Chuyện gì đang xảy ra với Ngân hàng Credit Suisse?

Vân Anh| 04/10/2022 13:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ cuối tuần trước, những tin xấu liên tục đến với Credit Suisse: phí bảo hiểm hợp đồng phái sinh tín dụng CDS tăng vọt lên 2,5%, một số vấn đề về việc giữ chân nhân viên và lời hứa về việc tái cơ cấu lớn sau khi tiết lộ chiến lược mới vào cuối tháng này. Đến Chủ nhật, ngân hàng được ví đến như là Lehman Brothers tiếp theo. Sáng thứ Hai (3/10), cổ phiếu của ngân hàng tiếp tục giảm thêm 10%, đưa mức giảm từ đầu năm đến nay là 55%.

Giọt nước tràn ly?

Là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sỹ và cũng là một trong những ngân hàng lớn nhất trên thế giới, song tình hình tài chính của Credit Suisse nhiều tháng nay đã chìm trong sắc màu u ám với nhiều quý kinh doanh thua lỗ.

Tuy nhiên, có một thực tế là rủi ro Credit Suisse vỡ nợ (được đo bằng chi phí bảo hiểm chống lại việc vỡ nợ dưới hình thức hợp đồng hoán đổi tín dụng – CDS kỳ hạn 5 năm), đã tăng mạnh lên 250 điểm cơ bản và quay trở lại mức của năm 2009. Ngày 3/10, phí này tiếp tục tăng thêm 105 điểm cơ bản, đưa phí lên mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Rủi ro này được cho là cao hơn đáng kể so với các ngân hàng châu Âu khác.

CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công cụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra. Mặc dù Giám đốc điều hành Ulrich Koerner đã trấn an nhân viên vào thứ Sáu rằng tất cả đều ổn về thanh khoản và vốn tại Credit Suisse, song dường như điều đó cũng không giúp được nhiều khi cổ phiếu của ngân hàng tiếp tục giảm thêm 10%, đưa mức giảm giá cổ phiếu của ngân hàng này lên tới 55% kể từ đầu năm. Một năm trước, Credit Suisse có vốn hóa thị trường khoảng 22,3 tỷ USD, giờ con số này chỉ còn  khoảng 10 tỷ USD.

Credit Suisse có là Lehman Brothers thú hai?

Credit Suisse Group AG đang ở trong tình trạng khốn khó, nhưng không "trên bờ vực"  như những “anh hùng bàn phím” gây sốt trên mạng xã hội tưởng tượng vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, ngân hàng Thụy Sĩ này đang trải qua những giờ phút đen tối nhất vào đúng thời điểm tồi tệ nhất, khi thị trường biến động và mọi người đều lo lắng về những gì sắp xảy ra. Thất vọng vẫn có khả năng xảy ra nhiều hơn là thảm họa.

Các điều khoản giao dịch trên thị trường tài chính đang trở nên tồi tệ hơn đối với tất cả người chơi. Đây là một kỷ nguyên mới với sự biến động cao hơn khi các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất để chống lại lạm phát, làm tăng chi phí giao dịch và rủi ro. Đây cũng là thời điểm mà những bước đi sai lầm của các chính trị gia hoặc ngân hàng trung ương có thể đột nhiên bộc lộ mức rủi ro đáng ngạc nhiên - chỉ cần nhìn vào những rắc rối của thị trường trái phiếu chính phủ Anh và các quỹ hưu trí của Anh vào tuần trước là có thể thấy. (Cuối tuần trước, chính phủ Anh đã phải quyết định thực hiện thêm một đợt mua trái phiếu nữa như một động thái khẩn cấp để giảm sự hỗn loạn, bán tháo trên thị trường tài chính Anh, vốn đã bất an vì các kế hoạch thuế và chi tiêu của tân Thủ tướng Anh Liz Truss mới được công bố).

Thật không may cho Credit Suisse, bối cảnh này sẽ khuyến khích các công ty, nhà đầu tư và người tiết kiệm giao dịch nhiều hơn tại các ngân hàng có bảng cân đối kế toán mạnh nhất và mô hình kinh doanh ổn định nhất, khiến cho tốc độ trở nên quan trọng đối với Chủ tịch Axel Lehmann để hoàn thành việc xem xét chiến lược của ngân hàng và tiến hành tái cơ cấu. Mặt khác, công ty cho vay Thụy Sĩ đang phải chịu đựng một phiên bản phóng đại hơn của các khoản nợ của các công ty cùng ngành. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá cổ phiếu và chi phí mua bảo hiểm trái phiếu tăng mạnh đang khiến việc quay vòng trở nên khó khăn hơn. 

Ngân hàng có đủ vốn để hoạt động kinh doanh, chỉ là không tạo ra lợi nhuận đủ tốt. Để thay đổi bức tranh đó một cách nhanh chóng, ngân hàng cần tiền để trả cho việc tái cấu trúc - các nhà phân tích ước tính cần 4 tỷ đô la thông qua việc bán tài sản hoặc huy động vốn. Nếu không có, ngân hàng càng ít cơ hội có thể thay đổi và những rắc rối sẽ kéo dài hơn. Nếu ngân hàng càng yếu thì việc huy động tiền càng tốn kém và càng khó tìm những người mua tiềm năng đối với bất kỳ tài sản nào của ngân hàng. 

Tuy nhiên, đây là một câu chuyện về sự suy giảm tương đối, không phải là một cuộc chạy đua của ngân hàng hay một cuộc khủng hoảng tồn tại. Điều này được các nhà đầu tư và nhà phân tích theo dõi Credit Suisse biết rõ nhưng với toàn thị trường thì không được như vậy. Đó là lý do tại sao chi phí bảo vệ trái phiếu Credit Suisse chống vỡ nợ trong thị trường phái sinh tăng mạnh khiến một số chuyên gia tài chính cũng như mạng xã hội kinh ngạc.

Tại Mỹ, một số nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về sự lây lan sang hệ thống ngân hàng ở đó từ các vấn đề tại một ngân hàng lớn của châu Âu. 

Các nhà đầu tư và nhà giao dịch đang lo lắng vì chi phí bảo vệ nợ ngân hàng chống lại việc vỡ nợ bằng cách sử dụng các giao dịch hoán đổi nợ tín dụng (CDS) đang tăng lên ở khắp mọi nơi. Một số người đang bắt đầu nhìn thấy điềm báo về sự thất bại của ngân hàng, nhưng điều đó không đúng. Phần lớn sự gia tăng này là một chức năng của cách các ngân hàng quản lý rủi ro giao dịch với nhau - và cách khách hàng của họ quản lý rủi ro đó.

Khi các ngân hàng giao dịch với nhau, luôn có rủi ro là một ngân hàng không thực hiện được thỏa thuận của mình - đó được gọi là rủi ro tín dụng đối tác. Thế giới của các công cụ phái sinh, những công cụ không giao dịch trên sàn giao dịch hoặc thông qua trung tâm thanh toán bù trừ, là một nguồn rủi ro đối tác lớn. Mức độ tham gia phụ thuộc vào quy mô sổ giao dịch cũng như mức độ biến động của thị trường cơ sở. Sự biến động cao thường có nghĩa là đòi hỏi tài sản thế chấp nhiều hơn - và thường xuyên hơn, như những gì mà quỹ hưu trí của Anh đã cho thấy vào tuần trước.

Các ngân hàng (và khách hàng) cũng cần xem xét sức mạnh tài chính của các đối tác thương mại khi tìm ra rủi ro mà họ có: Việc giá cổ phiếu của Credit Suisse sụt giảm làm cho ngân hàng có vẻ rủi ro hơn so với một số đối thủ. Đây là một vấn đề thực sự vì nó làm cho ngân hàng trở thành một đối tác tốn kém chi phí hơn và kém cạnh tranh hơn. Deutsche Bank đã trải qua một điều tương tự vào khoảng những tháng cuối năm 2016, khi nền tảng vốn yếu và phải đối mặt với một khoản tiền phạt từ các nhà chức trách Mỹ. Credit Suisse không gặp khó khăn nghiêm trọng như Deutsche Bank khi đó, nhưng việc mất doanh thu vẫn sẽ rất đau đớn.

Có một sắc thái khác đáng chú ý giải thích tại sao các tiêu điểm về Credit Suisse tồi tệ hơn thực tế. Không sử dụng quá nhiều kỹ thuật, nhiều ngân hàng châu Âu có hai loại CDS dùng để chỉ nợ ưu tiên: Một loại rủi ro hơn và ít được giao dịch rộng rãi hơn loại kia. Chúng tồn tại bởi vì các chủ nợ khác nhau được đối xử khác nhau theo các quy tắc giải quyết của ngân hàng: Người gửi tiền và các đối tác phái sinh thường có nhiều khả năng lấy lại tiền hơn hơn là trái chủ nếu một ngân hàng bị giải thể. Nói một cách ngắn gọn và đơn giản hơn, có một loại CDS cho trái phiếu ưu tiên và một loại CDS ít rủi ro hơn đối với rủi ro tín dụng đối tác. Phiên bản trước thường có nhiều biến động hơn, phiên bản sau quan trọng hơn đối với khả năng cạnh tranh và doanh thu. Đối với Credit Suisse, đây là phiên bản rủi ro hơn, biến động hơn.

Mặc dù Credit Suisse khó có khả năng trở thành Lehman (theo nghĩa là khó có khả năng đột ngột phá sản), tuy nhiên, có khả năng ngân hàng sẽ thoát ra khỏi thời kỳ này với một hình dạng rất khác so với khi đi vào. Theo FT Alphaville, sự gia tăng biên độ giao dịch hoán đổi nợ tín dụng trong 5 năm của Credit Suisse, từ 57 điểm cơ bản vào đầu năm lên gần 250 điểm cơ bản vào ngày 28/9 đồng nghĩa với chi phí tái cấp vốn cho khoản nợ hiện tại tăng 300 triệu Franc Thụy Sỹ (CHF) một năm (mặc dù một số đã tính toán thậm chí còn cao hơn ở mức gần 500 triệu CHF). Đó không phải là loại chi phí vốn phù hợp với một doanh nghiệp kinh doanh tín dụng lớn.

Đồng thời, Credit Suisse đang không ở vị trí thuận lợi để đàm phán bán một số hoạt động kinh doanh của mình. Các ngân hàng/quỹ đầu cơ mà họ đang đàm phán không phải là tổ chức từ thiện và sẽ không có xu hướng thỏa thuận hào phóng cho một đối tác rõ ràng là đang rất cần bán. 

Credit Suisse vẫn được định giá là một đối tác rủi ro hơn Deutsche Bank hoặc Barclays Plc, nhưng nó không phải là mối hiểm họa hiện sinh. Ngân hàng đang gặp bất lợi trong kinh doanh và phải đối mặt với một trở ngại khác đối với việc tái cấu trúc. Do vậy, Hội đồng quản trị Credit Suisse có thể hoàn thành kế hoạch chiến lược của mình và chấm dứt tình trạng không chắc chắn càng nhanh thì càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện gì đang xảy ra với Ngân hàng Credit Suisse?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO