(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, 3 quốc gia ở Trung và Đông Âu là Hungary, Slovakia và Séc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có nguy cơ thiếu hụt tới 40% lượng khí đốt tiêu thụ và tổng sản phẩm quốc nội bị thu hẹp lên đến 6%. Italia cũng sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể trong khi ảnh hưởng đối với Áo và Đức sẽ ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn đáng kể.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm mờ đi triển vọng tăng trưởng toàn cầu, trong đó nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với sự thụt lùi nghiêm trọng do các mối liên hệ thương mại, đầu tư và tài chính với các nước tham gia chiến sự này. Giờ đây, châu Âu đang phải chịu đựng việc cắt giảm một phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của khu vực này.
Viễn cảnh về một đợt ngừng cung cấp hoàn toàn chưa từng có đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt, giá cao hơn và các tác động kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách đang “chuyển động” nhanh song họ thiếu một kế hoạch chi tiết để quản lý và giảm thiểu tác động.
Ba tài liệu nghiên cứu mới của IMF xem xét những vấn đề quan trọng này, trong đó xem xét các thị trường phân mảnh và hiệu ứng độ trễ dẫn truyền về giá có thể làm trầm trọng thêm tác động như thế nào, vai trò của thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu trong việc điều chỉnh kết quả và cách thức các yếu tố này có thể diễn ra như thế nào ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nghiên cứu của IMF cho thấy, 3 quốc gia ở Trung và Đông Âu là Hungary, Cộng hòa Slovakia và Cộng hòa Séc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có nguy cơ thiếu hụt tới 40% lượng khí đốt tiêu thụ và tổng sản phẩm quốc nội bị thu hẹp lên đến 6%.
Sự phụ thuộc về khí đốt của các nước châu Âu đối với Nga. Nguồn: tính toán của cán bộ IMF |
Tuy nhiên, các tác động có thể được giảm thiểu bằng cách đảm bảo các nguồn cung cấp và nguồn năng lượng thay thế, giảm bớt tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng, khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong khi bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và mở rộng các thỏa thuận để chia sẻ khí đốt giữa các quốc gia.
Các yếu tố quyết định rủi ro
Sự phụ thuộc khí đốt và các nguồn năng lượng khác vào Nga rất khác nhau giữa các quốc gia.
Cho đến nay, cơ sở hạ tầng châu Âu và nguồn cung toàn cầu đã đối phó với sự sụt giảm trong việc cung cấp khí đốt của Nga lên tới 60% kể từ tháng 6/2021. Tổng lượng tiêu thụ khí đốt trong quý đầu tiên đã giảm 9% so với một năm trước đó và các nguồn cung thay thế đang được khai thác, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ thị trường toàn cầu.
Nghiên cứu của IMF cho thấy, việc giảm tới 70% khí đốt của Nga có thể được quản lý trong ngắn hạn bằng cách tiếp cận các nguồn cung cấp và nguồn năng lượng thay thế và do nhu cầu giảm do giá cao.
Điều này giải thích tại sao một số quốc gia có thể đơn phương ngừng nhập khẩu của Nga. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa sẽ khó hơn nhiều trong trường hợp ngừng cung cấp hoàn toàn. Sự tắc nghẽn có thể làm giảm khả năng tái định tuyến khí đốt trong châu Âu do không đủ năng lực nhập khẩu hoặc hạn chế về đường truyền. Những yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt từ 15% đến 40% lượng tiêu thụ hàng năm ở một số quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Tác động kinh tế
IMF đánh giá tác động theo hai cách. Một là, phương pháp tiếp cận thị trường tích hợp giả định rằng khí đốt có thể đến được nơi cần thiết và giá sẽ điều chỉnh. Hai là, phương pháp tiếp cận thị trường phân mảnh khi khí đốt không thể đi đến nơi cần thiết cho dù giá có tăng bao nhiêu. Tuy nhiên, việc ước tính rất phức tạp bởi thực tế là nền kinh tế châu Âu đã bị ảnh hưởng.
Sử dụng phương pháp tiếp cận thị trường tích hợp - khi thị trường vẫn duy trì như trước - để ước tính tác động trực tiếp cho đến nay, nghiên cứu của IMF nhận thấy hoạt động kinh tế của Liên minh châu Âu có thể đã giảm 0,2% trong nửa đầu năm 2022.
Khi xem xét việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt của Nga từ giữa tháng 7, IMF tập trung vào tác động liên quan đến đường cơ sở là không có gián đoạn nguồn cung trong năm nay. Điều này giúp đơn giản hóa việc ước tính và làm cho nó có thể so sánh được với các nghiên cứu kinh tế khác.
Nếu các hạn chế vật lý cản trở dòng khí đốt, phương pháp tiếp cận thị trường phân mảnh cho thấy tác động tiêu cực đến sản lượng kinh tế sẽ đặc biệt đáng kể, lên tới 6% đối với một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, nơi cường độ sử dụng khí đốt của Nga cao và các nguồn cung cấp thay thế khan hiếm, đáng chú ý là Hungary, Slovakia , Séc. Italia cũng sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể do nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt trong sản xuất điện.
Ảnh hưởng đối với Áo và Đức sẽ ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn đáng kể, tùy thuộc vào sự sẵn có của các nguồn thay thế và khả năng giảm tiêu thụ khí đốt trong gia đình. Tác động kinh tế sẽ ở mức vừa phải, có thể dưới 1%, đối với các quốc gia khác có đủ khả năng tiếp cận thị trường LNG quốc tế.
Giải quyết những thách thức bằng cách nào?
Nghiên cứu của IMF cho thấy, sự suy giảm kinh tế do ngừng hoạt động khí đốt của Nga có thể được giảm nhẹ một phần. Ngoài các biện pháp đã được thực hiện, các hành động tiếp theo cần tập trung vào giảm thiểu rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng cho khủng hoảng.
Các chính phủ phải tăng cường nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp từ các thị trường LNG toàn cầu và các nguồn thay thế, tiếp tục giảm bớt tắc nghẽn cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và phân phối khí đốt, có kế hoạch chia sẻ nguồn cung cấp trong trường hợp khẩn cấp trên toàn EU, hành động dứt khoát để khuyến khích tiết kiệm năng lượng đồng thời bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và chuẩn bị các chương trình định lượng gas thông minh.
IMF cũng cho rằng, đây là thời điểm để châu Âu xây dựng dựa trên hành động quyết đoán và sự đoàn kết được thể hiện trong đại dịch để giải quyết thời điểm thách thức phải đối mặt ngày nay.