Ở góc nguồn lực tài chính và trong vai trò đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển các dự án nhà ở xã hội và cho vay cá nhân mua nhà, ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, với các chương trình và giải pháp cụ thể.
Phát triển nhà ở xã hội và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, người nghèo… là chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ nhằm bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng, phát triển bền vững. Chủ trương này đã được tổ chức triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp về tập trung và khai thác các nguồn lực cho chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, việc hoàn thiện và ban hành hệ thống cơ chế chính sách về đất đai, về nhà ở, về tài chính (luật đất đai; luật nhà ở sửa đổi và nghị định về phát triển nhà ở xã hội…), đã trở thành nguồn lực quan trọng cho việc thực hiện chủ trương lớn này với chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Ở góc nguồn lực tài chính và trong vai trò đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển các dự án nhà ở xã hội và cho vay cá nhân mua nhà, ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, với các chương trình và giải pháp cụ thể:
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội đối với đối tượng chính sách (người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác theo quy định) thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đây là chương trình tín dụng chính sách đã được thực hiện trong nhiều năm qua, với lãi suất ưu đãi và thời gian cho vay dài (khoảng 20-25 năm). Tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hiện cho vay chương trình với dư nợ đạt khoảng 100 tỷ đổng, cho 274 khách hàng (là hộ gia đình, tương đương 274 căn hộ được tạo lập).
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội (gồm chủ đầu tư dự án và cá nhân mua nhà) theo Nghị định 100 của Chính phủ (nghị định 100/2024/NĐ-CP). Trong đó, những quy định về lãi suất, về thời hạn vay và thu nhập tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, người có thu nhập thấp.
Triển khai thực hiện các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay trung dài hạn (3 năm đầu) hiện là 7% /năm đối với chủ đầu tư và 6,5% /năm (5 năm đầu ) đối với cá nhân mua nhà và thời gian cho vay dài (từ 20 năm -25 năm). Khi các gói tín dụng được giải ngân cũng sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi về nguồn vốn và thúc đẩy phát triển chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ. Đến nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có 6 dự án nhà ở xã hội được UBND thành phố công bố. Trong đó có 2 dự án đã và đang vay vốn ngân hàng (vay thông thường, song lãi suất được các tổ chức tín dụng ưu đãi, vì vậy chủ đầu tư không vay từ gói tín dụng ưu đãi); 1 dự án nhà ở cho công nhân thuê vay từ gói 145 nghìn tỷ đồng với tổng hạn mức 680 tỷ đồng, đã giải ngân 170,14 tỷ đồng.
Những số liệu vừa nêu cũng cho thấy, dù lãi suất cho vay thấp và khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn từ các tổ chức tín dụng nhưng tốc độ giải ngân chưa cao. Có thể lý giải phần nào điều này chủ yếu do các dự án chưa hoàn thiện pháp lý và chưa đủ điều kiện tín dụng.
Song thời gian qua, với những thay đổi tích cực từ chính sách nhà ở, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, cùng những hành động cụ thể (như tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc) và chính sách tín dụng ưu đãi, khi được phối hợp tổ chức triển khai tốt và đồng bộ sẽ là yếu tố thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và đạt được mục tiêu của chương trình. Trong đó các yếu tố: giá bán; thu nhập của người mua nhà, tính pháp lý và hiệu quả của dự án vẫn sẽ là những cốt lõi tháo gỡ điểm nghẽn giúp tạo sự tuần hoàn và chu chuyển vốn. Qúa trình này sẽ là động lực thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và tăng trưởng tín dụng đối với nhà ở xã hội trong thời gian tới.