Trong phần chất vấn của đại biểu Quốc hội về thương mại điện tử, cùng "chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã đưa ra câu trả lời về an ninh, bảo vệ dữ liệu cá nhân và thu thuế thương mại điện tử.
Thương mại điện tử sẽ là xu thế tất yếu và dần thay thế chợ truyền thống
Trả lời chất vấn, giải trình về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến thương mại điện tử sáng ngày 5/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống.
Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện nước ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan.
Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử…
"Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử.
Cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quản lý nhà nước thời gian qua đầu tư chưa nhiều cho phát triển các công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. Chúng ta phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Bộ trưởng cũng tâm đắc với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh về việc dùng công nghệ để quản lý công nghệ.
Về giải pháp quản lý không gian mạng, Bộ trưởng cho rằng, cần phổ biến thể chế số, công cụ số và con người số - tức là kỹ năng số cho người dân.
"Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số đang theo sau. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ hiện đại, có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường.
"Có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ và nhận định Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm này.
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: "Phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân, đặc biệt là các dữ liệu xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… Bởi một người khác có thể mạo danh để hoạt động và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết".
Nhận định thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, đi kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác, do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bảo vệ người dân là một trong những nội dung quan trọng. Để làm được điều đó, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân.
Thu thuế trên trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng
Với những câu hỏi chất vấn liên quan đến thu thuế trên sàn thương mại điện tử, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đã tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong công tác phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Theo đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư đạt 71,37%, với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử.
Trên môi trường điện tử, Bộ Tài chính tập trung thu thuế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế hỗ trợ thực hiện thu thuế trên trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.