Tín dụng chính sách là chiếc “cần câu” giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ nguồn vốn tạo sinh kế trong cuộc sống. Xác định vai trò “bà đỡ” của mình, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách.
Thủ tục vay minh bạch nhanh gọn phát huy hiệu quả
Thực tế, việc hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo và xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh, đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội.
Nguồn vốn vay góp phần hỗ trợ các lao động có việc làm, giúp học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, giúp doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh... tạo “đòn bẩy” tài chính giúp cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên, ổn định đời sống, ổn định kinh tế - xã hội.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 156 điểm giao dịch của NHCSXH tại 156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố. Các điểm giao dịch được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, phường, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hằng tháng (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật).
Tại các điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn, các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn, lãi suất, mức vay của từng chương trình tín dụng tại NHCSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách. Khách hàng giao dịch trực tiếp với NHCSXH để gửi tiền, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và chính quyền cấp xã.
Phương thức cho vay của NHCSXH chủ yếu là cho vay trực tiếp đến người vay có ủy thác một số công việc qua các tổ chức chính trị – xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…), thông qua hệ thống các Tổ TK&VV được thành lập theo địa bàn dân cư khóm, ấp (các thành viên vay vốn liền cư); Thủ tục, hồ sơ vay vốn được NHCSXH cấp miễn phí; Người dân có nhu cầu vay vốn tự nguyện tham gia Tổ TK&VV, lập giấy đề nghị vay vốn gửi Tổ TK&VV theo quy trình.
Đáng chú ý, đến nay NHCSXH tỉnh đã cho vay hơn 178 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đạt tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 là 4.989,9 tỷ đồng, tăng 20,9% (tăng 863 tỷ đồng) so với năm trước. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương là 4.697,5 tỷ đồng, tăng 809,3 tỷ đồng; vốn nhận ủy thác địa phương là 299,4 tỷ đồng, tăng 53,8 tỷ đồng so năm trước, với 152.187 khách hàng còn dư nợ.
Dư nợ cho vay bình quân 1 xã là 31,9 tỷ đồng, bình quân 1 Tổ TK&VV là 1,58 tỷ đồng. Dư nợ bình quân/khách hàng đạt 32,8 triệu đồng. Hằng năm, tăng trưởng bình quân đạt từ 12 - 15%/ năm.
Nguồn vốn cho vay đã đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh. Các chương trình cho vay đã góp phần giúp cho hơn 132 ngàn hộ vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo qua các giai đoạn, đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng thu nhâp, cải thiện đời sống.
Giải quyết cho hơn 55 ngàn hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho hơn 83 nghìn HSSV được vay vốn để đi học và mở ra cơ hội mới cho việc học tập và đào tạo nghề, đặc biệt là thanh niên nông thôn và các vùng sâu, vùng xa, giúp các em HSSV được tiếp tục “giấc mơ đèn sách”, không để phải bỏ học do thiếu chi phí học tập,…
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thông qua hoạt động gửi tiền tiết kiệm qua Tổ TK&VV, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có ý thức tiết kiệm, tích lũy tạo lập nguồn vốn tự có, để dành cho tương lai.
Làm mới động lực hiện có, thúc đẩy tăng trưởng mới
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của người dân về hoạt động tín dụng chính sách, nắm rõ các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, các Tổ TK&VV tại các địa phương tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách nhanh chóng, kịp thời. Thực hiện tốt phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” của NHCSXH.
NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch tín dụng chính sách năm 2024, trình NHCSXH Trung ương với nhu cầu tăng vốn các chương trình nguồn vốn trung ương là 985,05 tỷ đồng, giai đoạn 2024 - 2026 là 1.980,69 tỷ đồng.
Để đạt kế hoạch đề ra, NHCSXH tỉnh quyết tâm làm mới động lực hiện có, thúc đẩy các giải pháp thực thi hành động tăng trưởng mới, gồm:
Một là, tích cực phối hợp với sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh, huyện chuyển vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh, huyện sang NHCSXH cấp tỉnh, huyện để thực hiện cho vay theo các đề án, dự án của địa phương;
Hai là, năm 2024, ngân sách tỉnh đã ủy thác 30 tỷ đồng sang NHCSXH tỉnh để cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện cũng đã tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục ủy thác vốn từ ngân sách cấp huyện sang NHCSXH để thực hiện cho vay trong năm 2024;
Ba là, hỗ trợ cho người lao động có hộ khẩu thường trú hoặc mã số định danh trên địa bàn tỉnh đi học tập và làm việc ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tỉ lệ thất nghiệp, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cho vay tối đa 100% chi phí đi học tập và làm việc ở nước ngoài. Đồng thời bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh để thực hiện cho vay chương trình này;
Bốn là, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong cho vay tín chấp. Trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về các đối tượng an sinh xã hội được Bộ Công an làm sạch, UBND có thể xác thực thông tin về người vay vốn trước khi phê duyệt dữ liệu, gửi đến NHCSXH... Theo đó, quy trình cho vay tín chấp khi được xác thực dữ liệu như sau:
Quy trình cho vay tín chấp khi được xác thực dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng. Từ đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân sách được quản lý tối đa và thiết thực.