Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn Nhân dân tệ trở thành một “đồng tiền mạnh” đủ ổn định để đóng vai trò ngày càng tăng trong thương mại toàn cầu. Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump có vẻ sẽ thách thức tham vọng đó.
Đồng Nhân dân tệ có nguy cơ chịu áp lực giảm giá trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, và mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại khác đã thúc đẩy các cuộc đặt cược đối với đồng tiền này. Các nhà phân tích dự đoán đồng Nhân dân tệ sẽ phá vỡ mức thấp nhất trong 17 năm so với đồng đô la Mỹ vào năm 2025, với những nhà quan sát bi quan nhất dự đoán mức giảm khoảng 10%.
Đồng Nhân dân tệ hiện giờ dễ bị tổn thương hơn so với thời cuộc chiến thương mại trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu Mỹ. Các công ty nước ngoài đang rút lại đầu tư tại Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không đồng đều và bóng ma giảm phát có thể kéo lãi suất xuống thấp hơn nữa.
Adam Wolfe, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Absolute Strategy Research, cho biết: “Áp lực giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể sẽ gia tăng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng Nhân dân tệ một chút trước những lo ngại về sự ổn định tài chính trước sự mất giá lớn hơn. Nhưng nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra, PBOC có thể cho phép phá giá nhiều hơn để bảo vệ hàng xuất khẩu của Trung Quốc và cải thiện vị thế đàm phán của nước này”.
Logic đó đang khuyến khích các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào đồng tiền này.
BNP Paribas kỳ vọng tỷ giá đồng USD - Nhân dân tệ sẽ ổn định quanh mức 7,5 nếu Tổng thống Trump thực hiện cam kết áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, trong khi UBS dự báo tỷ giá cặp tiền tệ này là 7,60-7,70 vào năm tới và Societe Generale dự kiến là 7,40 trong quý II năm tới. Những dự báo này đều chỉ ra rằng đồng Nhân dân tệ trong nước đã chạm mức thấp nhất như hồi năm ngoái, ở mức 7,351, mức yếu nhất kể từ năm 2007.
Một số nhà phân tích thậm chí còn đi xa hơn: Tập đoàn tài chính Jefferies dự đoán tỷ giá cố định hàng ngày vào khoảng 8 Nhân dân tệ cho mỗi 1 USD vào năm 2025. Lần cuối cùng đồng Nhân dân tệ ở mức đó là vào năm 2006, khi đó George W. Bush làm tổng thống, Twitter chỉ mới thành lập được vài tháng và quy mô nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn của Đức.
Các nhà phân tích cho rằng, để đồng Nhân dân tệ suy yếu đi là con đường ít gặp trở ngại nhất và có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc nếu Mỹ tăng thuế. Nhưng cuộc tranh luận thực sự là PBOC sẽ cho phép đồng tiền mất giá ở mức độ và tốc độ nào.
Trung Quốc đã từng lên kế hoạch phá giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015, khi PBOC cho phép tỷ giá cố định hàng ngày giảm một lần 1,9%. Điều đó đã gây ra dòng vốn ồ ạt chảy ra nước ngoài và làm giảm dự trữ ngoại tệ của quốc gia này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Trung Quốc cũng từng bị Mỹ gắn mác quốc gia ‘thao túng tiền tệ’.
Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư chính tại Saxo Markets, cho biết: “Việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ đồng nghĩa với việc tăng thêm áp lực kinh tế và khủng hoảng nợ, cũng như nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ”. Bà cho biết động thái này sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng là PBOC chấp nhận giảm giá đồng tiền chậm và ổn định - và dựa vào các biện pháp ít trực tiếp hơn để chống trả.
Trong vài năm qua, PBOC đã cải tiến bộ công cụ của mình khi việc FED tăng lãi suất nhanh đã tác động đến các loại tiền tệ trên toàn thế giới. Sách lược ngoại hối hiện tại của Trung Quốc bao gồm việc thiết lập các mức tỷ giá cố định hàng ngày mạnh hơn, điều này hạn chế biên độ giao dịch của đồng nội tệ mỗi ngày; điều chỉnh lượng ngoại hối ngân hàng cần dự trữ như tiền gửi bắt buộc; và khuyến khích các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước quản lý thanh khoản trên thị trường nước ngoài.
Các nhà giao dịch hiện theo dõi chặt chẽ các thị trường tài trợ vốn bằng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài, nơi ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các đơn vị ở nước ngoài của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước có thể thắt chặt nguồn cung đồng Nhân dân tệ để ép đặt cược giảm giá.
PBOC đã tung ra một đợt kích thích mạnh mẽ trong nước vào cuối tháng 9 và các cơ quan khác của chính phủ Trung Quốc kể từ đó cũng đã thực hiện các sáng kiến của riêng mình. Các nhà kinh tế cho biết, nếu gói kích thích thành công, nó sẽ giúp nền kinh tế chống lại những cú sốc từ việc áp đặt thuế quan của Mỹ.
Song, mục tiêu ngăn chặn sự trượt giá của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD của Trung Quốc được cho là có thể nhận được sự ủng hộ từ chính Tổng thống Trump. Tổng thống đắc cử ủng hộ đồng USD yếu hơn, điều này sẽ làm cho hàng hóa Mỹ rẻ hơn ở phần còn lại của thế giới, mặc dù các ngân hàng phố Wall cho rằng mong muốn này khó có thể đạt được.
Trung Quốc trong nhiều năm đã thúc đẩy quốc tế hóa đồng tiền của mình, một phần trong tham vọng biến quốc gia này thành một cường quốc tài chính toàn cầu. Chính phủ đã đạt được một số thành công trong việc thúc đẩy sử dụng đồng tiền này ở nước ngoài, nhưng Bắc Kinh coi đồng Nhân dân tệ ổn định – không có động thái cực đoan theo cả hai hướng – là chìa khóa để thành công hơn nữa.
Lynn Song, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING Bank NV, cho biết: “Trường hợp xấu nhất đối với Nhân dân tệ theo quan điểm của tôi sẽ là nếu các nhà hoạch định chính sách từ bỏ mục tiêu ổn định tiền tệ và cho phép đồng tiền này mất giá nhanh”. Quyết định kiểu này sẽ phải đến từ sự thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo cao nhất, có thể là chuyển hướng từ mục tiêu quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ dài hạn sang tập trung nhiều hơn vào các vấn đề ngắn hạn.” Và theo vị chuyên gia này thì điều đó sẽ không hiệu quả và là tầm nhìn ngắn hạn.