Vấn đề - Nhận định

Áp lực lạm phát: Không thể chủ quan

Hồng Quân 08/06/2023 - 16:19

Trong bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Trong khi lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4, việc tăng giá điện 3% gần đây và kế hoạch tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm”. Dù chưa phản ánh hết các yếu tố có thể gây áp lực tới lạm phát những tháng tới, nhưng đây là cảnh báo đáng chú ý.

“Bình an” không có nghĩa là chủ quan

Tốc độ tăng của lạm phát đang có xu hướng giảm những tháng gần đây (và rất nhiều dự báo đều cho rằng lạm phát sẽ chỉ quanh mức 4% trong năm nay) tạo dư địa cho các chính sách ưu tiên hơn đến hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi lạm phát có ở mức 4,5% (cao hơn các dự báo) thì vẫn trong mục tiêu kiểm soát đặt ra nên về cơ bản áp lực lạm phát không đáng quan ngại.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, lạm phát năm nay kể cả có tăng ở mức 4-4,5% thì cũng là mức thấp và chấp nhận được so với thế giới, trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy CPI toàn cầu năm nay vẫn quanh mức 5,2%-6% (năm 2022 là 7,6%-8%).

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý: “Lạm phát dù nhiều khả năng ‘bình an’ trong năm nay nhưng vẫn không thể chủ quan, bởi để lạm phát bùng trở lại sẽ gây bất ổn vĩ mô”.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đồng tình khi cho rằng, với tình hình và xu hướng hiện nay, lạm phát năm nay không đáng quan ngại.

“Về cơ bản, nếu giá các hàng hóa và dầu mỏ trên thế giới giữ ổn định quanh mức hiện nay thì lạm phát tại Việt Nam trong năm nay - kể cả việc tăng lương từ 1/7/2023 và tăng giá các hàng hóa, dịch vụ công - chỉ xoay quanh 3,5-3,8%. Tất nhiên, áp lực không phải không còn và rủi ro lớn nhất đối với lạm phát hiện nay là những biến động và bất định bên ngoài. Đơn cử, nếu xảy ra những xung đột ngoài ý muốn có thể khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và giá cả hàng hóa trên thế giới tăng vọt trở lại. Do đó, trong điều hành vẫn cần cẩn trọng”, chuyên gia này nhận định.

10-chot-1636641929509154256763320230604213248.jpg

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê (TCTK), vẫn có các yếu tố khác có thể gây áp lực lên lạm phát thời gian tới. Bên ngoài, hiện giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức cao, cùng với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường toàn cầu, qua đó tác động tới giá hàng hóa sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam. Trong nước, việc tăng lương từ 1/7/2023; thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý… cũng sẽ tác động tới CPI trong năm 2023.

Ngoài ra, áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ, giải ngân đầu tư công; dịch vụ du lịch dự kiến tiếp tục tăng mạnh cũng có thể kéo theo giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng, tạo áp lực lên lạm phát.

Đáng chú ý là quyết định tăng giá điện 3% từ ngày 4/5 vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Là loại hàng hóa đặc biệt được sử dụng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, tăng giá điện sẽ không chỉ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước mà còn tác động trực tiếp đến đời sống người dân.

Lo ngại tâm lý “té nước theo mưa”

Theo tính toán của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho thấy, với mức tăng giá điện 3% sẽ tác động làm giảm mức tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 0,1% và làm tăng CPI khoảng 0,12%.

“Tuy việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% cũng gây những trở ngại nhất định cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn trong hồi phục và đời sống người dân nhưng tính toán cho thấy, mức độ tác động trực tiếp của việc tăng giá điện không quá lớn”, chuyên gia này cho biết.

Tuy nhiên, cần nhìn lại thực tế giá điện đã gần 4 năm qua không tăng giá, trong khi trong suốt giai đoạn 10 năm trước đó (giai đoạn 2010-2019), giá điện mỗi năm tăng bình quân 9%.

Dù áp lực trực tiếp tới lạm phát trong lần tăng giá điện vừa qua là không lớn nhưng điều mà các chuyên gia lo ngại là những tác động gián tiếp và tâm lý “té nước theo mưa”.

Thực tế ngay sau khi giá điện tăng kết hợp với thời tiết nắng nóng kéo dài đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá điện sinh hoạt tháng 5 tăng đã tăng 2,62%, và đóng góp chính vào mức tăng 1,01% của Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng so với tháng 4.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Việc tăng giá bán lẻ điện tiêu dùng 3% ảnh hưởng rất nhỏ tới sự biến động của giá cả hàng hóa và chất lượng đời sống. Tuy nhiên, vì việc tăng giá điện lại trùng với thời điểm nắng nóng tại nhiều địa phương có thể làm chi phí về điện tăng lên, dễ gây hiệu ứng tâm lý. Hơn nữa, thời gian tới sẽ có đợt tăng lương cơ sở. Do đó, cần có sự vào cuộc sớm và có sự chuẩn bị của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) và chính quyền các địa phương để tránh trạng thái lợi dụng sự tăng giá điện và tăng lương cơ sở để đẩy giá hàng hóa một cách bất hợp lý”.

Chuyên gia này phân tích, điện chỉ là một cấu phần trong chi phí sản xuất dù mức độ lớn - nhỏ khác nhau phụ thuộc mức tiêu thụ điện. Ví dụ giá điện tăng 3% khiến giá thành mặt hàng xi măng tăng 0,4%; mặt hàng thép tăng 0,18%; sành sứ tăng 0,12% thì cũng chỉ được tính tăng ở các mức đó thôi. Không thể nói vì giá điện tăng 3% nên giá hàng hóa bán ra cũng phải tăng 3% hay hơn thế.

“Thực hiện tốt việc ổn định thị trường, tránh trạng thái tâm lý sẽ là cơ sở cho việc kìm giữ lạm phát, đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô để thúc đẩy quá trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia này kết luận.

Trong khi đó theo bà Nguyễn Thu Oanh, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực thì cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên lạm phát như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giúp giảm bớt áp lực lạm phát; chủ chương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát…

Với kinh nghiệm điều hành giá thành công trong những năm vừa qua, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, bà Oanh tin rằng lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu khoảng 4,5% đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực lạm phát: Không thể chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO