Vì một tình yêu Ngân hàng Nhà nước

Trần Thị Thuý Hà| 17/04/2021 17:46
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Có người cho rằng việc này không hay nhưng mình thấy hay là được, vì tình yêu nghề, yêu ngành đã gắn bó chúng tôi với công việc....

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Trần Thị Thuý Hà công tác tại Ngân hàng Nhà nước - Sở Giao dịch.

 

Tôi bước vào ngành Ngân hàng khi đất nước đang chuyển mình từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường. Chân ướt, chân ráo, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nhằm đúng ngày “Nói dối” mồng một tháng tư năm 1996. Mới đó thôi, thấm thoát đã tròn 25 năm đi qua, một chặng đường không phải quá dài nhưng cũng đủ để mỗi lần gặp nhau ôn lại, tôi và các đồng nghiệp chưa quên thuở ban đầu chập chững ấy.

Thời gian tập sự lúc đó đối với công chức, viên chức kéo dài 2 năm, lương tập sự hưởng 0,85% được lĩnh 2 kỳ. Còn nhớ lần đầu lĩnh khoảng hơn 100 nghìn đồng vào mồng 5 hàng tháng, kỳ sau lĩnh khoảng 85 nghìn đồng vào cuối tháng, đi làm ngày nào được chấm công ăn trưa ngày đó với mức 5 nghìn đồng. Các chế độ tiền lương, phúc lợi eo hẹp. Quả thực, mức lương của hệ thống Ngân hàng Nhà nước bấy giờ khác xa so với hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, chưa kể đến ngân hàng nước ngoài. Điều này khiến không ít người lao động suy tư, trăn trở giữa ra đi hay ở lại bởi trên vai còn gánh nặng chi tiêu gia đình. Khó khăn là thế, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong đơn vị vẫn kiên trì, không ngừng học hỏi và ở lại làm việc cho đến ngày hôm nay.

Năm 2000 bắt đầu bước đột phá, mở ra thời kỳ hội nhập và áp dụng công nghệ tin học vào đa ngành, đa lĩnh vực không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả các quốc gia trên thế giới. Thách thức đặt ra lúc này là thiếu máy móc, thiếu kiến thức chuyên sâu và hiểu biết trong việc tiếp cận công nghệ như hệ thống Reuters (phương tiện đặc chủng thuê của hãng Thông tấn nước ngoài đặt tại Việt Nam, chuyên dùng để thực giao dịch các nghiệp vụ hối đoái trên thị trường trong nước và quốc tế), hệ thống thanh toán Swift (chuyên dụng cho việc thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về khi thực hiện giao dịch), hệ thống thanh toán điện tử trong nước hoạt động còn giản đơn, riêng rẽ trong khi đội ngũ cán bộ thuộc thế hệ trước chưa được qua đào tạo cơ bản.

Tuy nhiên, chúng tôi động viên tinh thần, khích lệ nhau để đồng lòng vượt qua khó khăn dẫu không phải là việc ngày một ngày hai. Đặc biệt, cần sự hỗ trợ thông qua tham dự các khoá học, chương trình hợp tác đào tạo, các Hội thảo trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia nước ngoài. Vấn đề đặt ra khi đó, nhiều khóa học bằng tiếng Anh được hỗ trợ qua phiên dịch sang tiếng Việt đã khó thì những khóa nghe thuần tiếng Anh còn khó khăn gấp nhiều lần, đặc biệt đối với những cán bộ tuyển dụng không tốt nghiệp từ các trường chuyên ngữ.

Tôi vẫn chưa quên chuyện của một chị tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, vốn tiếng Anh rất tốt - làm việc tại Phòng Kinh doanh ngoại hối và được phân công thực hiện giao dịch trên thị trường quốc tế. Với niềm say mê nghề nghiệp, tuổi trẻ đầy khát khao được học hỏi từ các bạn quốc tế thông qua trao đổi trực tuyến trên màn hình giao dịch Reuters, nhiều hôm, hết giờ làm, chị về nhà cơm nước rồi lại quay về phòng làm việc để cùng nhau tiếp cận thị trường Mỹ, châu Âu do có sự chênh lệch múi giờ với Việt Nam. Khi ra về, đã là 10 giờ đêm. Để đảm bảo an toàn cháy nổ, các cán bộ phụ trách điện tắt toàn bộ bóng điện tại tòa nhà 49 Lý Thái Tổ. Tất cả lại dò dẫm trong bóng tối để ra ngoài. Cứ như vậy, nhiều anh/chị, em trong đơn vị đã được chị truyền đạt kiến thức, lĩnh hội qua trao đổi công việc hàng ngày hay khi tiếp khách nước ngoài đến làm việc tại đơn vị. Thời gian như thoi đưa, các đồng nghiệp ngày một vững vàng cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm, tác phong làm việc cũng trở nên thuần thục, chuyên nghiệp hơn.

Năm 2007, thời thế lại chuyển mình thay đổi. Mô hình tổ chức của ngành cơ cấu lại, tư duy của con người cũng có nhiều cách nhìn nhận đổi mới để tìm hướng đi. Làn sóng đồng nghiệp trong và ngoài đơn vị, kể cả các lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt tại các vụ, cục khác rời Ngân hàng Nhà nước theo nhiều lối rẽ khác nhau. Những xáo động về tâm lý, an tâm công tác của người ở lại ít nhiều bị ảnh hưởng. Thách thức thời cuộc, một lần nữa lại đặt ra cho bản thân sự lựa chọn. Lúc này suy nghĩ đã trưởng thành, vững vàng hơn, tôi tự xác định lối đi, đúng hay sai “nương theo số phận” và tự nhủ “kiên nhẫn sẽ thành công”, điều cốt lõi vẫn là tình yêu và sự gắn bó với công việc.

Có người cho rằng việc này không hay nhưng mình thấy hay là được, vì tình yêu nghề, yêu ngành đã gắn bó chúng tôi với công việc. Lúc này, cơ chế tiền lương cũng bắt đầu có sự cải thiện. Đội ngũ công chức trẻ được tuyển dụng vào thường xuyên hơn, điều này góp phần vào sự thay da đổi thịt của Ngân hàng Nhà nước. Các nghiệp vụ trên thị trường, nhu cầu thanh toán trong các ngành kinh tế cũng bắt đầu khởi sắc, lãnh đạo đơn vị, anh/chị, đồng nghiệp tiếp cận nhiều lĩnh vực trên cả phương diện đối nội cũng như đối ngoại.

Tuy nhiên, ngoại tệ khan hiếm, dự trữ thì chưa đủ dày, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải ban hành chính sách liên tục nhằm phù hợp với thực tiễn, giữ vững phương châm đảm bảo, an toàn và hiệu quả. Chứng kiến tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp của các cô, chú trong Ban lãnh đạo giai đoạn thực sự khó khăn đó thật không khỏi cảm phục trước cường độ làm việc, thử thách đầu não và khả năng quyết đoán cao của họ. Tuy nay các lớp tiền bối dày dặn kinh nghiệm đã nghỉ hưu nhưng các bác, các cô, chú vẫn chưa quên kỷ niệm một thời cam go mỗi khi có dịp gặp lại.

Ảnh tác giả cung cấp

Đi cùng năm, tháng, các thế hệ tiếp nối xưa kia còn là nhân viên non về tay nghề, kinh nghiệm chưa dày nay đã trưởng thành, cứng cáp trở thành những lãnh đạo, giữ vị trí chủ chốt trong đơn vị, góp sức vào sự đổi mới và hướng đi của ngành.

Tiến vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, dịch COVID-19 xuất hiện, nhanh chóng lan rộng. Đây có lẽ là thời kỳ khó khăn hơn cả trên mọi lĩnh vực bởi những tiền lệ chưa từng xuất hiện. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối tăng cao, thị trường quốc tế khó khăn bởi lãi suất các đồng tiền giảm dần xuống mức 0%, thậm chí giảm xuống dưới mức dương, hướng đi cho đồng tiền trong dự trữ quốc gia vừa an toàn tài sản, vừa đảm bảo sinh lời lại là bài toán khó, đặt ra đòi hỏi một quyết tâm cao hơn, chuyên cần hơn.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, chúng tôi đã sẵn sàng ăn, ngủ tại cơ quan nếu bị phong tỏa bởi COVID-19. Bước đầu anh/chị, em nghỉ luân phiên, làm việc tại nhà, đồng thời đơn vị lên phương án chia đôi người làm việc hai nơi để đảm bảo mọi hoạt động giao dịch, thanh toán thông suốt, tận dụng cơ hội đầu tư, giữ vững quan hệ với các đối tác chiến lược như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh, Pháp, Đức và Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tuân thủ nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh đe dọa, sự kiện ấm lòng khó quên với chúng tôi là được Ban Lãnh đạo quan tâm, động viên qua việc hỗ trợ cơm trưa cả về lượng và chất. Sở Giao dịch đặc biệt được ưu tiên để đảm bảo phương án cách ly an toàn. Đội ngũ phục vụ nhà ăn cơ quan rất tận tình, chu đáo hàng ngày chuyển cơm từ tầng 10 Lý Thường Kiệt xuống tầng 2 cho chúng tôi và cử người chở cơm sang tòa nhà 45 Lý Thường Kiệt cho một nhóm khác làm việc tại đó. Trong khó khăn, tính nhân văn, tương trợ nhau chống dịch được lan tỏa, thật sự làm ấm lòng đã khích lệ chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 2021, Sở Giao dịch chúng tôi tròn 30 năm thành lập. Hành trình với biết bao kỷ niệm hay dẫu có khi chỉ là khoảnh khắc vui, buồn, tiếc nuối giữa người đi, người ở lại, người còn, người khuất trong suốt chặng đường đã qua. Dòng chảy của thời gian không ngừng chuyển động, trân quý những gì cuộc sống đem lại, tôi và các thế hệ đồng nghiệp đến hôm nay càng trưởng thành, gắn bó hơn để không ngừng góp công sức hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao.

Khát vọng một ngày mai tươi đẹp về sự phát triển, vươn cao của Ngân hàng Việt Nam nằm trong tâm thức mỗi công chức, viên chức chúng ta để ngày qua ngày nỗ lực không ngừng từ đạo đức nghề nghiệp đến rèn luyện ý trí, vững tâm và gửi trọn “một niềm tin Ngân hàng”, vì chúng tôi yêu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng tôi yêu

Tự hào biết mấy Ngân hàng Việt Nam

Bảy mươi năm không ngừng phát triển

Hội nhập năm châu kết tình bè bạn

Truyền thống vẻ vang vươn tới tầm cao

Bao thế hệ bền tâm vững trí

Dẫu gian nan không nản bước chân

Quyết chung tay cùng nhau vun đắp

Vì phồn vinh đất nước đẹp giàu

Rèn đức luyện tài niềm tin gửi trọn

Ngân hàng Việt Nam - Ngân hàng tôi yêu./.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn UB (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một tình yêu Ngân hàng Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO