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Thực hiện đúng lộ trình kế hoạch nâng cấp Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử NHNN tuân thủ các quy định của Chính phủ, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thiện tích hợp các mẫu biểu báo cáo định kỳ trên Hệ thống báo cáo của NHNN đáp ứng quy định tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 về ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các phương thức thanh toán hiện đại; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công; Hoàn thành rà soát, điều chỉnh các quy trình xử lý văn bản trên môi trường số theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác văn thư, văn bản điện tử, lưu trữ điện tử và có thể dùng chung các dịch vụ quản lý văn bản và điều hành tại các Bộ, ngành, địa phương; Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trung tâm dữ liệu chính và dự phòng theo mô hình Active-Active, cung cấp dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung cho các đơn vị NHNN và các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin;
Hoàn thành chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 áp dụng tại các đơn vị thuộc NHNN có chức năng giải quyết thủ tục hành chính; nghiên cứu, triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO bằng phương thức điện tử tin học đối với toàn bộ các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của NHNN.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, công việc nêu tại Kế hoạch này và các nhiệm vụ cụ thể. Các đơn vị thuộc NHNN định kỳ báo cáo Thống đốc NHNN kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch.