Không đợi tới khi những quy định mới về xác thực sinh trắc học ban hành để đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch tài chính cá nhân, từ nhiều năm nay, công nghệ sinh trắc học của ngành tài chính ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, không chỉ áp dụng để phát triển sản phẩm mà còn đi rất nhanh trong kiến tạo những giá trị bền vững cho tương lai.
“Làn sóng” sinh trắc học ứng dụng cho tài chính toàn cầu
Theo nghiên cứu của Trung tâm dịch vụ tài chính thuộc Công ty kiểm toán Deloitte, tính đến năm 2030, gian lận danh tính – một trong những cách thức lừa đảo phổ biến nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - có thể gây ra tổn thất lên đến 23 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Con số đáng báo động này đòi hỏi nhiều ngân hàng phải phát triển hệ thống bảo mật tiên tiến hơn nữa. Từ nhu cầu cấp thiết đó, công nghệ sinh trắc học được vận dụng như một phương thức bảo mật đột phá với độ chính xác cao.
Trong một cuộc khảo sát cuối năm 2023 của Entrust, phương thức này nhanh chóng nhận được sự đón nhận rộng rãi nhờ thân thiện với người dùng, 72% số người được hỏi cảm thấy thoải mái với việc ngân hàng sử dụng đặc điểm sinh trắc học của họ cho việc bảo mật. Không chỉ nâng cấp bảo mật, công nghệ sinh trắc học còn là tiền đề cho các dịch vụ ứng dụng phân tích và quản trị dữ liệu lớn, cung cấp thông tin hỗ trợ cho nhiều nghiệp vụ khác trong ngành tài chính – ngân hàng.
Với lợi ích vượt trội và tiềm năng khổng lồ, công nghệ sinh trắc học khiến ngành tài chính – ngân hàng toàn cầu “dậy sóng”. Tại Mỹ, những “ông lớn” như Bank of America, Citibank hay Wells Fargo đều đang tăng tốc áp dụng dữ liệu sinh trắc học trong hoạt động. Tại New Zealand, Westpac – một trong những ngân hàng lớn nhất quốc gia đã áp dụng hệ thống sinh trắc học hành vi để ngăn chặn hoạt động lừa đảo qua giao dịch tài chính. Hay tại quốc gia láng giềng Thái Lan, từ tháng 6/2023, Ngân hàng Trung ương nước này yêu cầu các giao dịch chuyển tiền trên 50.000 bath (tương đương 1.400 USD) đều phải xác thực sinh trắc học.
Và tại Việt Nam, mới đây Quyết định số 2345/QĐ-NHΝΝ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến yêu cầu từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng như một “cú hích” thúc đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng trong nước phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xây dựng “tường lửa” bảo mật kiên cố bằng dữ liệu sinh trắc học.
Việc xác thực khuôn mặt với nền tảng công nghệ hiện tại không quá khó khăn, dẫu rằng phương thức thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng một cách nhanh nhất và ít ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng nhất đòi hỏi nền tảng công nghệ và có tính sẵn sàng cao. Tuy nhiên, với một số ngân hàng đã được trang bị sẵn hệ thống dữ liệu sinh trắc học đồ sộ và vận hành mượt mà, họ thậm chí đã xây dựng thành công hệ thống trung tâm dữ liệu sinh trắc (Bio Center) để luôn sẵn sàng các bài toán phức tạp hơn trong tương lai.
Mô hình trung tâm dữ liệu sinh trắc đầu tiên của ngân hàng số Việt
Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Bio Center có thể được coi là mô hình hệ thống dữ liệu sinh trắc học kiểu mẫu tiêu biểu cho bước phát triển tiếp theo của ngân hàng số tại TPBank. Với tầm nhìn xa, đi trước so với nhiều hệ thống khác và tiềm năng phát triển vượt bậc trong tương lai, Bio Center nhận được sự công nhận rộng rãi của các tổ chức uy tín, như mới đây nhất là Giải thưởng Sao Khuê 2024 tại lĩnh vực “Giải pháp thúc đẩy tiếp cận số”.
Từ năm 2016, khi ra mắt LiveBank 24/7, TPBank đã đặt tiền đề cho Bio Center khi tích hợp đồng bộ công nghệ định danh điện tử. Đến nay, hệ thống này đã thu thập được khoảng 4,5 triệu mẫu khuôn mặt khách hàng qua các kênh LiveBank 24/7 và Mobile Banking – con số đáng mơ ước với nhiều nhà băng trong giai đoạn hiện tại.
Tháng 4/2022, TPBank chính thức “trình làng” Bio Center - hệ thống kho dữ liệu công dân và xác thực sinh trắc học tập trung “made-in-Vietnam” do TPBank chủ động nghiên cứu và phát triển. Là nơi tập trung, cung cấp các thông tin liên quan đến dữ liệu sinh trắc học (VD: vân tay, khuôn mặt, giọng nói…) và dữ liệu dân cư (VD: thông tin CCCD, giấy tờ tùy thân) của khách hàng, Bio Center trở thành hệ thống nền tảng, đóng vai trò chính yếu trong quá trình số hóa của TPBank, đặc biệt trong việc eKYC (xác thực danh tính) khách hàng.
Thay vì áp dụng trên các kênh đơn lẻ như phần lớn các ngân hàng khác, Bio Center được TPBank phát triển theo hướng Omnichannel (mô hình đa kênh). Điều này có nghĩa là dữ liệu khách hàng được đồng bộ và kết nối trên tất cả các kênh trong hệ sinh thái của TPBank. Khách hàng chỉ cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học một lần trên App TPBank hoặc quầy giao dịch hay LiveBank 24/7 là có thể thực hiện giao dịch trên tất cả các kênh của TPBank bằng nhận diện sinh trắc học, mà không cần phải nhớ mật khẩu phức tạp.
Ở Bio Center, công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng cũng là mô hình Face Search tiên tiến bậc nhất hiện nay với khả năng tìm kiếm và so khớp một ảnh khuôn mặt với kho dữ liệu hơn một triệu ảnh khuôn mặt tương đồng, từ đó nhận diện chính xác khách hàng. Khách hàng không cần khai báo thêm thông tin cá nhân để xác thực bước hai như tại các ngân hàng vẫn đang sử dụng mô hình Face Compare (so sánh ảnh khuôn mặt 1-1).
Bio Center đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong hệ sinh thái số của ngân hàng khi nó tiếp nhận yêu cầu của tất cả các kênh số trong hệ sinh thái của TPBank, sau đó phân tích, xử lý dữ liệu và điều phối tới các đối tác, dịch vụ. Tất cả tạo nên một hệ thống xác thực khách hàng chính xác, nhanh chóng và bảo mật tuyệt đối.
Mắt xích quan trọng trong kiến tạo chuỗi bền vững cho tương lai
Cuối năm 2023, khi Quyết định 2345 được công bố, TPBank ngay lập tức chuẩn hóa và thực hiện bổ sung các quy định về việc thu thập/xác thực sinh trắc học bằng việc bổ sung giải pháp đọc NFC lấy thông tin từ CCCD được phát hành bởi Bộ Công an để so khớp với những cơ sở dữ liệu sinh trắc học cũ.
Trong khi nhiều ngân hàng gấp rút chuẩn bị hệ thống để đáp ứng quy định này, tại TPBank, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ngàn mẫu khuôn mặt và CCCD được cập nhật vào kho dữ liệu của ngân hàng từ tất cả các kênh (Mobile Banking, Internet Banking, Quầy, và LiveBank 24/7). Việc đa dạng kênh thu thập dữ liệu khách hàng vừa giúp ngân hàng tăng khả năng phục vụ, vừa giảm tối đa thời gian, công sức cho cả khách hàng và nhân lực nhà băng. Đặc biệt, hệ thống LiveBank 24/7 với gần 150 điểm giao dịch chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nơi dân cư đông đúc đã phát huy lợi thế “ngân hàng không ngủ”, thu thập dữ liệu khách hàng bất kể ngày đêm.
Với các khách hàng gặp khó khăn khi thao tác trên các kênh online hay không thể sắp xếp thời gian trong giờ hành chính ra quầy giao dịch, LiveBank 24/7 là một lựa chọn tối ưu bởi vừa có thể chủ động thời gian như khi thực hiện trên môi trường online, vừa có giao dịch viên hỗ trợ tại mọi thời điểm trong ngày.
Chưa dừng lại ở đó, việc làm chủ các mô hình AI tiên tiến và xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học của riêng mình giúp TPBank có khả năng đi trước trong phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, giảm thiểu các tác động tới môi trường bằng công nghệ. Đồng thời, TPBank có khả năng phát hiện sớm các rủi ro, sẵn sàng ứng phó với các thủ đoạn lừa đảo công nghệ ngày càng tinh vi trên thị trường và tránh phải phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào. Việc này góp phần thúc đẩy xây dựng toàn diện hệ thống sinh trắc học không chỉ của ngành tài chính ngân hàng, mà còn giúp xanh hóa nền kinh tế số.