Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu quyết tâm tạo nên những kỳ tích trong năm 2024

ThS.Trần Trọng Triết 17/02/2024 09:36

Với khát vọng bứt phá và phát triển không ngừng đồng hành cùng phát triển kinh tế địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn sẽ tạo nên những kỳ tích trong năm 2024 và những năm tiếp sau, đưa con tàu kinh tế tỉnh nhà vươn xa.

img_1708055590641_1708090449954.jpg
Ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu quyết tâm tạo nên những kỳ tích trong năm 2024

Đẩy mạnh vốn tín dụng ngành hàng chủ lực

Ngay từ ngày khai trương hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, ngành Ngân hàng tỉnh tập trung đẩy mạnh ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển các ngành hàng kinh tế chủ lực của địa phương để tạo bứt phá tăng trưởng ngay trong quý I/2024.

Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Đáng chú ý, năm qua tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 10,79% so với cuối năm 2022 (đạt 30.350 tỷ đồng). Có được nguồn vốn, các ngân hàng đã cho vay phát triển sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm với tổng dư nợ tín dụng tăng 8,11% so với năm 2022 (đạt 42.000 tỷ đồng). Trong đó, có nhiều lĩnh vực được quan tâm và ưu tiên đầu tư, như: cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Agribank chi nhánh Bạc Liêu đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, khẳng định là ngân hàng tiên phong trong đầu tư cho vay xây dựng, phát triển nông nghiệp - nông dân và nông thôn...

Thông qua nguồn vốn vay của Agribank chi nhánh Bạc Liêu, nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất kinh doanh được triển khai và tạo thêm nhiều giá trị cho tăng trưởng kinh tế, nhất là tạo ra sinh kế, việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Cùng với đẩy mạnh và ưu tiên vốn đầu tư cho phát triển “tam nông”, Agribank chi nhánh Bạc Liêu còn quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ các chương trình ưu đãi và miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn thanh toán nợ cho những khách hàng gặp rủi ro hay gặp khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh gắn với tiếp tục tái đầu tư nhằm giúp khách hàng có điều kiện duy trì, khôi phục lại sản xuất…

Đến hết năm 2023, Agribank chi nhánh Bạc Liêu đã đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng hơn 11% so với năm 2022, đạt hơn 11.300 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 83%/tổng dư nợ. Đặc biệt, Agribank chi nhánh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng (cả khách hàng doanh nghiệp và hộ sản xuất cá nhân). Đồng thời, hưởng ứng và thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh Bạc Liêu về việc “Triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, trong công tác chuyển đổi số, Agribank chi nhánh Bạc Liêu cũng khẳng định được vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển và cung ứng dịch vụ tài chính tín dụng hiện đại.

Agribank chi nhánh Bạc Liêu đã và đang tiếp tục từng bước nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, xây dựng chiến lược và mở chiến dịch chuyển đổi số phù hợp “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng phát triển cung cấp các sản phẩm dịch vụ trực tuyến, ngân hàng điện tử phục vụ khách hàng, góp phần tạo điều kiện, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán.

Ngoài ra, hình thành và tạo nên thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và mang đến nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Với những nỗ lực trong chuyển đổi số, đến nay số lượng khách hàng tham gia thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng mã QR Code toàn tỉnh là 705 điểm thanh toán, có 72 điểm lắp đặt thanh toán bằng máy POS/EDC (máy quẹt thẻ thanh toán). Qua đây cho thấy số lượng giao dịch, doanh số thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử của Agribank Bạc Liêu có sự tăng trưởng vượt bậc.

Để tạo điều kiện trong việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, Agribank chi nhánh Bạc Liêu luôn quan tâm phát triển các điểm thanh toán. Đến nay, đã lắp đặt 23 máy ATM/CDM (trong đó có 3 máy CDM - có chức năng nộp rút tiền tự động). Hiện toàn tỉnh đã thực hiện chi trả lương qua thẻ của Agribank chi nhánh Bạc Liêu với các đơn vị, thực hiện kết nối thu học phí qua tài khoản với các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Song hành với nguồn tín dụng thương mại, trên địa bàn tỉnh còn có nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh hoạt động rất tích cực mang lại hiệu quả cho người thụ hưởng.

Theo đó, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH chi nhánh tỉnh đã đạt 3.061 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm 2022, tạo điều kiện cho gần 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; góp phần cùng tỉnh giảm 3.347 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,25% vào đầu năm 2023 giảm xuống còn 1,77% vào cuối năm 2023.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, trong năm 2023, NHCSXH tỉnh đã cho vay vốn ưu đãi đến với 26.182 hộ nghèo, đối tượng chính sách, nâng tổng số hộ vay vốn tại NHCSXH tỉnh lên 95.393 hộ, trong đó đã giúp cho 3.371 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, nâng tổng số hộ được thụ hưởng 2 chương trình tín dụng này lên 39.366 hộ; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 9.513 lao động; xây dựng và cải tạo sửa chữa được 12 căn nhà cho đối tượng có thu nhập thấp... Từ những đồng vốn nghĩa tình này, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng cho “3 đột phá”

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, gắn với Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bạc Liêu đã xác định “3 đột phá” chiến lược và quyết tâm tăng tốc vào những năm cuối của nhiệm kỳ.

Đột phá thứ nhất, khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có về phát triển kinh tế biển và sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển. Tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo, trung tâm sản xuất tôm (cả tôm giống và tôm thực phẩm) lớn của cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long với mong muốn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Bạc Liêu, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước... Từ đó tạo nên những bước thay đổi đột phá trên cơ sở thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, khai thác hiệu quả tài nguyên, phát huy nội lực gắn với tranh thủ cơ hội để phát triển.

Đột phá thứ hai, là tập trung phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế quản trị. Theo đó, Bạc Liêu sẽ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao là đột phá và phát triển bền vững về lâu dài. Đồng thời, cải cách thể chế quản trị địa phương hướng tới kiến tạo, hiệu quả, hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, đạo đức, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao trong thực hiện công việc được giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp bách và trung tâm trong phát triển tỉnh.

Khâu đột phá thứ ba, là tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng truyền tải điện, cảng biển, công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị trung tâm, “tháo gỡ nút thắt” về hạ tầng là yêu cầu đột phá vừa cấp bách và lâu dài, nhu cầu nguồn lực rất lớn, cần lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu hiệu quả.

Xác định doanh nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng và quyết định trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hội nhập, hiện đại, vì vậy, tỉnh sẽ hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy khát vọng làm giàu, chính quyền đồng hành, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh trong giai đoạn mới…

Với khát vọng bứt phá và phát triển không ngừng đồng hành cùng phát triển kinh tế địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn sẽ tạo nên những kỳ tích trong năm 2024 và những năm tiếp sau, đưa con tàu kinh tế tỉnh nhà vươn xa và thật sự thi đua làm giàu từ biển, bằng các giải pháp là tập trung chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn triển khai thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 với mục tiêu chung là ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất và tạo việc làm.

Tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng); Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (40.000 tỷ đồng)...

Yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Tạo môi trường thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng gắn với kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán…

Cùng với đó, thực hiện giám sát ngân hàng trong tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng.

Khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn, tập trung vào những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Rà soát, đánh giá lại các khoản nợ xấu theo quy định.

Quản lý hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngoại hối và vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu quyết tâm tạo nên những kỳ tích trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO