Hoạt động ngân hàng

Sóc Trăng: Đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng chính sách

ThS.Trần Trọng Triết 18/03/2024 10:40

Cùng với việc hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến các ấp, khóm, phương thức ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Năm qua, NHCSXH chi nhánh Sóc Trăng và các hội đoàn thể nhận ủy thác đã tích cực phối hợp triển khai các chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu đã ký kết giao ước thi đua.

Với nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả, thời gian năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm tốt công tác ủy thác quản lý vốn vay từ NHCSXH chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, nhiều gia đình đã có vốn để đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững…

Đáng chú ý, hoạt động ủy thác vốn vay giữa NHCSXH chi nhánh Sóc Trăng và các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải nguồn vốn chính sách nhanh chóng, kịp thời, với tổng dư nợ ủy thác trên 5.165 tỷ đồng, chiếm 99,88% tổng dư nợ toàn NHCSXH chi nhánh Sóc Trăng, tăng trên 722 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Trong đó, Hội Nông dân có tổng dư nợ ủy thác trên 1.349 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ có tổng dư nợ ủy thác trên 1.435,6 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh có tổng dư nợ ủy thác trên 1.234 tỷ đồng và đoàn thanh niên có tổng dư nợ ủy thác trên 1.146 tỷ đồng.

tu-nguon-von-vay-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-nhieu-ho-gia-dinh-o-thi-xa-nga-nam-soc-trang-co-dieu-kien-chan-nuoi-on-dinh-nguon-thu-nhap-cho-gia-dinh.-2-.jpg
Sóc Trăng: Đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng chính sách

Với phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các hội đoàn thể nhận ủy thác bằng ký kết Văn bản liên tịch số 68 về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện đã ký kết văn bản thỏa thuận; ký kết hợp đồng ủy thác với tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trực thuộc chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công việc ủy thác đảm bảo ổn định, phát huy hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; tuyên truyền, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đã chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở trong việc nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.166 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 4 tổ so với năm 2023, tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá chiếm 75,39%; có 3.166 tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi, với 156.602 tổ viên tham gia với số dư tiền gửi tiết kiệm đạt trên 156,4 tỷ đồng. Tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền đạt 99,63%. Số dư tiền gửi bình quân/tổ đạt 49 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với ngày 31/12/2023. Số dư tiền gửi bình quân/hộ đạt 1 triệu đồng, tăng 0,1 triệu đồng so với ngày 31/12/2023.

Với nguồn vốn lớn, hiệu quả cao, qua đó tín dụng chính sách ở Sóc Trăng, giúp hàng ngàn người dân sản xuất kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình có hộ gia đình chị Trần Thị Lệ Thông - hội viên Chi hội Phụ nữ khóm Vĩnh Tiền, Phường 3, thị xã Ngã Năm, chị Thông chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, không có vốn tích lũy để khởi nghiệp nên những ý tưởng đến rồi lại đi, những kế hoạch lập rồi lại bỏ. Vì thế tôi luôn trăn trở phải làm sao để phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt cho các con học tập. Và rồi cơ hội cũng đến khi tôi cùng gia đình được chị em hội phụ nữ triển khai về Chỉ thị số 40-CT/TW, đặc biệt với mục đích nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, tôi nhận thấy như mình đã tìm được “cứu cánh” để thay đổi đời sống gia đình mình”.

Nhờ chịu khó làm ăn, đã nêu lên mong muốn của mình nên chị Thông được Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 3 giới thiệu, tư vấn về hiệu quả của những mô hình nuôi heo sinh sản kết hợp nấu rượu tiêu biểu trên toàn tỉnh. Rất vui mừng sau khi được chính quyền địa phương, các đoàn thể và Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã cho vay vốn 20 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo nái nên gia đình chị Thông mua 4 con heo nái về nuôi, đầu tư mở rộng thêm hệ thống chuồng trại và mô hình nấu rượu.

“Khi nợ đến hạn, tôi rút tiền tiết kiệm và trả thêm khoảng 5 triệu đồng vốn còn nợ ngân hàng. Lúc này, cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều, 2 con tôi đã học hành thành tài và có công việc ổn định, vợ chồng tôi mạnh dạn đề xuất và được NHCSXH cho vay thêm 40 triệu đồng để mở rộng quy mô, xây thêm chuồng trại và đầu tư chăn nuôi lớn hơn. Nhờ chăm sóc tốt đàn heo cùng với công tác phòng dịch bệnh kỹ nên đàn heo của gia đình tôi ngày càng phát triển”, chị Thông chia sẻ và cho biết thêm: “Nhờ vậy, từ quy mô nhỏ đến nay tôi đã nhân đàn lên khoảng 60 con heo, trong đó có 10 con heo nái, 50 con heo thịt. Mỗi năm xuất chuồng 2 đợt heo thương phẩm, nếu giá heo ổn định, cũng thu về từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Khi có tiền từ bán heo, vợ chồng tôi dành dụm mua thêm 5 công ruộng và hiện có 13 công ruộng. Mô hình nấu rượu kết hợp nuôi heo và làm ruộng đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách. Động viên, khích lệ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO