Mặc dù là tỉnh có quy mô công nghiệp phát triển đứng thứ 4 cả nước nhưng Đồng Nai là một trong những địa phương vẫn ưu tiên nguồn vốn tín dụng ngân hàng rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển. Dòng chảy tín dụng ngân hàng trên địa bàn đa số được nông dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, mua các máy móc thiết bị nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, giảm công lao động. Qua đó góp phần đưa Đồng Nai trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về số xã nông thôn mới nâng cao.
Cho vay nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực cho vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các lĩnh vực ưu tiên bên cạnh cho vay xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa... mà hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quan tâm thúc đẩy dòng chảy tín dụng ngân hàng phát triển kinh tế địa phương.
Ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai chia sẻ, đến cuối tháng 3/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 30,6% so với tổng dư nợ cho vay.
Từ dòng chảy tín dụng ngân hàng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2023 đạt gần 48,9 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với năm 2022, đóng góp hơn 9,6% giá trị trong tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh. Hiện nay, Đồng Nai có 105/120 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 27/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 220 sản phẩm OCOP của 120 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên. Đồng Nai hiện đứng thứ 2 cả nước về số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý, giữ vai trò nòng cốt của hệ thống ngân hàng trên địa bàn là Agribank chi nhánh tỉnh Đồng Nai không ngừng mở rộng quy mô gồm 8 chi nhánh, 12 phòng giao dịch và 1 điểm giao dịch lưu động trên phạm vi toàn tỉnh.
Ông Võ Việt Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay Agribank chi nhánh Đồng Nai có tổng nguồn vốn huy động đạt gần 21 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt gần 18 nghìn tỷ đồng.
Agibank chi nhánh Đồng Nai luôn tiên phong triển khai có hiệu quả các chương trình chính sách tín dụng với sứ mệnh phục vụ phát triển tam nông trên địa bàn, góp phần không nhỏ vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện xóa đói giảm nghèo, phổ cập dịch vụ tài chính đến vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh - tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điển hình, Agribank Đồng Nai đã cho nông dân Nguyễn Thanh Phương, ngụ ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch vay vốn để mạnh dạn tiên phong đưa giống bưởi da xanh ruột hồng về trồng tại vùng đất Phú Hội. Hướng đi “không đụng hàng” này đã mang lại cho ông Phương nhiều trái ngọt.
Với mô hình trồng 200 gốc bưởi da xanh ruột hồng trong khu vườn rộng khoảng 2.500m2. Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật tiến bộ vào khâu trồng, chăm sóc đã giúp vườn bưởi hơn 6 năm tuổi của gia đình ông Phương phát triển tươi tốt và cho ra trái quanh năm.
Ông Phương chia sẻ: “Nhờ đồng vốn vay của ngân hàng nên mạnh dạn trồng bưởi của gia đình đã mang lại nhiều hiệu quả. Trái bưởi to, thơm, ngon ngọt là nhờ vào một phần kinh nghiệm chăm sóc của nhà vườn nhưng điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng đã góp phần rất quan trọng vào chất lượng trái”.
Ngoài ra, Agibank chi nhánh Đồng Nai luôn chú trọng số hóa, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của khách hàng, đồng thời quan tâm đến công tác an sinh xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh, hướng tới cộng đồng ở địa phương…
Được biết, trong thời gian tới, mô hình phát triển của tỉnh Đồng Nai sẽ gồm 5 trụ cột: trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành phố sân bay - trung tâm hội nhập quốc tế; chuỗi đô thị dịch vụ ven núi, ven sông, ven hồ đẳng cấp; nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững và phát triển chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó, tỉnh sẽ đầu tư thực hiện trọng tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại tại hành lang phía Tây Nam như Long Thành và Nhơn Trạch với việc thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành và khu công nghệ cao với các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp đa dạng. Ngoài ra, còn có các trung tâm thử nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nghề chất lượng cao cũng như vườn ươm khởi nghiệp…
Đối với Đồng Nai, yếu tố xanh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là một trong những yêu cầu tiên quyết. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu chung của tỉnh, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ các nước trên thế giới đối với hàng hóa.
Còn đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Tạ Thanh Long cho biết, hệ thống ngân hàng trên địa bàn xác định vai trò, lợi thế trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, ngày càng mở rộng các dịch vụ ngân hàng số, phát triển tín dụng xanh. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, địa phương.