(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các nghị quyết nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, với tinh thần sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hơn một năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, chưa từng có tiền lệ nhằm trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Có thể nói, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Khi doanh nghiệp khó khăn do đại dịch thì ngân hàng cũng đối diện những nguy cơ và rủi ro như nợ xấu tăng. Mặt khác, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên sẽ không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Nhưng với tinh thần đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, ngành Ngân hàng đã kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng vốn là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng có hoạt động an toàn, tài chính vững mạnh thì càng có cơ sở và nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua đại dịch…
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, những ngày đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, tích cực ban hành văn bản yêu cầu các chi nhánh, tổ chức tín dụng (NHNN) xem xét hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Điển hình là Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thông tư 01). Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đến tháng 5/2021, NHNN ban hành Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01 với những quy định mới có nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp. Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Còn đối với NHTM, việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các NHTM có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.
Theo báo cáo nhanh hàng tuần từ các TCTD, đến ngày 26/7/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng, lũy kế số tiền lãi đã miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 đến 26/7/2021 là 19.252 tỷ đồng (trong đó số tiền lãi đã miễn giảm thực tế là 14.555 tỷ đồng, số tiền lãi sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.697 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH (đến ngày 26/7/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.192.080 khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.
Trước những nỗ lực của ngành Ngân hàng, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, những chính sách của ngành Ngân hàng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian qua là rất kịp thời, đúng và trúng mục tiêu. “Đặc biệt Thông tư 01/2020/TT-NHNN với việc cho phép hoãn, giãn, cơ cấu lại nợ, liên tục chỉ đạo các NHTM tích cực giảm lãi suất cho vay… đã giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như áp lực trả nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong suốt 1 năm qua” – ông nói.
Mặc dù các giải pháp trên đã và đang phát huy hiệu quả nhưng nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh từ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, NHNN đang điều chỉnh Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các doanh nghiệp. Chính sách mới phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, khi điều chỉnh chính sách này, NHNN muốn tính đến câu chuyện dài hơi hơn, không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp trong thời điểm giãn cách mà cả khi kết thúc giãn cách, doanh nghiệp có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Đồng thời, chính sách ban hành sẽ phải phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng không để cho các NHTM bị giảm sút năng lực tài chính. Từ đó, không ảnh hưởng đến sự ổn định của từng TCTD cũng như hệ thống ngân hàng trong tương lai cả ngắn hạn và trung hạn.
Giảm chi phí vốn vay, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ phục hồi kinh tế
Năm 2020, kinh tế thế giới được dự báo suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%. Đóng góp vào thành công đó có vai trò của ngành Ngân hàng – kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế.
Trong năm 2020, NHNN đã có 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm. Những tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ NHNN, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong 6 tháng tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Tháng 7/2021, tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng với 16 NHTM hội viên, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất đến hết năm 2021.
Đến nay, 16/16 NHTM đã có báo cáo gửi Hiệp hội Ngân hàng kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và lãi suất cho vay đối với một số khoản vay mới chuẩn bị giải ngân, ước tính giảm lãi suất cho vay từ nửa cuối tháng 7 đến cuối năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là trên 20 nghìn tỷ đồng.
Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lao đao, buộc phải cắt giảm chi phí, nhân lực, hoặc giải thể, ngừng hoạt động, người lao động phải nghỉ việc rơi vào cảnh bần cùng. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã tái cấp vốn cho NHCSXH để ngân hàng này cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động. Từ khi hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho NHCSXH để làm nguồn vốn cho vay, đến nay, NHCSXH đã giải ngân khá tích cực được khoảng gần 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng thực hiện tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), NHNN đã kịp thời có văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc các NHTM và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo. Tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL” ngày 26/8, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu các NHTM tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý, cùng nhiều giải pháp thiết thực khác như: mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa; thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm…
Bên cạnh những chính sách về lãi suất, các TCTD cũng có nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Về phía NHNN, từ năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho các TCTD. Lần 1: áp dụng từ ngày 1/4-31/12/2020 Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020; Lần 2: áp dụng từ ngày 1/1-30/6/2021 (Thông tư 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020). Lần 3: từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022 (Thông tư số 13/2021/TT-NHNN). Đồng thời NHNN cũng nhiều lần chỉ đạo tới các TCTD, Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả nói trên, với tinh thần tương thân tương ái, ngành Ngân hàng cũng luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, đồng hành, chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch COVI-19. Từ năm 2020 tới nay, tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng đã dành trên 1.550 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19, mua máy y tế, sinh phẩm chuẩn đoán COVID-19…. Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, NHNN đã vận động các ngân hàng thể hiện quyết tâm chung tay thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị và Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin. Tổng số tiền ủng hộ cho Quỹ vắc xin là khoảng 750 tỷ đồng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết liệt của NHNN, các TCTD đã vào cuộc tích cực, bằng nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời, giống như “máy trợ thở” giúp người dân, doanh nghiệp dần vượt qua “cơn bĩ cực” do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, do đó, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của ngành Ngân hàng, thì những chính sách vĩ mô khác như đầu tư công, chính sách thuế, phí, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ và chính sách an sinh xã hội… cùng sự nỗ lực, đổi mới của doanh nghiệp hi vọng sẽ cùng góp phần đưa nền kinh tế trụ vững và dần phục hồi trở lại.