Nhằm tăng cường năng lực phòng, chống rửa tiền cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 28/6, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các TCTD đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai”.
Tham dự tọa đàm, về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có: Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng; ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền; bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền; ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán; ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng có: Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng; ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BIDV; Ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng, Ủy viên HĐQT Vietcombank; ông Phạm Quang Thắng, Thành viên Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank; ông Nguyễn Tuấn Lương, Thành viên Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng, Phó Chủ tịch HĐQT VNPAY; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, Phó Tổng giám đốc VPBank; ông Siva Krishnan, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản trị rủi ro Techcombank.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các TCTD tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tế hoạt động, song vẫn bộc lộ những hạn chế bất cập.
Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả, đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực quốc tế, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Ngay sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền được thông qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
“Tuy nhiên, với sự phát triển của các công nghệ mới, điện toán đám mây, kinh tế số, ứng dụng số… cùng với yếu tố dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen sống và hành vi đầu tư, tiêu dùng. Các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng với tốc độ số hóa nhanh và mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy và thu hút số lượng người dùng chuyển từ ngoại tuyến lên trực tuyến, sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các tội phạm nguồn của rửa tiền cũng có sự biến chuyển, trở nên tinh vi và phức tạp hơn”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký nhấn mạnh.
Các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng với tốc độ số hóa nhanh và mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy và thu hút số lượng người dùng chuyển từ ngoại tuyến lên trực tuyến, sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các tội phạm nguồn của rửa tiền cũng có sự biến chuyển, trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, năm 2019, Việt Nam được Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) ghi nhận những thay đổi tích cực trong khung khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, kết quả thực thi các quy định của pháp luật còn chưa cao, còn có những hạn chế trong chế tài xử lý những vi phạm trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Trên cơ sở những kiến nghị, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 có hiệu lực từ tháng 3/2023, thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội cả trong nước và quốc tế có nhiều biến động, đang đặt ra nhiều thách thức về rủi ro tuân thủ tài chính, đồng thời, nhiều loại hình tội phạm tài chính mới xuất hiện. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh chuyển đổi số để đem đến những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Theo Ernst&Young, hiện nay, 42% ngân hàng Việt sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình hình tội phạm toàn cầu ngày càng gia tăng dẫn đến nguy cơ các TCTD bị lợi dụng. Vì vậy, tính cấp thiết của công tác phòng chống rửa tiền, tội phạm tài chính luôn cần được đặt lên hàng đầu.
Chia sẻ về vấn đề rủi ro tội phạm rửa tiền mà các TCTD phải đối mặt và tính cần thiết của công tác phòng chống rửa tiền, thực thi các quy định pháp luật tại buổi tọa đàm, ông Siva Krishnan, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản trị rủi ro Techcombank cho biết, có rất nhiều nguy cơ cho TCTD khi bị các loại tội phạm rửa tiền/tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền lợi dụng.
TCTD đối diện với các rủi ro về pháp lý, tài chính, danh tiếng và tuân thủ nếu thiếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quản trị rủi ro hiệu quả.
Ông Siva Krishnan, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản trị rủi ro Techcombank
Chẳng hạn, tội phạm có thể lợi dụng tính năng của tài khoản ngân hàng để phục vụ cho hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến nhằm rửa tiền/thu lợi bất chính; lợi dụng tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi trốn thuế, sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng khác; chiếm đoạt/mua bán tài khoản ngân hàng trái phép; lợi dụng các sản phẩm/dịch vụ tài trợ thương mại để rửa các nguồn tiền bất chính, thông qua các hợp đồng khống tạm nhập tái xuất hàng hóa; hoặc khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển; sử dụng thẻ trả trước/thẻ tín dụng/sản phẩm cho vay để rửa tiền; lợi dụng các tiện ích chuyển tiền quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền.
“TCTD đối diện với các rủi ro về pháp lý, tài chính, danh tiếng và tuân thủ nếu thiếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quản trị rủi ro hiệu quả. Các cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế yêu cầu áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức tài chính không tuân thủ quy định phòng chống rửa tiền. Tại Việt Nam, tội rửa tiền cũng đã được hình sự hóa và trách nhiệm pháp lý không dừng lại ở người tham gia trực tiếp vào giao dịch tội phạm mà đã được mở rộng tới các bên tham gia gián tiếp…”, ông Siva Krishnan nhấn mạnh.
Ông Siva Krishnan cũng cho rằng, các yêu cầu ngày càng khắt khe từ hành lang pháp lý trong nước sẽ có lợi ích tích cực đến việc hình thành môi trường tuân thủ phòng chống rửa tiền tại Việt Nam và đưa ra chuẩn mực ngày càng cao cho ngành Ngân hàng.
Thông tin tại tọa đàm cho biết, thời gian qua, rất nhiều vụ án liên quan đến mua bán tài khoản ngân hàng Việt Nam đã được xét xử, tình trạng mua bán, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền và tài sản trong tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng và diễn biến rất phức.
Để giảm bớt tình trạng này, các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý mở tài khoản của khách hàng và thực hiện các biện pháp kiển soát, nhằm kịp thời phát hiện các vụ mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước các thực trạng trên, bà Đỗ Thị Khiên, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro Hoạt động BIDV chia sẻ một số các giải pháp BIDV đã áp dụng. Theo đó, ngân hàng cập nhật, cảnh báo kịp thời về hành vi phạm tội; làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng; xây dựng cơ chế xử lý tài khoản có dấu hiệu gian lận, phạm tội; lên kịch bản để giám sát tài khoản khách hàng và phát hiện tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ.
Bên cạnh đó, ngân hàng chủ động nghiên cứu, trang bị các giải pháp, ứng dụng công nghệ, dữ liệu datafile hỗ trợ xác thực thông tin khách hàng/chủ tài khoản ngân hàng; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đăng ký mở tài khoản và sử dụng tài khoản.
Ngân hàng cập nhật, cảnh báo kịp thời về hành vi phạm tội; làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng; xây dựng cơ chế xử lý tài khoản có dấu hiệu gian lận, phạm tội; lên kịch bản để giám sát tài khoản khách hàng và phát hiện tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ.
Bà Đỗ Thị Khiên, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro Hoạt động BIDV
Ông Đỗ Việt Hùng, Uỷ viên HĐQT Vietcombank chia sẻ, phòng chống rửa tiền là mối quan tâm trọng yếu của Vietcombank. Ngân hàng đã thành lập bộ phận chuyên trách phòng chống rửa tiền từ năm 2013. Sự quan tâm của ban lãnh đạo ngân hàng đối với vấn đề này ngày càng lớn, quy mô phát triển của phòng ban chuyên trách ngày càng tăng. Vietcombank quyết tâm thay đổi nhận thức cho toàn bộ hệ thống về phòng chống rửa tiền và xác định cần chủ động trước cả khi các quy định ban hành, dựa trên các thông lệ quốc tế.
Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng, khách hàng có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, do đó, việc nhận biết khách hàng mở tài khoản bằng phương thức điện tử eKYC cần bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy của pháp luật về phòng chống rửa tiền và giảm thiểu rủi ro. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai eKYC, bà Nguyễn Thị Phương Thúy, Phụ trách rủi ro hoạt động, rủi ro công nghệ và phòng chống tội phạm TPBank cho biết, việc nhận biết khách hàng mở tài khoản bằng phương thức eKYC tại TPBank bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy của pháp luật về phòng chống rửa tiền, về mở và sử dụng tài khoảnTT và quy định nội bộ của TPBank; bảo đảm xác thực/định danh đúng chủ tài khoản, hạn chế tối đa việc nhầm lẫn, sai sót, bao gồm cả việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối với các trường hợp giả mạo/gian lận.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, TPBank nhận thấy một số khó khăn, thách thức, như: Cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các ngân hàng để có thể kịp thời ngăn chặn các khoản tiền lừa đảo hoặc giao dịch bất thường; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để có cơ sở pháp lý thực về việc tạm dừng giao dịch, phong tỏa tài khoản đối với các trường hợp nghi vấn gian lận, cho thuê/mượn tài khoản…; tốn nhiều nguồn lực đặc biệt cho công tác hậu kiểm 100%...; Khó xác minh chính xác 100% và đầy đủ thông tin trên giấy tờ tùy thân của khách hàng. Vì vậy, cần dựa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đặc biệt là cơ sở dữ liệu về căn cước công dân) để xác minh khách hàng.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống rửa tiền, bà Đỗ Thị Khiên đề nghị, toàn ngành Ngân hàng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân/căn cước công dân gắn chip; đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua căn cước công dân gắn chip trên thiết bị di động hoặc theo phương pháp app-to-app. Bên cạnh đó, đề xuất NHNN xem xét quy định giới hạn số lượng tài khoản thanh toán mở cho một khách hàng hoặc cho từng nhóm khách hàng.
Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, Bộ Công an phối hợp với ngành Ngân hàng trong việc tích hợp dữ liệu dân cư, bởi đây là yếu tố quan trọng để bảo mật, phòng chống tội phạm tài chính.
Đối với các tổ chức hội viên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho rằng, cần nâng cao kiến thức cho toàn bộ cán bộ nhân viên, tập trung nguồn lực đào tạo cán bộ nhân viên hoàn thiện kỹ năng, nhận thức về phòng chống rửa tiền.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN cho biết, qua công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm rửa tiền và các tội phạm có liên quan, NHNN nhận thấy một số rủi ro rửa tiền qua hệ thống TCTD phổ biến hiện nay gồm: Tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới các hình thức cá độ thể thao, lô đề online, game bài đổi thưởng; trốn thuế, gian lận thuế; tài khoản giả mạo; từa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, để cùng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường năng lực phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, ông Phạm Tiên Phong cho biết, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm:
Thứ nhất, tham mưu ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các văn bản hướng dẫn. Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng để các đối tượng báo cáo triển khai các biện pháp phòng chống rửa tiền phù hợp, hiệu quả trong tình hình mới, đặc biệt là các đối tượng báo cáo trong ngành Ngân hàng.
NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền bao gồm quy định của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và pháp luật chuyên ngành đã có đủ các quy định để phòng, chống tội phạm rửa tiền, bao gồm cả hoạt động rửa tiền thông qua hệ thống các TCTD.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xử lý giao dịch đáng ngờ, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để cung cấp, chuyển giao thông tin, góp phần hiệu quả ngăn chặn hành vi phạm tội.
Thứ ba, NHNN đang cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 và sẽ công bố kết quả trong thời gian tới, nhằm cung cấp cho các cơ quan, tổ chức thông tin về các nguy cơ và rủi ro rửa tiền nói chung và đối với hệ thống TCTD nói riêng.
Thứ tư, NHNN đã ban hành các văn bản cảnh báo, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán về các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các ví điện tử, thẻ tín dụng ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng báo cáo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, tăng cường giám sát và báo cáo giao dịch đáng ngờ cho NHNN khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động thẻ tín dụng, ví điện tử.
NHNN sẽ ban hành Thông tư sớm nhất có thể để có khung khổ pháp lý cho các TCTD thực hiện. Bởi Nghị định số 19/2023/NĐ-CP có phạm vi rộng, không chỉ áp dụng cho các TCTD, mà còn các tổ chức ngoài ngành.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN
Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và công tác phòng chống rửa tiền, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ nói riêng, cần phải có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành, đơn vị như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông... Theo đó, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền (đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công an) trong chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ, trao đổi thông tin để phục vụ công tác xem xét, xác minh, thanh tra, kiểm tra, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật về rửa tiền trong hệ thống các TCTD.
Để công tác phòng chống rửa tiền của ngành Ngân hàng góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng và làm minh bạch hệ thống tài chính, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN cho biết, NHNN sẽ ban hành Thông tư sớm nhất có thể để có khung khổ pháp lý cho các TCTD thực hiện. Bởi Nghị định số 19/2023/NĐ-CP có phạm vi rộng, không chỉ áp dụng cho các TCTD, mà còn các tổ chức ngoài ngành. Vì vậy, quá trình lấy ý kiến, giải trình kéo dài hơn dự kiến. “Thông tư hiện đang hoàn tất đến bước cuối cùng và sẽ sớm được ban hành. Sau khi ban hành, NHNN sẽ tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo”, bà Nguyễn Thị Minh Thơ chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, phòng chống rửa tiền là vấn đề trọng tâm của các ngân hàng, ngân hàng nào quan tâm đến phòng chống rửa tiền thì ngân hàng đó sẽ phát triển mạnh. Vì thế, việc tăng cường bảo mật eKYC, tăng cường kết nối với Bộ Công an là hết sức cần thiết. Bộ Công an và NHNN đã ban hành kế hoạch thực hiện, định hướng thời gian tới sẽ thực hiện theo kế hoạch này.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển khai, chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi rửa tiền và các tội phạm có liên quan, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra trao đổi thông tin, kịp thời xử lý nhiều vụ việc. NHNN yêu cầu các TCTD báo cáo đầy đủ các giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị lớn để NHNN nắm bắt.
“Trong quá trình triển khai, NHNN luôn lắng nghe và các TCTD cũng cần chia sẻ ý kiến đến NHNN để làm sao giải quyết được câu chuyện phòng chống rửa tiền, cải thiện được thực trạng tội phạm tài chính tại Việt Nam”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và đề nghị: “Các Vụ, Cục thuộc NHNN, các TCTD cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phòng chống rửa tiền trong bối cảnh phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của các điều kiện kinh tế vĩ mô”.