(thitruongtaichinhtiente.vn) - Gia đình tôi có thói quen sum họp vào đêm giao thừa. Dù ở đâu, đi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì vào ngày 30 Tết mọi thành viên đều chạy về nhà để đoàn viên với gia đình. Đó không phải là quy tắc do ông bà đặt ra, nhưng do nếp quen từ rất lâu nên vẫn được duy trì đến hôm nay.
Vào sáng 30 Tết, cả nhà tôi chộn rộn, náo nức thấy rõ. Thực ra thì từ 29 Tết, cái sự hân hoan ấy đã bung tỏa. Mẹ tôi tranh thủ đi chợ sớm mua những thứ cần dùng để làm bữa tiệc hoành tráng. Các cô, bác, thím cũng vội mang sang đủ thứ hoa, quả, thực phẩm để góp thêm sự đa sắc màu cho không gian ẩm thực. Ba tôi và các bác, các chú lo trang hoàng nhà cửa, sơn lại bàn ghế. Những người con trai nhà này rất khéo tay, vì được ông nội truyền nghề thợ mộc từ lúc còn tấm bé, nên ai cũng giỏi việc nội thất.
Ông nội nhường phần “điều hành” chuyện chỉnh trang ngôi nhà cho chú Út, để ông rảnh tay chăm chút mấy gốc hoàng mai, và những luống vạn thọ đang khoe sắc. Sở dĩ ông chăm việc này vì ông yêu hoa và muốn tiểu cảnh xung quanh ngôi nhà phải đẹp rực rỡ để có cái cho con cháu chụp ảnh lưu niệm, đưa lên mạng xã hội (ông nội cũng tâm lý quá đi thôi). Ông không quên viết vài câu liễn treo lên vách tường cho hợp với cái Tết cổ truyền. Dù rằng chữ thư pháp ông chưa được “rồng bay phượng múa” nhưng cũng đã từng được nhiều đám tiệc mời viết chữ treo trang trọng ở phòng khách chứ chẳng phải tầm thường.
Những thứ cần làm cho ngày 30 Tết đã chuẩn bị chu tất từ hôm 29 Tết, giờ chỉ bắt tay vào việc thôi. Bà nội và cánh phụ nữ lo việc bếp núc và gói bánh tét. Trong khi phe đàn ông thì phụ sơ chế thức ăn cũng như mang bàn, ghế ra ngoài sân. Sinh hoạt ngoài trời trong đêm sương lạnh sao? Ồ không! Cả nhà sẽ ngồi bệt xuống nền gạch, trước bàn thờ gia tiên để dùng bữa cho nên phải dọn chỗ cho trống. Sau khi thức ăn đã chín, từng đĩa được mang lên bàn thờ để cúng ông bà. Khi hương tàn, thì cùng nhau dọn xuống. Lúc này những người làm ăn phương xa cũng đã tề tựu về đông đủ. Con cháu vây kín ông, bà hỏi han sức khỏe và tặng quà. Nụ cười móm mém hết cỡ cũng như đôi mắt chằng chịt vết chân chim tươi tắn cũng đủ hiểu ông bà hạnh phúc viên mãn đến cỡ nào. Cả năm trời, hai người chỉ chờ đợi những dịp như thế này để lên ngôi hoan hỉ.
Trong không khí của chiều 30 Tết, cả nhà quây quần dùng bữa, nói cười vui vẻ đến tận thời khắc chuyển giao. Chốc chốc tôi và mấy người anh em chạy ra ngoài sân cho củi vào bếp than đỏ rực để canh bánh chín. Dù thèm lắm nhưng chẳng ai được ăn thử mà phải mang lên bàn thờ gia tiên cúng kiến. Một năm cũ qua đi với những nuối tiếc, hoài bão lỡ làng nhưng cả nhà tôi vẫn vui vì mọi người đều có mặt đông đủ để cùng đón giao thừa. Ông tôi bảo: “Làm phiền các con, các cháu một đêm 30 Tết thôi. Sáng mồng một trở đi, mấy đứa thoải mái đi chơi nha”. Thực ra, con, cháu làm phiền ông bà thì có. Lần nào về thăm nhà, cũng “đòi” tiền lì xì, cũng “bắt” ông bà cùng chụp hình, cùng ca hát và dẫn đi thăm vườn. Một cái Tết cổ truyền thật giản đơn nhưng đầy ý nghĩa, đậm chất dân tộc giữa thời đại công nghệ dần phai lạt bản sắc. Tôi mong sao, ông bà sống đến trăm tuổi, để cứ mỗi độ xuân về, cả gia tộc lại đoàn viên: cùng ăn, cùng hát và cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống này.