Nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Tuần lễ Chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo nội dung của UBND TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 17/10, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt.
Hội thảo có sự tham gia của ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN; đại diện lãnh đạo một số bộ, sở, ban, ngành TP. Hồ Chí Minh; một số tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán trong và ngoài nước; doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí...
NHNN triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định, tạo nên sự thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể sử dụng để hiểu, để nắm hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra các quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đối với ngành Ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành cũng như thúc đẩy TTKDTM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dữ liệu không chỉ giúp các ngân hàng xác thực định danh mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ phân tích, nắm hành vi và xu hướng tiêu dùng từ đó đưa ra quyết định trong phát triển cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM, ngành Ngân hàng đã và đang gặp một số thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối liên thông tích hợp liền mạch giữa ngành với các ngành, lĩnh vực khác nhất là khu vực hành chính công như y tế, giáo dục để tạo hệ sinh thái số, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Chính vì vậy, tại các quyết định của NHNN về TTKDTM, chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, với cơ sở dữ liệu các ngành, các lĩnh vực để khai thác tổng hợp dữ liệu xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng tạo thuận lợi cho khách hàng.
Phó Thống đốc khẳng định sự kiện sẽ là diễn đàn hữu ích cho các nhà quản lý, chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai, kết nối, khai thác dữ liệu hướng đến phát triển dịch vụ TTKDTM, ngân hàng số để cung ứng ngày càng đa dạng các dịch vụ tiện ích, an toàn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh và của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - cho biết, TTKDTM nói chung, TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công nói riêng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước đến nay. Cụ thể hóa chủ trương này, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.
Theo đó, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về TTKDTM tiếp tục được hoàn thiện, hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. NHNN luôn quan tâm nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác… cho phép các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ…
Đối với công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) phương thức TTKDTM qua ngân hàng thương mại tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh trong cả nước. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các cơ quan liên quan (thuế, hải quan, KBNN) cải tiến, đa dạng hóa các kênh thu, nộp thuế, tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân nộp thuế. Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức TTKDTM để thực hiện thanh toán trực tuyến. NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; việc thúc đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp… cũng được chú trọng.
Tỷ lệ TTKDTM của TP. Hồ Chí Minh ở vị thế hàng đầu trong cả nước
Tại TP. Hồ Chí Minh - một trong số những địa phương tích cực và đi đầu trong công tác thúc đẩy TTKDTM các dịch vụ công đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - cho biết, thành phố đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP. Hồ Chí Minh (hợp nhất Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử), kết nối Hệ thống định danh công dân theo Đề án 06, thiết lập 1.590 thủ tục hành chính trên môi trường số; triển khai 635 dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, thanh toán lệ phí trực tuyến đã đạt hơn 13 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực công thương, thành phố cũng đẩy mạnh TTKDTM. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - khẳng định, thành phố có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại với 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại…. Các cơ sở này đều tham gia vào hoạt động TTKDTM. Nhờ đó, tỷ lệ TTKDTM của TP. Hồ Chí Minh ở vị thế hàng đầu trong cả nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế - một trong lĩnh vực gần gũi với người dân nhất, cũng ưu tiên TTKDTM. Theo ông Đặng Anh Long - Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - đơn vị đang triển khai giải pháp TTKDTM trên phạm vi rộng, không giới hạn thời gian, không gian. Bệnh nhân có thể thanh toán đăng ký khám bệnh qua App và Kios; thanh toán qua thẻ khám chữa bệnh kiêm ATM; thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú; thanh toán với ngân sách; thanh toán tiền thuốc tại nhà thuốc.
Những chuyển biến tích cực trong TTKDTM các dịch vụ công một phần đến từ việc các ngân hàng, trung gian thanh toán tích cực xây dựng hệ sinh thái thanh toán số. Ông Đặng Hoài Đức - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - cho biết, với số lượng đối tác đa dạng, rộng khắp, Vietcombank hiện đang cung cấp dịch vụ thanh toán số trong tất cả lĩnh vực như hành chính công, bảo hiểm xã hội, thuế; y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc, cơ sở cung ứng thiết bị y tế... Thời gian qua, Vietcombank vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cho các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới trao tặng. Đây là động lực để Vietcombank tiếp tục phấn đấu cung cấp cho thị trường những sản phẩm dịch vụ thanh toán dịch vụ công nói riêng và các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp nói chung trên nền tảng số với nhiều giá trị gia tăng khác biệt, đáp ứng các yêu cầu ngày càng đa dạng trong xu thế chuyển đổi số.
Không chỉ ngân hàng, các trung gian thanh toán cũng nỗ lực mang đến các giải pháp thanh toán dịch vụ công hiện đại. Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo - chia sẻ, MoMo là một trong những ví điện tử đầu tiên kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Với lượng khách hàng trẻ, thành thạo công nghệ, lượng thanh toán qua MoMo đã tăng trưởng mạnh qua mỗi năm, chiếm 33,7% tổng giao dịch qua cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022. Công ty cũng phối hợp với các tỉnh thành phố lớn trên toàn quốc như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai các chương trình phát triển TTKDTM, các tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt…
Là đơn vị đồng hành cùng các ngân hàng, trung gian thanh toán trong TTKDTM, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam - thông tin về một số hoạt động nổi bật của NAPAS với vai trò trung gian thanh toán trong năm qua. Có thể kể đến như công tác triển khai thí điểm VietQR thanh toán, mở rộng hình thức thanh toán điện tử trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, tổ chức nhiều chương trình ưu đãi thúc đẩy khách hàng chi tiêu, thanh toán không tiền mặt.
Đáng chú ý số lượng giao dịch VietQR trung bình/ngày gấp 7 lần giao dịch rút tiền mặt. Hàng tháng có hơn 20 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng để quét mã VietQR; hơn 11 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, trung bình gần 3 triệu mã VietQR mới được tạo mới/tháng. Nhờ đó, VietQR góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.
Dẫu vậy, hành trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đưa ra một số định hướng, giải pháp, ông Phạm Thanh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - cho biết, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử; chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng; tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Đồng thời, NHNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động TTKDTM, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM.