VN-Index giảm mạnh nhất thế giới, áp lực “margin call” vẫn còn tồn đọng tại nhiều cổ phiếu

Quỳnh Dương| 11/11/2022 10:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 10/11, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022 khi các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy buộc phải thoát vị thế, đẩy VN-Index rơi về đáy 2 năm.

Thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch gần nhất. Còn với chứng khoán Việt Nam, sau tín hiệu thận trọng của dòng tiền trong phiên trước, thị trường đã lùi bước ngay từ đầu phiên giao dịch 10/11. Diễn biến “giải chấp” (margin call) tiếp diễn trên diện rộng và có xu hướng mạnh hơn, kèm theo những thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, càng gây áp lực giảm điểm đến thị trường. 

Mặc dù có thu hẹp đà giảm về cuối phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn giảm mạnh 38,35 điểm (-3,89%) về còn 947,24 điểm. Mức thấp nhất của chỉ số chạm đến trong phiên là 935,78 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE nhích nhẹ lên 9.300 tỷ đồng. 

Theo Bloomberg, VN-Index là chỉ số giảm mạnh nhất trong các các thị trường toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 10/11. Tính trong năm nay, VN-Index giảm hơn 37%.

VN-Index giảm hơn 37% trong năm nay

“Áp lực margin call rất mạnh buộc nhà đầu tư phải bán tháo và sự hoảng loạn lan rộng ra toàn thị trường, bất chấp cổ phiếu đó tốt hay xấu. Thời điểm hiện tại, tâm lý thị trường đang rất yếu trong khi thiếu đi các thông tin hỗ trợ”, ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Vietnam Holdings Inc. nói với Bloomberg.

Diễn biến nhóm VN30 cũng thảm khốc và kết phiên giảm 4,38%. Trong nhóm, không có cổ phiếu nào có sắc xanh và chỉ có duy nhất SAB giữ được mức giá tham chiếu. 29 mã còn lại mất điểm trong đó 11 mã rơi vào trạng thái dư bán sàn bao gồm CTG, HPG, MSN, MWG, NVL, PDR, VPB, GVR, MBB, STB, SSI. Chỉ số VNMidcap giảm 5,12% còn chỉ số VNSmallcap giảm 4,45%. Tính chung trên HOSE có 447 mã giảm trong đó có 177 mã giảm sàn.

Như vậy, thị trường có phiên bán tháo trên diện rộng. Các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, xây dựng, bất động sản đều ghi nhận hầu hết cổ phiếu thành phần trong trạng thái bị bán mạnh ở mức giá sàn. 

Khối ngoại vẫn còn mua ròng trên sàn HOSE, nhưng chỉ với giá trị 16,8 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài nhiều tại KBC (+34,7 tỷ), VHC (+31,2 tỷ), DPM (+30,7 tỷ), DCM (+29,7 tỷ), POW (+27,9 tỷ) … Ngược lại, bán nhiều tại HPG (-159,9 tỷ), STB (-101,9 tỷ), FUESSVFL (-36,1 tỷ), MSN (-34,9 tỷ), CTG (-28,8 tỷ) … 

CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau tín hiệu dòng tiền thận trọng kèm diễn biến “giải chấp” chưa thuyên giảm mà còn có động thái gia tăng sức ép, đã khiến thị trường giảm sâu. Hiện tại, nhịp giảm của thị trường tạm thời dừng lại tại vùng biên dưới của kênh xu hướng tại VN-Index và VN30-Index, đồng thời có động thái hồi phục nhẹ. 

“Tuy nhiên diễn biến hỗ trợ này chưa rõ ràng do áp lực “giải chấp” vẫn còn tồn đọng tại nhiều cổ phiếu, điều này sẽ gây sức ép giảm điểm đối với thị trường khi bước vào phiên giao dịch tiếp theo và dẫn đến trạng thái quá bán trên thị trường. Nếu dòng tiền có thể giúp thị trường ổn định trở lại và thoát trạng thái quá bán thì tín hiệu hỗ trợ tại biên dưới của kênh xu hướng được xác nhận, từ đó sẽ giúp thị trường hồi phục ngắn hạn. Do vậy, nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng trước áp lực bán đang tiếp diễn và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường”, ông Nguyễn Huy Phương, chuyên gia phân tích tại VDSC khuyến nghị.

Trong khi đó, CTCK MBS cho rằng, việc chỉ số VN-Index lại có phiên giảm mạnh nhất trên thế giới cho thấy khó khăn của thị trường trong nước là do yếu tố nội tại. VN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ ở mức đáy tháng 10 đang tạo tín hiệu xấu, kích hoạt áp lực cắt lỗ khiến thanh khoản tăng lên. Nhà đầu tư sau nhiều lần bắt đáy không thành công sẽ thận trọng, bên cạnh nguồn lực cạn kiệt thì tâm lý cũng sẽ chuyển sang phòng thủ. Do vậy, thanh khoản thị trường nhiều khả năng còn tiếp tục sụt giảm, với các phiên tăng thanh khoản thấp và các phiên giảm thanh khoản cao. Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường quan sát.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, CTCK SSI lưu ý, sau khi vừa cắt xuống cận dưới của kênh giá chỉ số VN-Index hình thành trạng thái “pull-back” vào cuối phiên 10/11. Trong các phiên tới, nếu chỉ số quay trở lại trên vùng cận dưới, xu thế hồi phục có thể sẽ mở rộng với các vùng mục tiêu gần là 975 điểm. Ngược lại, chỉ số sẽ tìm điểm cân bằng quanh các vùng hỗ trợ gần là 935 - 915 điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
VN-Index giảm mạnh nhất thế giới, áp lực “margin call” vẫn còn tồn đọng tại nhiều cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO