Bài học từ câu chuyện “Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng viên, Đoàn viên Công đoàn Vietcombank hôm nay

Phòng Giao dịch Đội Cấn – Vietcombank Sở giao dịch| 29/08/2020 15:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghiệp vụ gửi tiết kiệm là công việc quen thuộc hàng ngày đối với mọi Đảng viên, Đoàn viên Công đoàn các phòng giao dịch Vietcombank, dưới đây xin được chia sẻ một câu chuyện từ những năm tháng đầu mới hoạt động của ngành Ngân hàng, một kỷ niệm của những cán bộ ngân hàng đầu tiên với Bác và là bài học tư tưởng quý giá cho lớp lớp cán bộ ngân hàng hôm nay và mai sau.

“Một ngày trong năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định. Bác đi qua một phòng thấy có ba người ngồi.

 Bác hỏi: Các cô, chú làm gì đấy?

Anh Đoàn Duy Bảo đứng lên thưa: Dạ thưa Bác, đây là bàn tiết kiệm của ngân hàng đặt tại nhà máy.

Bác cầm một quyển sổ lên, hỏi: Nhà máy có bao nhiêu người gửi tiền tiết kiệm?

Anh Bảo thưa: Dạ, có tám mươi phần trăm người gửi ạ.

Bác gặng: Thế còn hai mươi phần trăm nữa thì sao?

Anh Bảo báo cáo: Dạ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thấy các cán bộ ngân hàng trả lời chưa đúng vào câu hỏi có lẽ là khó, Bác tìm hiểu sang vấn đề khác: Mỗi lần được gửi bao nhiêu?

Anh Bảo trả lời: Dạ, gửi từ một đồng trở lên ạ.

Bác nói: Thế Bác có một hào, có gửi được không?

Tất cả, từ Giám đốc nhà máy, Bí thư chi bộ, cán bộ ngân hàng, quỹ tiết kiệm đều không trả lời được. Cho đến năm 1996, nhân dịp kỷ niệm “45 năm mùa sen nở” của ngành Ngân hàng, anh Bảo giờ đã trở thành cụ Bảo mới tâm sự với các cán bộ ngân hàng trẻ rằng:

“Mãi về sau tôi mới hiểu ra rằng Ngân hàng Nhà nước ta là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế. Chẳng hạn, sẵn sàng nhận gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít.

Một câu hỏi mà hơn một phần tư thế kỷ tự tôi mới tìm ra được ý nghĩa của câu trả lời”.

Vietcombank vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi

Câu chuyện trên làm nhớ tới những chiều cuối năm, trong bộn bề công việc phải hoàn thành, các khách hàng vẫn không quên tới Vietcombank để gửi tiết kiệm lần cuối cùng trong năm, cũng là tổng kết lại số tiền đã chắt chiu để dành được trong một năm qua. “Năng nhặt thì chặt bị”, có những cặp vợ chồng lao động cả năm trời dù chiếc áo mặc còn sờn nhưng cuối năm vui sao hai vợ chồng nhìn nhau “Năm nay mình gửi được nhiều hơn năm trước nhỉ? Vậy chẳng mấy năm nữa mua được nhà rồi!”. Khi người cán bộ Vietcombank thực hiện xong giao dịch và trao cho anh chị ấy quyển sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, hai vợ chồng mỉm cười hạnh phúc rồi cùng nhau kiểm tra lại thông tin, nâng niu và cất sổ cẩn thận trước khi ra về.

Với áp lực chỉ tiêu kinh doanh, đôi lúc có những bạn vô tình chưa coi trọng đúng mức đồng tiền ít ỏi mà những người lao động nghèo gửi tiết kiệm. Ví như khi gặp một bác giúp việc đã ngoài sáu mươi tuổi cứ mỗi tháng tiết kiệm được ít đồng lại ra ngân hàng gửi, đâu đó vẫn có trường hợp giao dịch viên không vui vì số tiền bác gửi không nhiều mà mất công làm nhiều giao dịch.

Có lẽ bạn đó đã vô tình quên mất ý nghĩa quan trọng hơn doanh số hàng tháng trong công việc huy động vốn của ngân hàng mình là để giúp đỡ người dân tích lũy được những đồng tiền phòng khi khó khăn hay dùng để đầu tư trong tương lai, huy động vốn cũng chính là cầu nối để đồng vốn đó được đến tay nhưng người khó khăn khác đang thực sự cần vốn lúc này.

