Vấn đề - Nhận định

Lãnh đạo ngân hàng đề xuất nhiều giải pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Minh Đức 15/03/2024 10:26

Tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô" được Chính phủ tổ chức ngày 14/3, lãnh đạo các ngân hàng Agribank, BIDV, HDBank, VPBank đã đề xuất đến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành nhiều giải pháp cụ thể, góp phần tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Triển khai quyết liệt giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng

agribank.jpg
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank)

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt trong chỉ đạo để tăng trưởng tín dụng. Có lẽ chưa bao giờ trong quý I, ngoài Chỉ thị 01, thì Ngân hàng Nhà nước còn tổ chức rất là nhiều cuộc gặp gỡ làm việc với một số tỉnh và các hiệp hội cũng như có rất nhiều văn bản chỉ đạo về tăng trưởng tín dụng.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như là Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã triển khai giảm lãi suất cho vay, tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai các cơ chế ưu tiên thúc đẩy trong nội bộ ngân hàng; quyết tâm, quyết liệt khuyến khích và tạo động lực cho các chi nhánh trong toàn bộ hệ thống nhằm tăng trưởng tín dụng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024.

Agribank cũng đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Hiện đã phê duyệt được 8 dự án với 2.470 tỷ đồng và dư nợ thực tế đến nay là 420 tỷ đồng. Hay với chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm thủy sản, năm 2023 đã triển khai 3.000 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng kéo dài chương trình tăng quy mô thêm 5.000 tỷ đồng nữa.

Ngoài ra, Agribank cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long....

Dù ngành Ngân hàng nói chung, Agribank nói riêng rất nỗ lực trong việc đẩy nhanh dòng vốn ra nền kinh tế, tuy nhiên, tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn có xu hướng giảm, đối với Agribank thì nó còn giảm hơn mức bình quân của cả hệ thống. Đây cũng là tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp khi khách hàng bán hàng phục vụ dịp Tết, có tiền trả nợ thậm chí còn gửi lại ngân hàng và chưa đến vụ gieo trồng mới chưa có nhu cầu vay vốn để mua giống phân bón thuốc bảo vệ thực vật,…

Ngoài ra, tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm còn có nguyên nhân từ sức cầu yếu cả trong nước và ngoài nước, người dân thận trọng chi tiêu hơn cũng ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tín dụng không có cơ hội để tăng trưởng nhanh. Mặt khác, đâu đó còn những nguyên nhân chủ quan như thủ tục cho vay thiếu cởi mở, mạnh dạn hoặc là yêu cầu về tài sản đảm bảo nhưng đó có lẽ không phải là nguyên nhân trọng yếu.

Thực tế trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại là cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ các ngân hàng khác. Vì vậy, dẫn tới khả năng doanh nghiệp dịch chuyển từ vay ngân hàng này sang vay ngân hàng khác hoặc là đảo nợ cũ thành nợ mới để có lãi suất thấp hơn, điều này cũng dẫn đến thực tế là tăng trưởng tín dụng cũng chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó cũng không loại trừ có những trường hợp cho vay còn thấp hơn lãi suất huy động và có khả năng doanh nghiệp không đưa vào sản xuất kinh doanh mà còn gửi vào ngân hàng khác đang huy động vốn. Điều này có thể diễn ra trong thực tế và mặc dù kinh tế vĩ mô trong hai tháng vừa qua có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên với tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, phức tạp và khó đoán định hiện nay thì trong những tháng tới khó khăn trong xuất khẩu vẫn chưa thể cải thiện nhiều.

Do vậy, để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giải pháp căn bản nhất vẫn là giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư công; chính sách tài khóa; pháp lý liên quan đến bất động sản và các thủ tục đầu tư xây dựng; vấn đề trách nhiệm và đạo đức công vụ;... góp phần tạo động lực cho sản xuất kinh doanh, qua đó, kỳ vọng vào thu nhập của người dân tăng lên sẽ làm giảm tâm lý phòng thủ, kích thích tiêu dùng, từ đó cầu tín dụng mới có khả năng tăng lên.

Cũng cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình để xử lý, từ đó đưa ra các giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh những bất cập làm tăng cơ hội giải ngân cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần sớm có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hóa.

Agribank cam kết với Thủ tướng cùng với hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tiên phong gương mẫu để thực thi chính sách chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước tích cực chia sẻ hỗ trợ khó khăn với doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế...

Chính phủ nỗ lực hoàn thiện thể chế, doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm thị trường

bidv.jpg
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV)

Trong hơn 70 ngày qua, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của người dân và các doanh nghiệp cho ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ của BIDV có sụt giảm so với cuối năm 2023 (khoảng 1%), nhưng vẫn tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Về các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, BIVD thực hiện nghiêm túc và có kết quả tích cực. Vốn tín dụng của BIDV tập trung cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng, thực hiện chương trình 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng nông lâm thủy sản 15.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, BIDV tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tham gia tích cực thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, kéo giảm lãi suất.

Với những giải pháp được triển khai, BIDV tự tin rằng sẽ hoàn thành kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao là tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%.

Việc tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm sụt giảm 0,72% so với cuối năm 2023 không quá quan ngại vì phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%. Bởi, nhìn từ quan hệ cung – cầu tín dụng và các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam 15% trong năm nay hoàn thành có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế (hướng dẫn thực hiện các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng...) vừa được Quốc hội thông qua; hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường (như hàng hóa, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; lao động, bất động sản,…). Đây chính là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; tín dụng ngân hàng,…).

BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, giảm và hoàn thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính và tăng cường đào tạo quản trị doanh nghiệp, liên kết thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính,…) nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.

Với cộng đồng doanh nghiệp, BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; đặc biệt cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.

Cần sớm khôi phục niềm tin thị trường trái phiếu; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để "khoan sức dân"

hdbank.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân Hàng Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank)

Năm 2024, ngành Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kinh tế phát triển. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời cấp chỉ tiêu tín dụng ngay từ những ngày đầu năm 2024.

Tuy vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng 2 tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và người dân còn khó khăn.

Trong những tháng đầu năm 2024, HDBank luôn bám sát và triển khai kịp thời các chương trình cho vay theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống doanh nghiệp và người dân cùng vươn lên tiếp tục khôi phục kinh tế - xã hội, điển hình như định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho gói 5.000 tỷ đồng tập trung giải ngân cho hoạt động thu mua lúa gạo khi Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, theo Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vừa qua.

HDBank cũng tiếp tục triển khai gói 2.000 tỷ đồng cùng các giải pháp hỗ trợ các cửa hàng đầu tư hệ thống xuất hóa đơn điện tử theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng trong tháng 3 này. Ngoài ra, HDBank cũng tích cực giải ngân tín dụng cho các ngành, lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 5.000 tỷ đồng); xây dựng (hơn 4.000 tỷ đồng); vận tải kho bãi (hơn 5.000 tỷ đồng); nông lâm nghiệp (gần 4.000 tỷ đồng); hoạt động làm thuê gia công, cho vay hộ gia đình (gần 12.000 tỷ đồng)….

Cùng đó, thời gian qua HDBank đã chủ động triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách lớn như trong thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước; triển khai các gói ưu đãi dành cho các chuỗi doanh nghiệp bán lẻ, chuỗi nông nghiệp nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp; tài trợ kích cầu tiêu dùng,…

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, HDBank kiến nghị:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với xem xét chính sách tài chính, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để "khoan sức dân", tăng khả năng tiêu dùng.

Thứ hai, kiến nghị Tổ công tác Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cùng ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy phép cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và từ đó hỗ trợ cho công tác giải ngân tín dụng.

Thứ ba, cần sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng để các doanh nghiệp, dự án có nguồn vốn dài hạn, bền vững.

Thứ tư, hỗ trợ khu vực cho vay nông nghiệp nông thôn, phụ nữ, khởi nghiệp, khu vực lao động phổ thông, nới lỏng các quy định về tài sản đảm bảo nguồn trả nợ.

Thứ năm, ngành Ngân hàng là nơi tập trung các hoạt động kinh tế tổng hợp, nên chăng, tất cả các ngành kinh tế khác nhau hãy cùng tập hợp với nhau dưới các tổ chức như hiệp hội, các hội nghị kết hợp giữa ngành ví dụ như: hàng không, du lịch, bất động sản, dịch vụ… Dưới định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.

Năm 2024, HDBank đang quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng mục tiêu; cam kết luôn tin tưởng, đi đầu hưởng ứng các chương trình của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tiếp tục tăng cường tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Cần có giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu

vpbank.jpg
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)

Về tăng trưởng, hiện nay có một mảng chúng ta chưa làm được nhiều, đó là kích cầu tiêu dùng nội địa. Do vậy, cần có hẳn chương trình của Chính phủ coi kích cầu tiêu dùng nội địa là vấn đề lớn.

Thực tế là chúng ta đang thừa tiền trong ngân hàng. Tiền trong ngân hàng mà thừa hàng chục nghìn tỷ là phí phạm. Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn, nhưng điều kiện nào để cho vay khi có những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có nhu cầu vay?

Chúng tôi có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp cho họ là 240 nghìn tỷ đồng, hiện nay tổng giải ngân hơn 60 nghìn tỷ đồng, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do. Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước cần có một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không thể đủ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xem tại sao một số chính sách đưa ra lại không hiệu quả, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được. Qua đó, rút kinh nghiệm để có một chương trình mới cho khách hàng, doanh nghiệp.

Về vấn đề lãi suất, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các doanh nghiệp đều muốn lãi suất giảm. Điều đó rất chính đáng nhưng để giảm còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia cũng phân tích lãi suất huy động giảm rất nhiều nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng là các thủ tục, chi phí liên quan làm kìm hãm khiến lãi suất khó giảm thêm được.

Đặc biệt, cần có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ xấu. Nợ xấu hay còn gọi là nợ không sinh lời là một lĩnh vực sẽ tồn tại mãi mãi của ngành Ngân hàng, của nền kinh tế. Lĩnh vực xử lý nợ xấu phải là một đối tượng được Nhà nước cực kỳ quan tâm, cần có một Bộ luật riêng để xử lý nợ xấu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo ngân hàng đề xuất nhiều giải pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO