Hoạt động ngân hàng

An Giang: Thúc đẩy chi trợ cấp không dùng tiền mặt

ThS. Trần Trọng Triết 13/05/2024 - 09:13

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 21/CT-TTg, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

z5433701270221_59b19e03a41f04bfd9a0ff320ac0e2e2.jpg
An Giang: Thúc đẩy chi trợ cấp không dùng tiền mặt

Xác định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là xu hướng ứng dụng trong chuyển đổi số; nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong tiếp cận chính sách an sinh xã hội. Theo kế hoạch của UBND tỉnh An Giang, 2 đơn vị của tỉnh là TP. Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên thực hiện thí điểm nội dung này. Các địa phương đã tổ chức cho đối tượng bảo trợ xã hội, người giám hộ, người được ủy quyền đăng ký hình thức chi trả, đăng ký thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân để mở tài khoản nhận trợ cấp.

Bưu điện cấp huyện chịu trách nhiệm rà soát, đối chiếu, phân loại danh sách đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đủ điều kiện để mở tài khoản nhận trợ cấp thông qua hệ thống ngân hàng.

Sau rà soát, cập nhật thông tin đối tượng trên phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, 2 địa phương triển khai đăng ký, tiếp nhận, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trên Hệ thống phần mềm dịch vụ công “Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến” (dvcbtxh.molisa.gov.vn).

Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2023 đến ngày 15/1/2024, hơn 2.100 hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội đề nghị hưởng chính sách được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến. Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn Tịnh Biên và TP. Châu Đốc là 9.719 người (đến cuối tháng 3/2024). Kết quả, 5.265 đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản; 3.994 đối tượng được mở tài khoản (trên 75%).

Hệ thống bưu điện liên kết với Ngân hàng TMCP Nam Á, thực hiện chi qua tài khoản nhận trợ cấp (máy ATM) cho 2.389 đối tượng, chiếm gần 60%, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Bưu điện chi trả tới địa chỉ cho đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt (người cao tuổi sức khỏe yếu, người khuyết tật không thể đi lại, không sử dụng được điện thoại, không đi đến được điểm chi trả…) đạt tỷ lệ 100%.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang ông Châu Văn Ly chia sẻ, khi triển khai chính sách này, điểm thuận lợi là được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, sở, ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân. Các phòng chuyên môn trên địa bàn thực hiện thí điểm phối hợp tương đối chặt chẽ. Cùng với đó, xã, phường, thị trấn và cán bộ khóm, ấp hỗ trợ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chi trả.

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Qua thời gian thí điểm, các ngành, địa phương thống nhất đề xuất UBND tỉnh An Giang chỉ đạo TP Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên tiếp tục thực hiện chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội còn lại trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng thí điểm tại phường, xã, thị trấn, nội ô của 9 huyện, thị xã, thành phố còn lại; đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu chi trả qua tài khoản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Thúc đẩy chi trợ cấp không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO