(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tham vọng khởi nghiệp tại Úc tăng vọt, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) mới trong năm 2020 tăng 73% so với năm 2019; Mức độ số hóa của các doanh nghiệp nhỏ tăng gấp ba lần so với trước đại dịch; DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương vững vàng hơn trước những đợt phong tỏa kéo dài.
Đó là một trong những thông tin được Mastercard công bố trong báo cáo mới nhất mang tên Báo cáo Phục hồi: Tái khởi động doanh nghiệp nhỏ (Recovery Insights: Small Business Reset).
Dựa trên phân tích tại 19 thị trường trên khắp thế giới bao gồm Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan, báo cáo chỉ ra rằng doanh số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị các công ty lớn bỏ xa đến 20% trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, năm 2021 ghi nhận xu hướng gia tăng về doanh số của các doanh nghiệp này. Từ đầu năm đến tháng 8/2021, tổng doanh số của các DNNVV tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020, và doanh số thương mại điện tử tăng 31,4% trên toàn cầu.
Ông David Mann, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi, Viện Kinh tế Mastercard nhận định: “Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, song ngay từ đầu, tình trạng phụ thuộc vào hỗ trợ của chính phủ và việc thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã khiến các DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp phải những khó khăn lớn hơn nhiều. Trước những hạn chế đi lại và chiến lược “không COVID”, thương mại điện tử đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh giúp cho các tổ chức vượt qua đại dịch. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang kỹ thuật số đã mở đường cho thế hệ những nhà khởi nghiệp tiếp theo. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của những nhân tố mới đang nắm bắt cơ hội trong bối cảnh gián đoạn”.
Dựa trên Chỉ số hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ (Small Business Performance Index*) mới của Viện Kinh tế Mastercard về hoạt động bán hàng tổng hợp và ẩn danh trong mạng lưới Mastercard, báo cáo Báo cáo Phục hồi: Tái khởi động doanh nghiệp nhỏ đã chỉ ra một số xu hướng chủ đạo:
|
Đóng cửa: Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, so với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa sớm trong đại dịch có khả năng duy trì đóng cửa dài hạn cao gấp đôi. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp này có khả năng chống chịu trước khủng hoảng cao hơn những khu vực khác trên thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, các đơn vị bán lẻ nhỏ có khả năng tiếp tục đóng cửa cao gấp ba lần so với các đơn vị bán lẻ lớn sau 6 tháng. Trong số các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa vào tháng 4 năm 2020, 1/3 vẫn đóng cửa sau 6 tháng, và khoảng 1/5 vẫn tiếp tục tình trạng này sau 12 tháng.
Thương mại điện tử: Sau các đợt phong tỏa, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức trực tuyến mỗi tháng tăng gấp ba lần so với mức trước đại dịch, đỉnh điểm là vào tháng 7 năm 2020. Điều này phản ánh sự gia tăng về nhu cầu đối với các kênh bán hàng trực tuyến. Sự chuyển dịch sang hình thức kinh doanh số đã duy trì đà tăng kể từ đó đến nay. Tại Úc, số người bán chấp nhận giao dịch thương mại điện tử vào năm 2020 lần đầu tăng 60% so với năm trước đó.
|
Khởi nghiệp: Năm 2020, có thêm khoảng 35% DN mới hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với năm 2019, tăng nhẹ so với mức trung bình toàn cầu 32% của DNNVV, và hơn 8 lần so với mức 4% của các doanh nghiệp lớn. Xu hướng này được thể hiện rõ nét nhất tại Úc (+ 73%), Nhật Bản (+38%) và Thái Lan (+29%).
Vị trí: Do phạm vi di chuyển của khách du lịch và người lao động thu hẹp, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp nhỏ tại các quận thương mại đang bị ảnh hưởng, trong khi doanh số bán hàng trong các khu dân cư lại gia tăng. Chi tiêu bên ngoài khu vực quận kinh doanh của Singapore đã vượt qua mức trước đại dịch, khi các DNNVV và doanh nghiệp lớn ghi nhận mức chi tiêu lần lượt là 107% và 104% so với năm 2019. Tại Sydney, chi tiêu cho bán lẻ giảm khoảng 14% trong khu vực quận kinh doanh trung tâm, song lại ghi nhận mức tăng 24% ở khu vực ngoại ô.
Nhà hàng và Nơi lưu trú: Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ lẻ tăng trưởng vượt bậc so với các doanh nghiệp lớn từ năm 2020 đến năm 2021. Xu hướng du lịch tại địa phương đang đem lại lợi nhuận cho các công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ lẻ (và gây ảnh hưởng đến những khách sạn lớn tại các thành phố lớn). Trái lại, kể từ đầu năm 2021 đến nay, các nhà hàng kinh doanh vừa và nhỏ trên phạm vi toàn cầu lại bị các đối thủ lớn bỏ xa khoảng 17%. Một ngoại lệ đáng chú ý là Hồng Kông, nơi các DN kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ và vừa vượt lên so với các doanh nghiệp lớn trong năm 2021.