Phát triển nông nghiệp, nông thôn: Cần chính sách đột phá phù hợp với tình hình mới

T.T| 18/03/2022 08:59
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn tồn tại những hạn chế, đặt ra yêu cầu phải có những đột phá về chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình mới…

Ngày 17/3, Ban Kinh tế TW đã tổ chức Hội nghị cho ý kiến các dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết Trần Tuấn Anh khẳng định: Thực hiện Quyết định 02-QĐ/TW ngày 26/3/2021 của Ban Bí thư về thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết đã tổ chức 26 hội nghị, hội thảo, tọa đàm; 15 cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương; tổng hợp báo cáo của 28 ban, bộ ngành TW, 26 báo cáo chuyên đề.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; kết quả nghiên cứu, khảo sát; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; Thường trực Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW gửi xin ý kiến các cơ quan ở TW, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Việc đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng Nghị quyết mới, trình TW đề ra những chủ trương, định hướng lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao vị thế nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng nước ta trong thời kỳ mới…”, Trưởng ban Kinh tế TW nhấn mạnh,

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Duy Hưng thông tin: Nghị quyết 26-NQ/TW được thể chế hóa kịp thời, hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết và ban hành Kết luận 97-KL/TW ngày 9/5/2014 và Kết luận  54-KL/TW ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn.

“Nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt và vượt như: Thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008 (mục tiêu là trên 2,5 lần); số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4% (mục tiêu là khoảng 50%); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn bình quân giảm 1,21%/năm (mục tiêu là giảm 1-1,5%/năm). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại những hạn chế, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, thu nhập, đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo một số nơi còn cao,… vì vậy, yêu cầu tham mưu về chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đòi hỏi phải có những đột phá, phù hợp với tình hình mới..”, Phó trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Ban Kinh tế TW sẽ tiếp tục bổ sung, nhất là những vấn đề cần kế thừa, phát triển Nghị quyết 26-NQ/TW, những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn đến năm 2030 để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.

Theo Trưởng ban Kinh tế TW, Dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành TW (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã kế thừa, phát triển các quan điểm, định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW, khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cùng một số nội dung mới, trọng tâm được bổ sung và phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp, nông thôn: Cần chính sách đột phá phù hợp với tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO