Đó là nhận định của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tại Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề: "Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững".
Phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa.
Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Thông tin về sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ứng dụng di động và các giải pháp thanh toán điện tử, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, an toàn. Hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 49,83% và 33,72%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59,09% và 37,97%, giao dịch qua QR Code tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển của người dân sang thanh toán không tiền mặt.
"An ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng, cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đến nay, đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo", ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được coi trọng.
Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành Ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể. Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
"Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết thêm, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất.
Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày. Kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank.
Nhận định, những lợi ích và xu hướng bắt buộc áp dụng AI trong ngành Ngân hàng đã thấy rõ, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Về chủ đề của Hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận, Hội thảo không chỉ đơn thuần là bàn luận về những xu hướng công nghệ mà còn là tìm kiếm những chiến lược phát triển bền vững cho ngành Ngân hàng.
"Chúng ta cần phải xem xét cách thức mà các ngân hàng có thể kết hợp giữa đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội, từ đó xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh, có khả năng thích ứng với những biến động của thị trường", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay một cá nhân nào mà là sự nỗ lực chung của toàn ngành.
"Chúng ta cần xây dựng một môi trường hợp tác, nơi mà các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển", TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý.
Nhìn nhận chuyển đổi số có nhiều yếu tố mới, phức tạp và thay đổi nhanh chóng cần phải liên tục tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, việc tổ chức Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững” là rất cần thiết và kịp thời.
"Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng các tổ chức tín dụng cùng thảo luận về quy định, yêu cầu pháp lý, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng nắm bắt thông tin trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ ngành ngân hàng chuyển đổi số thành công và bền vững", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng hy vọng thông qua Hội thảo - Triển lãm, các chuyên gia, các nhà khoa học và các lãnh đạo trong ngành Ngân hàng cùng tập trung thảo luận rõ 3 vấn đề gồm:
Một là, thảo luận, đánh giá một số kết quả chuyển đổi số chính của ngành Ngân hàng đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách hướng tới hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện cho chuyển đổi số nhanh và bền vững.
Hai là, thảo luận, đề xuất các giải pháp công nghệ hiện đại, chia sẻ các mô hình hay và các cách làm đổi mới sáng tạo; Chia sẻ các giải pháp trao đổi thông tin, thu thập số liệu, phân loại, làm sạch dữ liệu, xây dựng và phân tích cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững.
Ba là, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng các nước trên thế giới về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng.
Khẳng định thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo cao cấp trong ngành ngân hàng với các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.