Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ phối hợp để bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu nhất về giá sàn xuất khẩu gạo trong bối cảnh thế giới gặp khủng hoảng về an ninh lương thực, thiếu đói.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD. Hầu hết các nhóm hàng đều tăng trong đó xuất khẩu gạo ghi nhận xuất khẩu gạo đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38% về giá trị với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%. Như vậy, không những tăng sản lượng mà giá trị cũng tăng. Giá xuất khẩu bình quân gạo đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5%.
Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù diện tích cấy lúa giảm, còn khoảng 7,12 triệu ha nhưng nhờ có giống lúa mới, năng suất chất lượng cao mà hết 5 tháng đầu năm sản lượng lúa vẫn đạt 17,84 triệu tấn, tăng 2%.
Theo Thứ trưởng, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Tuy nhiên năm nay có sự khác biệt, đó là xâm nhập mặn. “Chúng tôi có dự báo rất chính xác của Viện Thủy lợi, vừa rồi tiếp tục đầu tư để khâu dự báo được chính xác hơn. Để thấy, những địa phương không theo khuyến cáo của Bộ trên cơ sở dự báo thì đều thất bại”- Thứ trưởng lưu ý.
Đồng thời Thứ trưởng cho biết, với những dự báo và độ chính xác của dự báo, Bộ sẽ có các giải pháp chỉ đạo các tỉnh thành, địa phương về thời gian xuống giống, quy trình chăm sóc, khắc phục hạn mặn để đảm bảo canh tác hiệu quả.
“Trước đây sống chung với lũ, nay là xâm nhập mắn, sụt lún đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng trước những bối cảnh đấy, trước những thách thức đấy chúng ta có sự chủ động điều hành và phối hợp với các địa phương để có một cái năm sẽ được mùa và được giá đúng theo quá trình chuyển đổi từ chuỗi ngành hàng sang chuỗi giá trị và tích hợp đa giải trí vào sản xuất nông nghiệp …”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ phối hợp để bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh thế giới gặp khủng hoảng về an ninh lương thực, thiếu đói. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng đây là tình thế, là thời cơ để nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Lý do là bởi, bên cạnh nhưng dấu hiệu khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu thì ngành lúa gạo vẫn có một số tồn tại. Cụ thể như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Được biết, trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc VFA.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc gửi VFA yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bỏ thầu giá thấp" tại Indonesia. Theo Cục Xuất nhập khẩu, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Hơn nữa, đây là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.