(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tôi ra đi không phải vì “Sài Gòn đau lòng quá” đâu, mà vì tôi đã trúng tuyển vào Vietcombank Bình Phước – Chi nhánh đầu tiên ở quê mình.
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đỗ Minh Tâm, công tác tại Vietcombank Bình Phước
Bước vào ngành ngay từ lúc ra trường, đến giờ cũng đã được gần năm năm, đối với tôi, đó không phải thời gian đủ dài để tích góp cho mình nhiều trải nghiệm, nếm trải đủ vị gian khó trong ngành. Nhưng cũng vừa vặn để nhìn lại bản thân về “chiếc” nghề mình đang theo đuổi với những cảm xúc đủ đầy: yêu – ghét – thân thương và tự hào.
Tôi rời Sài Gòn trong một buổi chiều tà, khi ánh nắng vàng vọt chiếu vào chiếc xe Repsol của ba, bon bon trên Quốc lộ 14. Tôi ra đi không phải vì “Sài Gòn đau lòng quá” đâu, mà vì tôi đã trúng tuyển vào Vietcombank Bình Phước – Chi nhánh đầu tiên ở quê mình. Ấy vậy mà cũng là cái duyên, tôi mới, Chi nhánh còn mới hơn tôi, đồng nghĩa với việc mình sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên xây nên nền móng vững chắc sau này.
“Em cũng không biết nữa, khi nào ta yêu nhau”
Mỗi năm, trong hàng ngàn sinh viên khối ngành kinh tế tốt nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm, thì có không ít các bạn đam mê làm trong ngân hàng, mong ước vào Vietcombank. Trong số ấy, nghề giao dịch viên là “nóng” hơn cả và đó là cái nghề tôi đã chọn với sự tò mò và mơ hồ của mình.
Cho đến giờ ngẫm lại, mình cũng thật may mắn. Khi cánh cửa Ngân hàng kéo lên thường nhật vào khung giờ cố định mỗi buổi sáng, chúng tôi sãn sàng vị trí, áo quần tươm tất, trên môi là nụ cười tỏa ánh mặt trời vì chúng tôi biết, nơi khách hàng muốn đến không chỉ là ngân hàng, mà còn là một gia đình nhỏ.
Chúng tôi tiếp nhận và xử lý các giao dịch để mang đến sự hài lòng triệt để cho khách hàng, đối tác. Chúng tôi chủ động làm quen, xử lý nhanh chóng các tình huống xảy ra trong giao dịch. Tôi yêu lắm, yêu nụ cười của khách, yêu âm thanh phát ra từ máy đếm tiền – nó hay ho và chuyên nghiệp.
Tôi yêu từng cây viết trên bàn, yêu chiếc caravat màu xanh hi vọng và chiếc huy hiệu vàng đồng được gắn lên ngực trái. Cùng làm, cùng vui, mỗi lần nhìn anh chị đồng nghiệp hăng say, mình như được tiếp thêm lửa sức mạnh.
Từ dạo ấy, tôi có niềm tin với nghề, và thấy được những giá trị của bản thân. Niềm vui ấy như những con Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh khi tìm ra được câu trả lời của câu hỏi “Gió bắt đầu từ đâu?”.
“Dữ dội và dịu êm - ồn ào và lặng lẽ”
Thời gian trôi qua, khi tôi biết thêm kiến thức, nghiệm vụ, biết trách nhiệm và nghĩa vụ, cũng là lúc tôi đứng giữa sự phân vân và nhiều suy nghĩ nội tâm. Tôi áp lực lắm, vì công việc tại quầy và cả những chỉ tiêu kinh doanh đều làm mình đau đầu.
Trong những lúc ấy, quán tính khiến mình nghĩ về bản thân nhiều hơn, có khi nguyên cả tuần không nói chuyện với gia đình một câu, sáng lũi thủi đi làm, tối lầm lũi về phòng, thậm chí cả tháng quên đi bữa cơm gia đình là rất đỗi bình thường.
Tủi thân nhưng thật khó chia sẻ vì tôi biết, xung quanh tôi, mọi người vẫn cần sự sẻ chia hơn mình. Tôi chạnh lòng khi lắng nghe lời trăn trở của cô bé kế bên về gia đình, con cái, mà công việc là thứ duy nhất cô ấy có được và buộc làm tốt.
Có đứa bạn trạc tuổi tôi cùng làm tại quầy. Hai đứa lúc mới vào đã từng hứa sẽ cùng nhau phấn đấu, tập trung cho sự nghiệp, bỗng một ngày nghe tin cô ấy đi lấy chồng!. Cổ sẽ trở thành một người phụ nữ đúng nghĩa – già dặn và trưởng thành.
Tôi còn nhớ, một người chị khác của mình đã cố hạch toán cho khách hàng xong rồi chạy ùa vào nhà vệ sinh, khóc một tràng thật to, gục ngã và đau đớn vì nghe tin “Mẹ chị có khối U rồi”. Tôi chở chị về chuẩn bị đồ đạc ra bến xe, nhìn ngôi nhà, chú chó trước cổng ngeo ngoắc đuôi mừng rỡ, áo quần phất phơi trước gió trời lồng lộng và những khóm hoa vẫn khoe sắc tươi dưới ánh nắng đối lập với cảm xúc của cô gái ngồi đằng sau xe tôi.
Tôi chạnh lòng, không cầm được nước mắt khi chị nói với đứa em gái mình “Mẹ bị K rồi đó, biết chưa, biết chưa!!!”, rồi khóc lên như một đứa trẻ. Và còn biết bao những tâm tư khác tôi chưa kịp lắng nghe và chia sẻ. Nghề giao dịch viên là vậy, đi sớm về muộn, sau nụ cười nếu không phải là cô đơn thì cũng là những tâm sự khó nói hoặc là những lo toan cho cuộc sống đời thường. Có những lúc ồn ào, dữ dội nhưng có lúc lặng lẽ, cô đơn.
Ảnh do tác giả cung cấp |
“Sóng nào chẳng tới bờ - dù muôn vàn cách trở”
Rèn giũa qua thời gian, tôi đối mặt và vượt qua những khó khăn của nghề. Tôi tự hào khi khoác lên mình màu áo được truyền tải bản sắc của Vietcombank, tôi trân quý những người xung quanh mình như anh em ruột thịt. “Khó khăn nào cũng sẽ vượt qua” – nó như là “tiên đề” mà không cần phải chứng minh bằng tính chất logic toán học.
Cô bạn lấy chồng của tôi giờ đã trở thành mẹ, đứa bé y chang ba của nó. Mình cũng mừng thầm cho nhỏ bạn.
Nhân sự được tuyển thêm, công việc cũng được san sẻ, mọi người dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình. Riêng người chị ngồi sau xe tôi cũng nở nụ cười vì Mẹ đã có kết quả U lành tính.
Tôi nhìn những người xung quanh một cách xúc động và rất đỗi tự hào, khâm phục cách họ vượt qua khó khăn, cuối đầu trước nghị lực họ dành cho công việc và những câu chuyện phía sau họ. Tình yêu là những tế bào hồng cầu, đi mãi rồi cũng chảy về tim. Con sóng nào chẳng chạy đến bờ, dù trải qua ngàn năm cách trở.
“Nỗi khát vọng tình yêu – bồi hồi trong ngực trẻ”
Chúng ta nói về “đam mê” những mấy ai biết được thứ mình cần và điều mình muốn là gì?. Đến giờ phút này, nếu có được hỏi “đam mê’ của mình, tôi sẽ không trả lời.
Tôi không quá quan tâm về cách người ta tung hô về “đam mê” nhưng lại bị thu hút bởi cách họ hành động, nỗ lực để thực hiện điều họ muốn. Như những người xung quanh tôi, họ là người bình thường nhưng tôi tin ẩn sâu trong mỗi cá thể là vô vạn phẩm chất tốt đẹp, tử tế. Có trách nhiệm với những điều mình đã làm, kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc. Họ ý thức và trân quý công việc, ngày càng nỗ lực phấn đấu vì tình yêu “nghề” nồng nàn và cháy bỏng.
Tôi còn phải học hỏi nhiều lắm. Dù biết đoạn đường mình đi còn chông gai phía trước nhưng có mấy ai đến với “nghề Ngân hàng” mà êm xuôi, đuôi lọt. Tôi tin vào chính mình, vì chỉ cần có khát vọng, trái tim non sẽ còn đập mãi.
Tôi viết ra những dòng cuối cùng, cũng là lúc phòng chúng tôi chuẩn bị đi món lẩu yêu thích ở một quán mới mở gần cơ quan. Tất nhiên không ngon bằng lẩu Haidilao ở Quận 1 nhưng quan trọng gì khi chúng ta cùng ăn thật vui và quây quần bên nhau.
Nghề “Giao dịch viên” – ngon như một món lẩu, để thưởng thức chúng ta phải bỏ công chờ đợi, kiên nhẫn. Ăn lẩu cũng giống như làm nghề, lẩu nhiều vị, có người thích hoặc không thích, cũng như chính bản thân ta, không ai là hoàn hảo. Nhưng muốn bỏ gì vào lẩu thì tùy ý mỗi người, đối diện với khó khăn, chúng ta có quyền chọn những phương án tốt nhất. Quan trọng, đã đi ăn là phải đi cùng nhau, đã làm giao dịch viên – vui nhất là đồng đội.
Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng. Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng... Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác]. Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu |