Thứ Bảy, 29/3/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã được đầu tư cho người nghèo và đối tượng chính sách có vốn để sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại huyện miền núi, biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Đồng vốn nhân văn đến tận tay người thụ hưởng
Những ngày đầu năm 2025, chúng tôi tới thăm gia đình chị Y Pêng, người dân tộc Giẻ Triêng ở thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei. Trong ngôi nhà vừa được xây dựng từ thành quả của nguồn vốn TDCS, chị không ngớt lời cảm ơn: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi không có được cuộc sống như hôm nay”.
Gia đình chị Y Pêng thuộc diện hộ nghèo nhất thôn, 2 con đang độ tuổi ăn học, vợ chồng phải làm thuê, làm mướn nên cuộc sống cứ bấp bênh, hụt trước thiếu sau. Năm 2012, chị vay 15 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Sau một thời gian đàn bò phát triển tốt.
Năm 2015 chị vay thêm 50 triệu đồng đầu tư trồng Bời lời và Thông ba lá. Số tiền thu nhập từ chăn nuôi bò và trồng các loại cây, chị đã trả nợ đều theo phân kỳ cho ngân hàng. Năm 2017 gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện nay chị có 5 con bò, 2ha Bời lời, 1,5ha cây Thông đang phát triển tốt. Gia đình xây được căn nhà khang trang, kiên cố.
Còn bà Y Bia ở thôn Làng Mới, xã vùng sâu Mường Hoong cho biết, là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn vừa là Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn của thôn. Hơn 10 năm qua, tổ của bà có 56 tổ viên với dư nợ 3,397 tỷ đồng, không có nợ quá hạn, 100% tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Ông A Nang là thành viên trong tổ bày tỏ: “Năm 2018 gia đình rất khó khăn, tôi đã làm đơn xin vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê, sau mấy năm thu hoạch đã trả hết nợ và mua thêm 2 con bò giống. Năm 2022 tôi vay thêm 50 triệu đồng đầu tư trồng 2.000 cây sâm Ngọc Linh hiện phát triển tốt và 4 con bò, 1ha cà phê. Thu nhập ngày càng tăng, đời sống của gia đình ổn định, khá hơn ngày trước rất nhiều. Gia đình biết ơn Đảng và Nhà nước”.
Trao đổi về hiệu quả từ nguồn vốn TDCS, bà Dương Thị Hoa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đăk Glei cho biết, điểm nổi bật sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40) ở vùng cao Đăk Glei là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng, trở thành “trợ lực” quan trọng, trụ cột giảm nghèo, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ đồng vốn nhân văn.
Tính đến tháng 3/2025, tổng dư nợ đạt trên 538 tỷ đồng. Vốn TDCS đã giúp cho 8.753 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho 1.792 lao động, 58 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng trên 5.800 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; trên 1.588 ngôi nhà; mua trên 2.400 con trâu, bò; trồng trên 3.400ha cà phê, 2.500ha cao su, trên 350ha sâm dây, gần 180.000 cây sâm Ngọc Linh, góp phần giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn TDCS nên mỗi năm ở Đăk Glei có hàng trăm hộ nghèo vay vốn làm ăn hiệu quả đã thoát nghèo. Với kết quả đó, TDCS đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 6%; góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Cả hệ thống chính trị chung tay
Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS. Ông Huỳnh Ngọc Ly, Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong tâm sự: “Chính quyền xã luôn chủ động trong công tác chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để triển khai cho vay các chương trình TDCS. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục, hồ sơ, giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả”.
Chủ tịch UBND xã Đắk Choong A Tương cho hay: “Toàn xã có 6 thôn, làng, với 1.090 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94%. Đến nay, tổng dư nợ TDCS tại xã đạt 42,6 tỷ đồng với 710 khách hàng, dư nợ bình quân 60 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn TDCS đã đến với 100% các thôn, làng”.
Ông Đỗ Sum, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chia sẻ, Đăk Glei có gần 87% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, TDCS được coi là “trụ cột” quan trọng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống mới. Những năm qua, NHCSXH huyện đã chủ động, tích cực thực hiện, triển khai các phương án thích ứng linh hoạt, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong điều kiện còn khó khăn nhưng với quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hằng năm, chính quyền đã dành một phần ngân sách, ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Đăk Glei đã chuyển 11,4 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay, đây là nguồn động viên rất lớn; nhờ đó đối tượng được vay vốn nhiều hơn, mức đầu tư lớn hơn, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể khẳng định, hoạt động TDCS ở Đăk Glei luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, giúp NHCSXH huyện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hằng năm. Do đó trong nhiều năm qua, huyện luôn có tỉ lệ nợ quá hạn thấp, chất lượng tín dụng cao. Nhất là đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, tận tụy thực hiện nhiệm vụ với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Bà Dương Thị Hoa cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác giải ngân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây là minh chứng khẳng định chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Chính phủ.