 Đồng tiền bé nhỏ của bác giúp việc kia chỉ sau bút toán của giao dịch viên thôi đã hòa nhập cùng với những đồng tiền lớn nhỏ khác của ngân hàng đến với một gia đình nào đó đang thiếu chút vốn mua nhà ở xã hội - ngôi nhà đầu tiên sau hơn nửa cuộc đời cố gắng. Đồng tiền đó cũng có thể đến với những dự án điện, đường, trường, trạm,… những dự án kinh tế giúp cho quê hương đất nước phát triển từng ngày. Nếu như nhìn rộng ra thì chúng ta sẽ thấy các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tạo ra sự kết nối với nhau và kết nối giữa con người với con người thật kỳ diệu. Chủ thẻ ngân hàng, số dư tiền gửi, nguồn vốn đầu vào ngân hàng là của người dân; ngân hàng hoạt động cũng bởi nhu cầu giao dịch thanh toán, tích lũy và nhu cầu tín dụng của người dân và cũng hướng đến vì sự phát triển của khách hàng, của nhân dân.

Trong thư gửi cán bộ ngân hàng ngày 23/2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ tín dụng - Phải kiểm điểm lại: Đã làm những gì và còn phải làm những gì để giúp ích nhân dân, để đẩy mạnh sản xuất?”. Một lần nữa tư tưởng lấy dân làm gốc được Bác truyền đạt hết sức cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu và ý nghĩa gửi tới cán bộ. Hoạt động do nhân dân, vì nhân dân hay chính là cung cấp dịch vụ tốt nhất vì khách hàng. Qua đó, hướng tới xây dựng một xã hội phát triển hơn chính là kim chỉ nam cho hoạt động của các ngân hàng, trong đó có Vietcombank. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ Vietcombank luôn nêu cao tinh thần tiên phong vì nhân dân, vì lợi ích của khách hàng, vì sự phát triển của xã hội và sự phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô nước nhà. Nhìn rộng rồi lại nhìn gần, từ những định hướng của Đảng bộ các cấp, từ tư tưởng Hồ Chí Minh được học tập và truyền đạt qua các thế hệ, bỗng thấy mỗi công việc chuyên môn hàng ngày của mình có một mục đích rất tươi đẹp là vì sự phát triển của mỗi con người nói riêng và vì nhân dân, xã hội nói chung. Đạo đức cách mạng không phải điều gì quá cao xa, phải trèo đèo lội suối băng rừng mới thấu hiểu mà lại chính là sự chuyên tâm và tinh thần giúp đỡ tất cả mọi người, tất cả khách hàng (người dân) qua những dịch vụ tốt nhất, qua sự hết mình tư vấn các giải pháp tài chính tốt nhất. Đạo đức cách mạng của người Đảng viên, của mỗi cán bộ công đoàn Vietcombank chính là tinh thần sẵn sàng vì mỗi khách hàng như việc chẳng nề hà gì nhận gửi số tiền nhỏ bé hay kiên trì hướng dẫn mở tài khoản cá nhân cho một khách hàng khiếm thính.

Quay trở lại câu chuyện trên đây của Bác, mỗi cán bộ ngân hàng ngày đó và chúng ta bây giờ đọc lại, ai cũng giật mình và không hiểu lý do vì sao Bác lại hỏi như vậy. Và đến khi biết được ý nghĩa của câu trả lời thì chắc chắn, sẽ có ai đó trong chúng ta phải giật mình bởi vì sao lại có đôi lúc “vô tâm” trong công việc hàng ngày của mình, không hiểu được hết ý nghĩa công việc và chuyên tâm vì nó. Có lẽ bài học đầu tiên với mỗi cán bộ ngân hàng nói chung và cán bộ Vietcombank nói riêng, bài học trong xây dựng Đảng bộ ngân hàng vững mạnh hay các tập thể lao động tiên tiến chính là bài học tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho chúng ta từ những ngày đầu xây dựng ngành Ngân hàng: “Ngân hàng Nhà nước là phục vụ nhân dân và vì nhân dân”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ câu chuyện “Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng viên, Đoàn viên Công đoàn Vietcombank hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO