Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Quan điểm trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đưa ra tại buổi Toạ đàm “Xanh hoá ngành Ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tổ chức sáng ngày 21/9, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; cam kết thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2020) tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh.
“Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh và cho biết: “Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với những kết quả đáng ghi nhận quan trọng như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh”.
Là ngân hàng phát triển tín dụng xanh mạnh mẽ nhất trong những năm qua, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, việc triển khai cho vay các dự án xanh tại BIDV diễn ra từ khá sớm, đặc biệt là các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Cách đây 10 năm, BIDV đã tập trung đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời. BIDV đã đưa chiến lược tăng trưởng xanh vào trong chiến lược kinh doanh. Đồng thời, để cụ thể hoá tài trợ dự án xanh, BIDV đã ban hành: Khung Quản lý rủi ro môi trường xã hội (Khung ESMS) vào năm 2018; Khung Khoản vay Bền vững (tháng 2/2023); Quy định về Quản lý rủi ro về Môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (tháng 5/2023); trong năm 2023 cũng sẽ dự kiến ban hành Khung Trái phiếu xanh…
Với những bước đi như vậy, BIDV đang là ngân hàng tài trợ các dự án xanh lớn nhất. Ông Phan Thanh Hải cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.776 dự án, với 1.447 khách hàng. Dư nợ cho các dự án xanh đạt 2,81 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,1% tổng dư nợ tại BIDV.
Còn tại VPBank, bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch cho biết, VPBank cũng triển khai tài trợ cho các dự án xanh từ khá sớm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn vốn xanh của ngân hàng đang tập trung vào các doanh nghiệp có dự án tiết kiệm năng lượng. Tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD, VPBank cũng đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án xanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, do các quy định hành lang pháp lý đối với tín dụng xanh vẫn còn thiếu và đối tượng khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên VPBank gặp nhiều khó khăn khi triển khai cho vay các dự án xanh. Để tháo gỡ khó khăn, qua đó giúp VPBank cũng như các ngân hàng khác phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, bà Võ Phương Hằng đề nghị, Chính phủ, NHNN, các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như ban hành ‘Khung định nghĩa thế nào là xanh’, để các ngân hàng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh.
Còn tại ACB, ông Nguyễn Hiểu Nhân, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp chia sẻ, các hoạt động tín dụng xanh cũng được ngân hàng tập trung phát triển. Đến nay, ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hoá ngân hàng, đó là: Tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ACB đang hợp tác với một số đối tác quan trọng nhằm thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài trợ xanh. Dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ công bố các khoản vay xanh.
Từ kinh nghiệm tại Thái Lan, ông Kamonphan Laksana, Giám đốc Phát triển bền vững Ngân hàng TMBThanachart cho biết, việc triển khai tín dụng xanh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, để hướng tới xanh hoá ngành Ngân hàng, ngoài quy định pháp lý đầy thủ thì các ngân hàng cũng cần sự thống nhất từ trên xuống dưới trong việc xây dựng chiến lược xanh. “Định hướng rõ ràng từ hội đồng quản trị, cũng như sự ủng hộ từ các lãnh đạo cấp trung gian sẽ rất quan trọng để các ngân hàng có thể triển khai thành công các chiến lược xanh”, ông Kamonphan Laksana nhấn mạnh.
Làm rõ hơn vai trò và trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tăng cường cho vay các dự án xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngành Ngân hàng cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đóng góp nguồn lực trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ.
Đối với việc hoàn thành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cuối tháng 7/2023 vừa qua, Thống đốc NHNN đã ký Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực phát thải cao; phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh; Phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để xanh hoá hoạt động ngân hàng, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép vào trong việc xây dựng có định hướng chuyển đổi kinh doanh của mỗi tổ chức tín dụng để từ đó tăng tỷ trọng và hoạt động tín dụng xanh, cũng như tăng cường quản trị rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…
Để đạt được mục tiêu trên, trong kế hoạch hành động của ngành cũng đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; hoàn thiện chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững ngành Ngân hàng; đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành Ngân hàng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà kỳ vọng, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiểu rõ hơn về môi trường pháp lý của Việt Nam trong lộ trình tiến tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 và ngành tài chính hướng tới lộ trình tài chính xanh. Qua đó, sẽ khai thác tốt hơn các cơ hội đầu tư về khí hậu thông qua ngành tài chính và thị trường vốn trong nước.