Với lợi thế tự nhiên vừa có đồng bằng, núi và biên giới giáp với vương quốc Campuchia và sự hỗ trợ từ những chính sách đặc thù, An Giang đã và đang vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Vốn tín dụng ngân hàng tạo động lực tăng trưởng
Năm qua, ngành Ngân hàng An Giang đã bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thực hiện nhiệm vụ hoạt động ngân hàng trong năm 2024; NHNN chi nhánh An Giang đã triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời, có hiệu quả chính sách tiền tệ và các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của NHNN năm 2024 phù hợp với tình hình địa phương và diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cả nước, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng.
Kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2024 đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, gồm: Tổng số dư huy động vốn đến cuối năm 2024 đạt 74.414 tỷ đồng, tăng 7,29% so cuối năm 2023. Cho vay nền kinh tế với dư nợ tín dụng đến cuối năm 2024 đạt 126.026 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2023 đã góp phần tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt 7,16% (giá trị hiện hành là 126.771 tỷ đồng).
Trên thực tế, “dòng chảy” vốn tín dụng đã hỗ trợ nền kinh tế An Giang đẩy mạnh tăng trưởng ngành lĩnh vực kinh tế có thế mạnh, nhờ đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn giữ vững trên 7% so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Dòng chảy” vốn tín dụng đầu tư cho vay vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng của tỉnh, gồm: dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 76.679 tỷ đồng, tăng 8,73% so với cuối năm 2023, chiếm 63,9% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua chế biến xuất khẩu lúa gạo đạt 19.521 tỷ đồng, tăng 17,42% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.759 tỷ đồng, tăng 12,24% so với cuối năm 2023.
Về cho vay ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ): đạt khoảng 16,43 tỷ đồng, tăng 15,04% so với năm 2023. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.113 tỷ đồng, tăng 12,37% so với năm 2023.
Bên cạnh là dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đến cuối tháng 12/2024 là dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 2,03 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 17 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 93.551 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ với tổng dư nợ là 23,09 tỷ đồng, với tổng số hộ vay là 211 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 93,551 tỷ đồng.
Cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Đến nay, dư nợ cho vay là 178,35 tỷ đồng với 409 khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay dự án tòa nhà T3, T4 thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á là 73,86 tỷ đồng với 291 khách hàng; dư nợ cho vay Tòa nhà N.H.O thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tổ chức nhà Quốc gia tại An Giang là 104,49 tỷ đồng với 116 khách hàng.
Cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ tại dự án tòa nhà T3, T4 thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á với tổng dư nợ là 2,0 tỷ đồng, cho 08 hộ vay. Cho vay theo Chương trình tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói 60.000 tỷ đồng) đạt 893,61 tỷ đồng, lãi suất giao động từ 5% - 8,9%/năm với 20 doanh nghiệp, 74 hộ cá nhân. Cho vay theo Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490 của Chính phủ với hạn mức tín dụng với hạn mức tín dụng là 700 triệu đồng, dư nợ hiện tại 301,54 triệu đồng cho 1 hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho 34 doanh nghiệp và 267 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.624,95 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 102,99 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được của “dòng chảy” vốn tín dụng ngân hàng góp phần tăng trưởng qua từng lĩnh vực tỉnh đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP; hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (thủy sản, trái cây, rau màu, lúa, nếp) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.
Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,67%, đạt kế hoạch năm 2024. Năm 2024, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được 1.117 ha mô hình. Toàn tỉnh đã có 165 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, 2 sản phẩm OCOP 4 sao của An Giang được chọn là 2 trong số 23 sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành công nghiệp và xây dựng năm 2024 tăng 12,73%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,42% so với cùng kỳ. Khối lượng sản xuất một số sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 tăng so cùng kỳ; hạ tầng điện, năng lượng tái tạo được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành dịch vụ tăng 8,34%; tổng mức bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 225.631 tỷ đồng, tăng 15,45%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 1.220 triệu USD, tăng 3,48% so với năm 2023. Toàn tỉnh đón khoảng 9,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,06% so với cùng kỳ, trong đó có 25.000 lượt khách quốc tế, tăng 13,64% so cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong năm 2024 đạt 10.250 tỷ đồng, tăng 73,73% so với cùng kỳ. Tỉnh đã tập trung kích cầu du lịch nội địa, đẩy mạnh xúc tiến đối với các thị trường khách du lịch quốc tế, nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn khách quốc tế của An Giang, hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần đưa du lịch của tỉnh tăng trưởng trở lại. Các sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng hóa và nâng cao về chất lượng.
Định hướng phát triển bền vững
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bước sang kỉ nguyên mới – kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Cả hệ thống chính trị toàn tỉnh đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025.
Đáng chú ý, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương và chính quyền địa phương để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:
Thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2024 và 2025 trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh;
Nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo Thống đốc NHNN, đề xuất tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn;
Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, giám sát và kiểm tra các TCTD trên địa bàn trong việc thực hiện và tuân thủ các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng;
Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng;
Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Theo dõi việc triển khai thực hiện các phương án cơ cấu và xử lý nợ xấu của các Quỹ Tín dụng nhân dân giai đoạn 2022 - 2025; giám sát việc triển khai thực hiện thu hồi nợ xấu của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn;
Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương; thực hiện hiệu quả Kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh;
Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt công tác an toàn kho quỹ; ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác an toàn kho quỹ tại các TCTD năm 2025; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn tài sản cơ quan; đảm bảo an toàn hoạt động máy ATM, POS;
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp xúc cử tri; phối hợp các sở, ban, ngành nắm bắt và giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng;
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân dễ dàng tiếp cận; về các giải pháp tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Có thể nói, tỉnh An Giang đang từng bước vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Với chiến lược phát triển bài bản, sự hỗ trợ từ chính sách và quyết tâm của chính quyền, người dân lẫn doanh nghiệp, tỉnh có đủ điều kiện để tạo nên những đột phá mới, nỗ lực để tỉnh không chỉ là miền đất của những giá trị khác biệt mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cả nước.