Hoạt động ngân hàng

Hiệu quả tín dụng chính sách chung tay giảm nghèo bền vững ở An Giang

ThS. Trần Trọng Triết 10/04/2024 - 15:21

Một trong những hình thức hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, chung tay vươn lên thoát nghèo bền vững ở An Giang là nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng với nguồn lực tài chính khác của các tổ chức trên địa bàn tỉnh.

z5333768924800_869d02d96a1bb24730184657491923e4.jpg
Hiệu quả tín dụng chính sách chung tay giảm nghèo bền vững ở An Giang

Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền tỉnh An Giang.

Thời gian qua, An Giang đã có nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, trong đó đặc biệt phải kể đến là nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 156 điểm giao dịch xã của NHCSXH tại 156 xã, phường, thị trấn và 3.138 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tại điểm giao dịch xã được trang bị đầy đủ, các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng được công khai đầy đủ và cập nhật kịp thời.

Ông Trần Thế Loan, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, ngân hàng đang thực hiện cho vay 21 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 5.189,6 tỷ đồng, với 151.071 khách hàng còn dư nợ, tăng 200 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng 4%. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương đạt 4.853 tỷ đồng, tăng 148 tỷ đồng, dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 336,6 tỷ đồng, tăng 51,5 tỷ đồng.

Bình quân 1 hộ có dư nợ 34,6 triệu đồng, tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2023; dư nợ bình quân 1 Tổ tiết kiệm và vay vốn là 1.654 triệu đồng, tăng 67 triệu đồng so với năm 2023; dư nợ bình quân 1 xã là 33.267 triệu đồng/xã, tăng 1.281 triệu đồng so với năm 2023.

Được biết, đến cuối quý I/2024, ngân hàng có tổng nguồn vốn đạt 5.200,7 tỷ đồng, tăng 203,8 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 4,08%. Trong đó: vốn cân đối từ Trung ương 4.244,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 81,61%); vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất là 610,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,74%/tổng nguồn vốn, tăng 12,9 tỷ đồng so với năm 2023.

Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 345,9 tỷ đồng; tăng 46,5 tỷ đồng đạt 155% kế hoạch giao năm 2023 và chiếm 6,65% tổng nguồn vốn.

Đáng chú ý, NHCSXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Qua đó, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội…

Đối với dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, năm 2023, đã phê duyệt 77 mô hình giảm nghèo với kinh phí phê duyệt 52,67 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30,556 tỷ đồng, vốn dân đối ứng 22,11 tỷ đồng cho 1.258 hộ tham gia và giải ngân được 29,49 tỷ đồng, đạt 62,56%/tổng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện năm 2023.

Đỉển hình hộ của ông Chau Kên, ngụ ấp An Thạnh, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn là một trong những hộ vừa thoát nghèo năm nay. Trước đây, cả gia đình ông Chau Kên sống bằng nghề làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Địa phương đã ưu tiên chọn để ông được trao 1 con bò trong đợt hỗ trợ các hộ nghèo của huyện và được NHCSXH huyện cho vay vốn 20 triệu đồng. Sau thời gian nuôi, bò đẻ thêm 1 con nhỏ, đang phát triển khỏe mạnh.

Gia đình ông Chau Kên còn tự mua thêm 1 con bò để tăng số lượng nuôi vỗ béo. Với những hộ có ý chí, quyết tâm và chăm chỉ như gia đình ông Chau Kên, địa phương càng nhiệt tình quan tâm, từng bước hỗ trợ họ vươn lên khấm khá. Cuối năm 2023, toàn xã có 59 hộ thoát nghèo, trong đó 43 hộ thoát hẳn diện nghèo.

Đối với dự án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo”, thực hiện từ năm 2023, với kinh phí phân bổ 21,27 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 19,34 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1,93 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho 493 hộ nghèo và cận nghèo (cất mới 474 căn, sửa chữa 19 căn). Đã triển khai xây dựng 493 căn nhà, với kinh phí đã giải ngân 21,27 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn.

Đối với dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, năm 2023, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động được trên 284 tỷ đồng.

Qua đó, đã triển khai cất mới 2.065 căn nhà; sửa chữa 164 căn nhà; thăm hỏi, tặng quà 368.823 lượt hộ nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất 61.652 trường hợp... và các chương trình an sinh xã hội với kinh phí thực hiện trên 282 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 tác động tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo... nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt; nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 của tỉnh còn 2,07%, thấp hơn bình quân của cả nước (2,93%).

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, ông Trần Thế Loan cho biết, NHCSXH tỉnh tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 được giao; đặc biệt rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu để giải ngân kịp thời khi được trung ương giao vốn; thực hiện kế hoạch giảm số hộ, nâng mức cho vay các chương trình, đảm bảo đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ; rà soát thông báo khách hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm tổ viên lớn chuyển khoản trả nợ phân kỳ.

Phối hợp rà soát, phê duyệt đối tượng cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát của NHCSXH tỉnh, huyện, tổ chức chính trị xã hội, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp;

Tập trung hoàn thiện, trình trung ương hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro đợt 1 năm 2024; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro theo quy định.

Chủ động thường xuyên rà soát, xử lý nợ đối với hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú theo văn bản 7399/HD-NHCS ngày 12/9/2023; phối hợp với công an thường xuyên rà soát, xác minh thông tin khách hàng theo văn bản 10475/NHCS-TDNN ngày 29/12/2023 của Tổng Giám đốc.

Tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cho vay; chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót. Nâng cao chất lượng công tác thu hồi nợ, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả tín dụng chính sách chung tay giảm nghèo bền vững ở An Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO