Hiệu quả chương trình tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Trần Trọng Triết| 23/03/2022 13:17
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Thời gian qua, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đạt được những thành tựu vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước. Đồng hành cùng thành tựu đó có vai trò “huyết mạch” của nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn, bền bỉ đến với các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông trong khu vực.

Ðể hỗ trợ cho khu vực kinh tế vùng phát triển, hệ thống ngân hàng của 12 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; chương trình, chính sách trọng điểm một số ngành, lĩnh vực; mở rộng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng hiệu quả ở vùng nông thôn, vùng khó khăn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng “đen”, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN, trong đó chú trọng đến công tác tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, triển khai các chính sách tín dụng, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, hệ thống ngân hàng của12 tỉnh trong vùng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cũng như mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng đang có dư nợ tín dụng, đồng thời hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục kinh tế.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động thống kế, rà soát khách hàng có dư nợ vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, làm việc trực tiếp với từng khách hàng là doanh nghiệp theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp” để chủ động, kịp thời thực hiện các chính sách, giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; cân đối khả năng tài chính, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, tận dụng mọi nguồn lực, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay hợp lý đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ tín dụng, thanh toán không dùng tiền mặt, miễn/giảm phí.... Cùng với đó, các TCTD linh hoạt trong xử lý chứng từ giao dịch, hỗ trợ khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa như không bắt buộc khách đến ngân hàng thực hiện các nghĩa vụ đến hạn về trả nợ, lãi vay, vận động, khuyến khích khách hàng tiền gửi đến hạn rút gốc, lãi tái tục thêm kỳ hạn gửi tiền hoặc thanh toán tiền gửi qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại công văn số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 về việc đảm bảo vốn tín dụng phục vụ mua, tạm trữ thóc gạo tại khu vực ĐBSCL, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa gạo tại khu vực ĐBSCL, hệ thống ngân hàng 12 tỉnh trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn, bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để thu mua, tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến, không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng thóc, gạo do thiếu vốn, đồng thời tích cực triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tính đến ngày 31/12/2021, mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn 12 tỉnh vùng ĐBSCL có 1.597 điểm giao dịch trong đó: 318 chi nhánh cấp 1; 137 chi nhánh huyện thuộc tỉnh; 983 phòng giao dịch; 149 quỹ tín dụng nhân dân và 11 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô.

Thực hiện huy động vốn đạt 568.649 tỷ đồng, tăng 6,41% so với cuối năm 2020. 12/12 tỉnh hệ thống ngân hàng trên địa bàn đều tăng trưởng dương (trong đó hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ tăng cao là tỉnh Kiên Giang 10,8% và tỉnh Long An 9,0%).

Nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn 12 tỉnh vùng ĐBSCL luôn đồng hành, nỗ lực triển khai chính sách, chương trình cho vay tín dụng phục vụ phát triển tiềm năng kinh tế địa phương, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp nông thôn. Các tổ chức tín dụng luôn chủ động nguồn vốn, tích cực tiếp cận và đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn hợp lý của khách hàng, luôn được duy trì thông suốt, không bị gián đoạn trong việc cung cấp tín dụng, dịch vụ. Tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn chung. Đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng toàn địa bàn đạt 717.635 tỷ đồng, tăng 12,26% so với cuối năm 2020, có 12/12 tỉnh hệ thống ngân hàng trên địa bàn đều có dư nợ tăng (trong đó hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng cao nhất là tỉnh Long An 16,62%; tỉnh Cà Mau 16,08%), tỉnh tăng thấp nhất là Sóc Trăng 4,82%; dư nợ trung, dài hạn chiếm 36,53%/tổng dư nợ.

Hệ thống ngân hàng toàn địa bàn tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển doanh nghiệp, các công trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, tạo đà phục hồi nhanh kinh tế toàn vùng. Dư nợ cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 59,39% (tương ứng là 426.213 tỷ đồng) so với dư nợ toàn địa bàn (tỉnh Bạc Liêu 72,89%, tỉnh Bến Tre 71,20%, tỉnh Hậu Giang 66,63%...). Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn, chỉ chiếm 1,25% tổng dư nợ toàn địa bàn, trong đó có 4/12 tỉnh có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Long An 0,49%; Đồng Tháp 0,57%; An Giang 0,96%; Bến Tre 0,98%.

Thời gian tới, hệ thống ngân hàng trên địa bàn 12 tỉnh ĐBSCL sẽ tiếp tục chung sức đồng hành nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển chung của vùng đã đề ra bằng quyết tâm, tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Gắn nhiệm vụ kinh doanh với chủ trương phát triển của vùng ĐBSCL, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL; các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã. Ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị, xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng ĐBSCL.../.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chương trình tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO