Năm 2023 vừa khép lại, tuy nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của Chính phủ và NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.
Theo báo cáo kết quả đạt được của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay của tỉnh được NHCSXH Trung ương thông báo trong năm 2023, là 189,2 tỷ đồng cùng với nguồn lực ủy thác từ ngân sách của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên 37 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách cũng như hoạt động tín dụng chính sách, nhờ đó mà NHCSXH tỉnh Bạch Liêu đã giải ngân cho 16.594 lượt hộ được vay vốn, nâng tổng dư nợ lên 2.837 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.943 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 28 tổ so với đầu năm; các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận ủy thác cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, với doanh số cho vay đạt hơn 508 tỷ đồng.
Các chương trình tín dụng được triển khai kịp thời, nguồn vốn cho vay được giải ngân đúng quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng. Chất lượng tín dụng ổn định, nợ xấu giảm 10,1 tỷ đồng so với đầu năm, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách được NHCSXH Trung ương xếp loại tốt.
Đáng chú ý, Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 04 chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH tối đa 15.500 tỷ đồng để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đến ngày 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng.
Nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bao trùm, bền vững, bên cạnh những chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết 13 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều giải pháp, đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, dự án thuộc chương trình, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 7.233 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm trên 3%) và 12.055 hộ cận nghèo (chiếm trên 5%). Đáng chú ý, đến cuối năm 2023, đã giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 2.270 hộ); giảm 1% tỷ lệ hộ cận nghèo (tương đương 2.270 hộ).
So với trước đây, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Do đó đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi đơn vị trong tỉnh phải có quyết tâm mới, tầm nhìn xa hơn để có thể hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, đẩy mạnh phát triển các công trình có sự hỗ trợ của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề, tiếp tục đổi mới làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động theo hướng chuyên môn hóa để phân luồng lao động phát triển nguồn lực lao động chất lượng cao.
Mục tiêu và giải pháp của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu trong năm 2024 là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị quyết số 181/NQ-CP và Công văn số 4474. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng nguồn vốn vay; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, chấp hành nghiêm việc trả nợ gốc và lãi theo quy định; đảm bảo không để tỷ lệ nợ xấu tăng cao; các đơn vị nhận ủy thác tại tỉnh quyết liệt và nâng cao trách nhiệm trong việc cho vay và thu hồi nợ. Các doanh nghiệp, người dân vay vốn cần có kế hoạch làm ăn hiệu quả và trả nợ đầy đủ để duy trì, phát triển hiệu quả nguồn vốn vay.