Hoạt động ngân hàng

Sự đồng hành của ngân hàng vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh cho doanh nghiệp

Minh Đức 05/10/2023 06:01

Ngày 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hội nghị do ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Lê Quang Tiến – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì.

toan-canh.png
Quang cảnh hội nghị

Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các vụ, cục NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã giúp cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung.

pho-thong-doc.png
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Thống đốc NHNN, Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” là cơ hội để lắng nghe và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng, từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt

Báo cáo tổng quan chung các chính sách, giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, NHNN đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD); điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt (như bất động sản, nông sản xuất khẩu chủ lực, công nghiệp và xây dựng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã,...); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng,…

Về điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.

vu-tin-dung.png
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN báo cáo về tổng quan chung các chính sách, giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).

Bên cạnh đó, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt. Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo và yêu cầu các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Riêng địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, tính đến ngày 30/9/2023 dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022. Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn đạt kết quả khả quan như cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội,… Bên cạnh đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là gần 626 tỷ đồng cho 57 lượt khách hàng.

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đánh giá, tỉnh Thái Nguyên là địa phương chủ động, tích cực trong triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, bất động sản.

“Liều thuốc” giúp “sức khỏe” doanh nghiệp ổn định

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều ghi nhận sự đồng hành với tinh thần trách nhiệm cao của ngành Ngân hàng, thể hiện không chỉ ở việc cấp vốn kịp thời mà còn cùng doanh nghiệp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khẳng định sự lắng nghe, chia sẻ, đồng hành của cơ quan chính quyền và NHNN là sự khích lệ với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng đánh giá cao việc NHNN đẩy mạnh tần suất tiếp xúc, trao đổi giữa ngân hàng và doanh nghiệp cùng các chính sách hạ lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, chưa bao giờ doanh nghiệp được Chính phủ, NHNN, cơ quan chính quyền trên địa bàn tỉnh chia sẻ, thấu hiểu nhiều như thời điểm hiện tại. Đặc biệt, điều này có ý nghĩa với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK). Trước đây, doanh nghiệp XNK thường xuyên mua theo hình thức thanh toán LC (thư tín dụng) trả chậm vì vốn nước ngoài rẻ, thanh toán chậm 6 tháng cộng biên độ 1% nhưng giờ thì ngược lại, doanh nghiệp lựa chọn thanh toán LC trả ngay vì đang được hưởng chính sách tốt.

Bà Vinh còn dẫn chứng về trường hợp doanh nghiệp FDI lớn vào Thái Nguyên hợp tác và có kế hoạch vay vốn của các ngân hàng nước ngoài nhưng cuối cùng Ngân hàng BIDV Thái Nguyên với các chính sách lãi suất và phương thức thanh toán hợp lý đã cạnh tranh sòng phẳng, giành ưu thế với các ngân hàng quốc tế trong thương vụ này và trở thành ngân hàng cung cấp hàng chục triệu USD vốn cho dự án.

Đồng tình với quan điểm của bà Nguyễn Thị Vinh, ông Vũ Văn Biên - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn khẳng định ngành Ngân hàng đã và đang là bàn đỡ quan trọng cho các doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Khẳng định nếu không có sự chia sẻ, tinh thần trách nhiệm cao của ngân hàng, chắc chắn doanh nghiệp không thể đứng vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ông Vũ Văn Biên cho rằng sự chỉ đạo kịp thời, các chính sách tiền tệ hợp lý của NHNN thời gian qua không chỉ là "thuốc bổ" mà còn là "thuốc chữa bệnh" để cải thiện "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các doanh nghiệp cũng kiến nghị có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ trong dự báo chính sách; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp nặng, doanh nghiệp đầu tư ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;...

Một số ý kiến cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án; hướng dẫn và giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động. Về phía các ngân hàng, ông Hoàng Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, VietinBank là một trong các ngân hàng có hệ thống mạng lưới rộng lớn với 3 chi nhánh và 23 phòng giao dịch. Đến ngày 31/8/2023, VietinBank đang phục vụ khoảng 11.900 khách hàng tiền vay với tổng dư nợ đạt trên 15.400 tỷ đồng. Với hoạt động huy động vốn, VietinBank đang có khoảng 281.900 khách hàng tiền gửi với tổng nguồn vốn đạt gần 20.200 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng khách hàng doanh nghiệp tại địa bàn đạt xấp xỉ 14%, tập trung tại một số ngành như sắt thép, vật liệu xây dựng, xây dựng cơ bản, dệt may, thức ăn chăn nuôi, đầu tư kinh doanh bất động sản cụm công nghiệp, và công nghiệp phụ trợ.

Tại hội nghị, nhằm phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của một ngân hàng thương mại trụ cột trong nền kinh tế, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực trong phát triển kinh tế xã hội, đại diện VietinBank đề xuất một số ý kiến để các ngân hàng có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Phó Tổng Giám đốc VietinBank đề xuất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Thái Nguyên nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Rà soát, hướng dẫn và thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư/các văn bản liên quan để các nhà đầu tư được ký hợp đồng thuê đất, triển khai và phát triển dự án. Vì đây là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh phát triển và VietinBank cũng ưu tiên đầu tư cho vay.

Ông Phương cũng đồng thời kiến nghị NHNN xem xét điều chỉnh quy định về hệ số rủi ro với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên như cấp tín dụng cho các dự án tín dụng xanh, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp thấp hơn quy định chung để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý.

“Nâng mức cho vay tối đa bằng phương thức điện tử đối với khoản vay cầm cố bằng chính các khoản tiền gửi tiết kiệm online của khách hàng thì không quy định số tiền cho vay tối đa là 100 triệu đồng tại một TCTD theo quy định tại Điều 32, tại Thông tư 06”, đại diện VietinBank kiến nghị.

“Trong thời gian tới, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, năng cao năng lực, sức cạnh tranh đồng thời triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có kết quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Phương khẳng định.

Nhắn nhủ với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Thái Nguyên kỳ vọng các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch kinh doanh và kiểm soát chi phí hiệu quả; nâng cao năng lực điều hành, minh bạch các báo cáo tài chính, tạo điều kiện để ngân hàng rút ngắn thời gian cấp vốn...

Sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp

pho-ct-tinh-thai-nguyen.jpg
Ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị

Khẳng định NHNN đã tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và người dân, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn ngành Ngân hàng đã làm được trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ được NHNN có biện pháp tháo gỡ và kịp thời chia sẻ. Ông Lê Quang Tiến cũng đề nghị NHNN Chi nhánh tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng; đẩy mạnh các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị định, chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân…

Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách tín dụng..., nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD cũng như của người dân, doanh nghiệp.

Để làm được điều đó, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị trong ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, bao gồm:

Các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ; tăng cường ứng dụng CNTT, tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm thấp nhất lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, triển khai nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Chủ động triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp một cách kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với hiệu quả, an toàn, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa mục hồ sơ khách hàng vay vốn...

Về vấn đề tài sản bảo đảm, Phó Thống đốc nhấn mạnh đây là thỏa thuận giữa ngân hàng và doanh nghiệp, pháp luật không bắt buộc phải có tài sản thế chấp do vậy, phải đối thoại để tìm sự thống nhất của cả hai bên.

Với NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, Phó Thống đốc đề nghị thực hiện tốt vai trò tham mưu; thực hiện kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các TCTD; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; đánh giá nhu cầu vốn thực của doanh nghiệp và người dân, định hướng các TCTD trên địa bàn chủ động cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; đẩy mạnh công tác truyền thông;...

Khẳng định ngành Ngân hàng nói chung cũng rất mong muốn UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành phối hợp cùng NHNN; hỗ trợ các thủ tục pháp lý trên địa bàn, đảm bảo hệ thống tín dụng trên địa bàn được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Với các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, Phó Thống đốc đề nghị các Hiệp hội phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi....

Đặc biệt, về phía các doanh nghiệp, Phó Thống đốc mong muốn các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các ngân hàng cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời; thực hiện các giải pháp tái cơ cấu hoạt động để nâng cao sức khỏe tài chính của chính doanh nghiệp. Đối với DNNVV cần nâng cao năng lực điều hành, tăng cường quản lý minh bạch, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi và hiệu quả...

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hi vọng, với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, Hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự đồng hành của ngân hàng vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc chữa bệnh cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO