Ấn Độ đang xem xét nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non- basmati (gạo 5% tấm thường) đã áp dụng trong một năm qua trong bối cảnh lượng dự trữ dư thừa và diện tích trồng lúa tăng đáng kể. Việc Ấn Độ quay lại thị trường, có ảnh hưởng đến gạo Việt Nam?
Nguồn tin thương mại cho biết, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati trong bối cảnh tồn kho dư thừa và diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh. Trước đó, lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 20/7/2023 để đảm bảo quốc gia có đủ hàng tồn kho cho tiêu dùng trong nước và hạ giá gạo.
Việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo non- basmati có thể có lợi cho nông dân, thương nhân và nhà xuất khẩu, những người đang tìm cách nới lỏng để tận dụng nhu cầu gạo Ấn Độ cao trên toàn cầu.
Hiện nay Chính phủ Ấn Độ đang suy nghĩ liệu có cho phép xuất khẩu lại gạo non – basmati hay không, vì kho dự trữ lương thực của họ đủ để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia khác.
Cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ cho rằng, bằng cách cấm xuất khẩu gạo non - basmati, chính phủ đã kiểm soát thành công lạm phát gạo và bây giờ là lúc đánh giá lại chính sách trong bối cảnh thay đổi về nguồn cung gạo thoải mái.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, tính đến ngày 23/8, diện tích gieo trồng lúa tăng 16% lên 39 triệu ha và diện tích gieo trồng đậu tăng 7% lên 12 triệu ha.
Nhận định về thông tin Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cho xuất khẩu lại gạo trắng thường, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành 4 cho rằng, nếu Ấn Độ mở cửa lại thì trường gạo cấp thấp, trước mắt gạo Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, ngay cả vụ Thu Đông mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long sắp xuống giống cũng không ảnh hưởng đáng kể, vì khoảng 60 - 70% diện tích vụ lúa này được người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST 21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và EU.
Vào vụ Đông Xuân, nông dân sẽ trồng giống lúa thường nên có thể bị ảnh hưởng, các gói thầu lớn từ Indonesia và gạo thương mại đi châu Phi có khả năng bị cạnh tranh, nhưng hiện nay diện tích trồng lúa thường cũng không lớn lắm.
Gạo non - basmati Ấn Độ là dòng thường cấp thấp và phần lớn là gạo dự trữ, không tươi mới nên chỉ bán vào một số nước châu Phi, nếu doanh nghiệp Ấn Độ có năng lực kinh doanh họ sẽ tham gia thầu Bulog. Trường hợp họ không tham gia đấu thầu, có thể doanh nghiệp các nước trúng thầu sẽ mua gạo Ấn Độ để giao, như vừa rồi doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu Bulog mua gạo Myanmar giao.
“Lợi thế của gạo Việt Nam là mùa vụ diễn ra liên tục nên luôn có độ tươi mới, khâu chế biến gạo của Việt Nam cũng rất tốt. Do vậy, giá gạo Việt Nam luôn cao hơn gạo Ấn Độ từ 50-70 USD/tấn, có lúc cao hơn 100 USD/tấn. Chính nhờ độ tươi mới nên người tiêu dùng Philippines rất ưa chuộng gạo Việt, ngay cả Thái Lan cũng không thể cạnh tranh được với gạo Việt ở thị trường Philippines về đặc chất này và gạo Ấn Độ càng không thể”, Giám đốc Công ty Phước Thành 4 nói.
Tuy nhiên, nếu giá gạo Việt Nam quá cao nhà nhập khẩu sẽ đi tìm những nguồn cung khác có chất lượng tương đương và giá cả cạnh tranh hơn, khi đã chuyển đi rồi thì họ sẽ ký các hợp đồng dài hạn và gắn bó này lâu hơn. Khi các nhà nhập khẩu bỏ đi gạo Việt Nam sẽ quay đầu giảm giá lúc đó họ mới quay lại. Thời gian có thể mất khoảng 5 - 6 tháng. Hiện gạo 5% tấm thường của Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 9-10 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan từ 39-40 USD/tấn.
Theo ông Thành, thực tế, phân khúc gạo trắng thường mỗi năm Việt Nam xuất khẩu số lượng không lớn, phân khúc chính của Việt Nam là các loại gạo dẻo, thơm như DT8, OM18… cũng chính phân khúc này doanh nghiệp lấy được doanh số nhiều nhất.
“Tôi có thể chắc chắn một điều là ngay tại thời điểm này, gạo Việt sẽ không thay đổi gì nhiều nếu Ấn Độ quay lại thị trường, có chăng là vụ Đông Xuân, tuy nhiên, phần lớn diện tích đã được bà con chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Chỉ những quốc gia có phân khúc tương đương gạo Ấn Độ như Myanmar và Pakistan sẽ bị ảnh hưởng, Thái Lan cũng có nhưng không nhiều”, Giám đốc Công ty Phước Thành 4 khẳng định.