Xếp theo các sở ngành dọc, ngành ngân hàng Thành phố - NHNN TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có những cải thiện về thứ bậc, trong đó chỉ số thành phần về hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1,34 điểm so với năm 2022.
Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, là chỉ số thành phần của chỉ số DDCI , bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các sở ngành địa phương. Chỉ số này năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh đã được công bố, theo đó xếp theo các sở ngành dọc, ngành ngân hàng thành phố, NHNN Thành phố tiếp tục có những cải thiện về thứ bậc, trong đó chỉ số thành phần về hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1,34 điểm so với năm 2022. Mặc dù so với các chỉ số thảnh phần khác, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao, song việc cải thiện và tăng điểm cũng như đặt trong mối liên hệ so sánh với các sở ngành theo cùng chỉ số, thì đây là kết quả rất khích lệ, động lực để ngành ngân hàng thành phố tiếp tục làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức và yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Xét về mặt kỹ thuật và nội hàm của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đây là chỉ số khó nhất và cũng phản ánh rõ nhất kết quả hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng thành phố, vì vậy để cải thiện chỉ số này, không chỉ dừng lại ở giải pháp, sự định hướng, lãnh đạo chỉ đạo điều hành của NHNN Thành phố mà còn là sự quyết tâm và hành động của toàn ngành ngân hàng Thành phố, của mỗi TCTD và cả của chính doanh nghiệp vay vốn, cũng như sự hỗ trợ, sự phối hợp của sở, ngành, quận, huyện trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Theo đó, các nhóm hành động, giải pháp cần triển khai trong thời gian tới cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác triển khai cơ chế chính sách, ngoài ý nghĩa cốt lõi đưa cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, để phát huy hiệu quả chính sách, cần tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện; kiểm tra và phản ánh, phản hồi thông tin từ doanh nghiệp, người dân, từ TCTD để thực hiện tốt chính sách, cũng như phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành của NHNN Thành phố.
Thứ hai, phối hợp làm tốt công tác truyền thông chính sách gắn với đổi mới hoạt động tuyên truyền. Trong đó, cần thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm truyền thông chính sách, theo đó công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ, không chỉ là nhiệm vụ của NHNN Thành phố mà của cả chính các TCTD; các hiệp hội doanh nghiệp, các sở, ngành, quận, huyện và các tổ chức chính trị… tại cơ sở, thông qua công tác phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình đối thoại, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các buổi sinh hoạt chuyên đề. Điều này rất có ý nghĩa và mang lại kết quả cụ thể, thiết thực, nhất là tại các buổi cafe doanh nhân; các buổi sinh hoạt của các hội nghề nghiệp và tổ chức đoàn thể chính trị tại các quận, huyện.
Thông tin qua các hình thức này rất hiệu quả, bởi tính lan tỏa, tính hỗ trợ và chính thống của thông tin. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân nắm bắt kịp thời chính sách để tiếp cận thuận lợi chính sách, cũng như ý thức trách nhiệm thực hiện chính sách, trách nhiệm trong sử dụng vốn vay, từ đó phát huy hiệu quả tín dụng, đồng thời hạn chế và khắc phục được những tồn tại khó khăn vướng mắc phát sinh liên quan.
Ý nghĩa của giải pháp này đó là: ngành ngân hàng Thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách; Người dân, doanh nghiệp hiểu và nắm rõ chính sách sẽ làm đúng quy định. Tất cả những yếu tố này, khi được thực hiện tốt sẽ đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả. Với tinh thần đó, làm tốt công tác truyền thông chính sách, với cách làm phù hợp, hợp lý và đổi mới sẽ góp phần quan trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện cho ngành ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cũng như góp phần cải thiện chỉ số DDCI của ngành tại địa phương.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Thực hiện tốt chương trình này, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thông tin tuyên truyền và phổ biến chính sách mà còn cụ thể hóa các cơ chế chính sách, các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trực tiếp được hỗ trợ thông qua việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi. Được biết, trong 3 tháng đầu năm, ngành ngân hàng Thành phố đã giải ngân gói tín dụng ưu đãi đạt: 174.122 tỷ đồng, cho 42.264 khách hàng, chiếm 34,2% so với quy mô gói (đây là gói tín dụng được 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký theo kế hoạch chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp năm 2024, với quy mô gói là: 509.864 tỷ đồng).
Thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu này, cùng với việc tiếp tục cải cách hành chính, với nội hàm nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới quy trình giao dịch, rút ngắn thời gian giao dịch…thông tin tư vấn tốt cho khách hàng doanh nghiệp và tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp với sở ngành, quận huyện trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như sự đổi mới của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch trong hoạt động và đổi mới hoạt động… sẽ góp phần phát huy hiệu quả vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, cụ thể hóa nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, qua đó góp phần cùng ngành ngân hàng Thành phố cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, được phản ánh định lượng bằng kết quả chỉ số DDCI hằng năm.