Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Nhung - Hoàng Anh 10/07/2023 - 07:23

Bài viết có mục đích đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam. Sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp, nghiên cứu trong bài viết chỉ ra rằng cho tới nay, có rất ít đợt phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam và quy mô mỗi đợt phát hành là rất nhỏ.

Tóm tắt: Bài viết có mục đích đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam. Sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp, nghiên cứu chỉ ra rằng cho tới nay, có rất ít đợt phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam và quy mô mỗi đợt phát hành là rất nhỏ. Điều này xuất phát từ những khó khăn mà đơn vị phát hành và nhà đầu tư đang gặp phải như quy định về tiêu chuẩn xanh, quy trình giám sát và tuân thủ việc sử dụng vốn theo đúng cam kết (đúng mục đích và thời hạn). Tuy nhiên, trong thời gian tới trái phiếu xanh Việt Nam được coi là khá triển vọng khi nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp và đặc biệt là Việt Nam đã có tổ chức đầu tiên được trao quyền dán nhãn xanh cho trái phiếu là FiinGroup. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp như hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh, đồng thời nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và nhà đầu tư về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Từ khoá: trái phiếu xanh, phát triển bền vững, tài chính xanh, công cụ tài chính xanh

Green bonds development in Vietnam

Abstract: The article aims to evaluate current situation and propose some solutions to further develop green bonds in Vietnam. Using analysis and synthesis method, the study shows that so far, there are very few green bond issuances in Vietnam and the size of each issuance is quite small. This comes from the difficulties that issuers and investors are facing in terms of regulations on green standards, capital use monitoring and compliance process (i.e., right purpose and time duration as committed). However, in the coming time, green bonds in Vietnam are considered quite promising as this sector has received attention from the Government, businesses and especially Vietnam have had the first organization, FiinGroup to become Green Bond Approved Verifier. The study also proposes some solutions such as completing the legal framework on green bonds, and at the same time raising awareness of businesses and investors about sustainable development and environmental protection…

Keywords: green bonds, sustainable development, green finance, green financial instruments

1. Đặt vấn đề

Tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (zero carbon) vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng Việt Nam cần khoảng 21,2 tỷ USD cho 10 năm tới. Các dự án tăng trưởng bền vững thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và chứa đựng nhiều rủi ro nên khó thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn từ khu vực tư nhân. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển, các dự án xanh, trái phiếu xanh đã mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lược tái tạo ở nước ta (Vũ Thị Như Quỳnh, 2021). Từ năm 2016, Việt Nam đã có 2 trái phiếu chính quyền địa phương gắn mác xanh được phát hành tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó là một vài đợt phát hành quy mô khá nhỏ của các doanh nghiệp. Thực tế trên cho thấy, trái phiếu xanh chưa phải là kênh huy động vốn hiệu quả phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Xuất phát từ thực tế trên, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích cung cấp bức tranh toàn cảnh về các chính sách ưu tiên phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam, đánh giá thực trạng phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam trong đó nhấn mạnh các hạn chế và nguyên nhân, kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm một số nước rất thành công trong phát triển trái phiếu xanh là các nước Bắc Âu, Nhật Bản và Singapore, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

2. Khái quát về trái phiếu xanh

Hiện nay, còn có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm và phân loại nhãn xanh trong trái phiếu xanh. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức cá nhân đưa ra khái niệm dựa trên phân biệt với trái phiếu thông thường ở điểm nguồn thu từ trái phiếu xanh được cam kết sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án hoặc doanh nghiệp xanh (OECD, 2017). Hay trái phiếu xanh là chứng khoán có thu nhập cố định, nguồn thu từ phát hành trái phiếu xanh được sử dụng để tài trợ cho các dự án môi trường (IFC, 2016; ADB, 2019). Theo Bộ Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GBP) 2016, trái phiếu xanh được chia thành 4 loại, bao gồm: trái phiếu xanh có truy đòi, trái phiếu xanh miễn truy đòi, trái phiếu dự án xanh, trái phiếu xanh bảo đảm bằng tài sản xanh.

Trái phiếu xanh có tính năng tương tự như trái phiếu truyền thống - là chứng khoán có thu nhập cố định được sử dụng để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua thị trường vốn và nhà phát hành huy động một lượng vốn có thời hạn cố định từ các nhà đầu tư, trả tiền gốc khi đáo hạn và trả tiền lãi theo định kỳ trong thời gian huy động. Tuy nhiên, trái phiếu xanh có một số đặc điểm riêng, khác biệt với trái phiếu thông thường, xét trên 5 khía cạnh chủ yếu như sau:

- Về chủ thể phát hành, trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi các chủ thể công như Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc khu vực tư nhân như ngân hàng, doanh nghiệp để tăng vốn cho các dự án gắn liền với môi trường (G20, 2016).

- Về mục đích phát hành, trái phiếu xanh được phát hành với mục đích để hỗ trợ các khoản đầu tư xanh, những khoản đầu tư nhằm giảm tác động đến môi trường như giảm biến đổi khí hậu hoặc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng (Falsen & Johansson, 2015). Cụ thể, tổ chức phát hành phải cam kết sử dụng số tiền thu được một cách minh bạch. Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí liên quan đến đợt chào bán được sử dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án “xanh”, các tài sản hoặc các hoạt động kinh doanh có lợi ích cho môi trường.

- Về điều khoản phát hành trái phiếu xanh, do xuất phát từ mục đích sử dụng vốn là huy động vốn cho các dự án xanh, loại dự án có lợi nhuận thấp, một số dự án có thể có rủi ro, nên trái phiếu xanh thông thường còn có một số các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi hoặc miễn truy đòi tổ chức phát hành.

- Về hoạt động kiểm tra và giám sát phát hành, để quản lý nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh dùng đúng mục đích (cho các dự án tạo ra các lợi ích về môi trường), cần phải có bên thứ ba uy tín như Ban Tiêu chuẩn Trái phiếu khí hậu (Climate Bond Standard Board) thực hiện việc theo dõi và quản lý nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Nhìn chung, việc phát hành trái phiếu luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ.

- Về lãi suất của trái phiếu xanh, coupon có thể được thiết kế theo cách liên kết đến lạm phát hay một chỉ số xanh (Green Index). Zerbib (2019) quan sát các trái phiếu xanh được phát hành từ năm 2013 đến năm 2017 và phát hiện ra rằng lợi suất trung bình của trái phiếu xanh thấp hơn 2 điểm cơ bản so với trái phiếu thông thường. Sự chênh lệch lợi suất này được giải thích là do nhu cầu về trái phiếu xanh cao nhưng nguồn cung trái phiếu xanh còn hạn chế.

Trái phiếu xanh đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi mà chủ đề về phát triển bền vững được tất cả các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Gianfrate và cộng sự (2019) cho rằng, trái phiếu xanh không chỉ có thể giúp các tổ chức phát hành đạt được kết quả tài chính tốt hơn (huy động được nguồn vốn với chi phí thấp cho các dự án xanh) và nền kinh tế toàn cầu trở nên bền vững hơn mà còn giúp nhà đầu tư tuân thủ các quy định hiện tại và trong tương lai. Maltaisa và cộng sự (2020) khẳng định, trái phiếu xanh được coi là tạo ra động lực cho các tổ chức phát hành để nâng cao “tham vọng xanh” của các dự án và trong doanh nghiệp.

Tuy vậy, trái phiếu xanh đang đứng trước rất nhiều thách thức từ nhiều góc độ như nhận thức chưa đầy đủ của nhà đầu tư, việc thiếu ưu tiên đối với phát triển trái phiếu xanh từ phía các Chính phủ, năng lực còn hạn chế của các tổ chức phát hành… (Kumar và cộng sự, 2016). Nghiên cứu của Moid (2017) còn chỉ ra những thách thức đến từ tiêu chuẩn xanh đặt ra cho trái phiếu xanh hay việc xếp hạng tín dụng thấp đối với một số công ty phát hành tiềm năng… Ntsama và cộng sự (2021) bổ sung rào cản đến từ việc minh bạch về thông tin của trái phiếu xanh và quy mô nhỏ, năng lực còn nhiều hạn chế của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

3. Phát triển trái phiếu xanh tại các quốc gia

Các nước Bắc Âu

Theo Nassiry & Darius (2018) các nước Bắc Âu phát hành trái phiếu xanh bằng mô hình tài trợ gộp (SPFM). Mô hình này tổng hợp nhu cầu tài chính của các thành viên vào một cơ quan tài trợ chung (PFA), cơ quan này sau đó có thể phát hành nợ và phân phối số tiền thu được từ việc vay hoặc phát hành trái phiếu cho các địa phương. Mô hình tài trợ này giúp giảm gánh nặng tài chính cho Chính phủ và có thể giảm chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng (Nassiry & Darius, 2018). Cụ thể, cơ chế tài trợ gộp giúp cho Chính phủ có thể hỗ trợ các địa phương tự tiếp cận vốn và cho phép các địa phương mở rộng nguồn vốn của họ, vì họ hiện có thể khai thác đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cơ chế này giúp làm giảm chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng bằng cách giảm rủi ro nhận thức được thông qua việc thành lập một tổ chức tài chính hợp nhất có thể vay trên thị trường vốn, giảm chi phí tài chính do rủi ro đa dạng ở cấp độ tổng hợp, giảm chi phí phát triển dự án khi có thể tiêu chuẩn hóa các dự án, giảm chi phí giám sát và báo cáo việc sử dụng tiền thu được thông qua việc sử dụng các phương pháp tiếp cận được chia sẻ.

Nhật Bản

Theo báo cáo thị trường tài chính xanh Nhật Bản năm 2020 của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI) thì Nhật Bản đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng quốc gia toàn cầu tích lũy (26,15 tỷ USD) năm 2019 và thứ 7 trong bảng xếp hạng năm 2020 (10,6 tỷ USD). Cơ quan Tài chính Nhà ở Nhật Bản là tổ chức phát hành hàng đầu năm 2020 (1,8 tỷ USD). Tăng trưởng thị trường trái phiếu xanh kỳ vọng từ các dự án giao thông công cộng và sử dụng đất. Khoản nợ không có nhãn phù hợp với khí hậu của Nhật Bản lên tới 13,3 tỷ USD. Tổng trái phiếu được dán nhãn của Nhật Bản lên tới 64,8 tỷ USD, với sự tăng trưởng đáng kể từ trái phiếu xã hội và bền vững. Để đạt được thành công như vậy, Chính phủ Nhật Bản, cụ thể là Bộ Môi trường (MOEJ) đã ban hành hướng dẫn cụ thể về trái phiếu xanh nhằm thúc đẩy các đợt phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh tại Nhật Bản. Hướng dẫn được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản, bao gồm: (i) nhất quán với hướng dẫn của Bộ Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GPB); (ii) phản ánh thị trường trái phiếu xanh ở Nhật Bản vẫn đang trên đà phát triển, trong đó các khoản đầu tư và phát hành trái phiếu xanh chưa được triển khai tích cực (bao gồm cả việc giảm chi phí và gánh nặng về thủ tục hành chính); (iii) hướng dẫn cũng lưu ý ngăn chặn vấn đề trái phiếu “chưa xanh” nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư trái phiếu xanh trong nước và nước ngoài cảm thấy an toàn khi đầu tư vào trái phiếu xanh.

Singapore

Được ví như “lá phổi xanh” của Đông Nam Á, Singapore luôn hướng đến trở thành thị trường tài chính xanh trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore (the Monetary Authority of Singapore’s – MAS), tức ngân hàng trung ương của Singapore, đã hình thành một mạng lưới với 7 ngân hàng trung ương khác trên thế giới (bao gồm: Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mexico, Hà Lan và Thụy Điển) nhằm thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất trong phát triển tài chính xanh. Đồng thời năm 2017, MAS đã thiết lập một chương trình tài trợ trái phiếu xanh (Green bond Grant Scheme) để thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh ở Singapore. Mặt khác, Hiệp hội Ngân hàng Singapore cũng đã xuất bản hướng dẫn về tài trợ có trách nhiệm để thúc đẩy và hỗ trợ việc thực hiện quy định về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Sở giao dịch chứng khoán Singapore yêu cầu công ty thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của ESG. Các chính sách hỗ trợ phát triển trái phiếu xanh tại Singapore bao gồm: (i) hỗ trợ chi phí thẩm định phương án phát hành trái phiếu xanh; (ii) tài trợ trái phiếu xanh. Ngoài ra, Singapore cũng yêu cầu các tổ chức phát hành phải có các đánh giá độc lập bên ngoài để đảm bảo với các nhà đầu tư rằng đơn vị phát hành thực hiện theo đúng cam kết và các dự án của họ có những đóng góp nhất định cho môi trường (Nguyễn Thị Tuyết Mai, 2019).

4. Thực trạng phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam

Quy định pháp luật về trái phiếu xanh tại Việt Nam

Phát triển trái phiếu xanh là một trong các nhiệm vụ đặt ra tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017. Theo đó, khung pháp lý cho phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) xanh, trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) xanh và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xanh đã được quy định tại văn bản cấp Luật và Nghị định.

Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định về phát hành trái phiếu xanh, cụ thể như sau: (i) chủ thể phát hành trái phiếu xanh gồm Chính phủ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp; (ii) nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường; (iii) Chủ thể phát hành trái phiếu xanh phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh cho nhà đầu tư; (iv) quy định nguyên tắc chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật (v) Chính phủ quy định chi tiết điều này tại Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Về TPCP xanh, Điều 21 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về quy trình phát hành TPCP xanh, nội dung của Đề án phát hành TPCP xanh. Việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch TPCP xanh thực hiện như đối với công cụ nợ của Chính phủ. Trong khi đó, Điều 8 của Nghị định này quy định việc phát hành TPCQĐP xanh phải tuân thủ quy định về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và UBND cấp tỉnh phải báo cáo danh mục dự án sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, việc tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh thực hiện theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, TPDN xanh được điều chỉnh bởi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy định nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn, công bố thông tin đối với phát hành TPDN xanh. Việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch TPDN xanh thực hiện như đối với TPDN thông thường.

Các đợt phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam

Tháng 10/2016, Việt Nam đã thí điểm phát hành trái phiếu xanh chính quyền địa phương tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, với phương án phát hành như sau: (i) thời gian phát hành từ năm 2016 - 2017; (ii) kỳ hạn trái phiếu bao gồm 2 kỳ hạn là 3 năm và 5 năm; (iii) khối lượng phát hành là 300 - 500 tỷ đồng. Trái phiếu được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Cụ thể như sau:

Năm 2016, TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu qua bảo lãnh của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), kỳ hạn 15 năm, khối lượng 3.000 tỷ đồng. Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) được UBND TP. Hồ Chí Minh ủy quyền thực hiện toàn bộ nghiệp vụ tổ chức phát hành. Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh đã được TP. Hồ Chí Minh giải ngân cho các dự án xanh nhằm mục đích cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, giải quyết tình trạng ngập nước tại các lưu vực của thành phố, qua đó góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.

Cũng trong năm 2016, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hành 80 tỷ đồng (trên tổng khối lượng 500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương phát hành tháng 9/2016) với kỳ hạn trái phiếu 5 năm, huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương xanh được sử dụng cho 1 dự án về quản lý nguồn nước nhằm mục đích quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp từ hồ sông Ray nhằm dẫn nước tưới cho 7.340 ha diện tích đất nông nghiệp, góp phần cải thiện năng suất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cải thiện môi trường sinh hoạt trong khu vực hưởng lợi.

Đối với TPDN xanh, trong chương trình hợp tác từ năm 2018, GIZ đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng với IFC xây dựng đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp và trái phiếu xanh định chế tài chính và thí điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh tại các công ty thuộc VNSI (Top 20 doanh nghiệp về phát triển bền vững) và các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.

Cuối tháng 8/2019, CTCP Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm và CTCP Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.

Đầu tháng 10/2019, CTCP Bamboo Capital (BCG) công bố kế hoạch dự kiến phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi trong quý IV/2019, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trong đó dự kiến 350 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời, 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản, 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây, tiêu biểu như BIM Land và VinGroup. BIM Land thuộc BIM Group đã huy động thành công 200 triệu USD trên thị trường quốc tế năm 2021. Trong khi đó, VinGroup đã tiên phong phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu trị giá 425 triệu USD (FiinGroup, 2022).

Về phát hành nợ xanh, đến tháng 10/2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành nợ xanh với tổng trị giá khoảng 283,9 triệu USD (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2021). Trong năm 2021, tổng giá trị lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 1,5 tỷ USD, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liên tiếp. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD (HSBC & Climate Bonds, 2021).

Đánh giá chung về thực trạng phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam

Dễ nhận thấy, giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (104,6 tỷ USD vào năm 2019 và 324,1 tỷ USD vào 9 tháng năm 2020) là không đáng kể (Vũ Thị Như Quỳnh, 2021). Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên: Thứ nhất, hiện nay Việt Nam còn thiếu những quy định cụ thể về khái niệm xanh và khái niệm trái phiếu xanh; Thứ hai, số liệu liên quan trái phiếu xanh tại Việt Nam chưa dễ dàng tiếp cận. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin và sự tham gia của các nhà đầu tư vào công cụ tài chính này; Thứ ba, Việt Nam chưa có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, triển vọng phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam là rất lớn. Như phân tích ở trên, trái phiếu xanh là ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã hướng đến tài chính bền vững và xây dựng khung pháp lý về trái phiếu xanh ngay từ năm 2012, mỗi năm lại hoàn thiện hơn. Các định hướng chính sách trong các quyết định như Chiến lược tăng trưởng xanh: Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh: Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014, Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016, Phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu: 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 quy định cơ chế cho thị trường trái phiếu (Dương Thị Thanh Tân, 2019). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam “soi chiếu” khi tham gia đầu tư thu hút vốn từ trái phiếu xanh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xanh ở Việt Nam có điều kiện tiếp cận nguồn vốn (Đỗ Thị Thu Thủy & Trịnh Mai Vân, 2021).

Ngoài ra, vào tháng 3/2022, FiinGroup đã chính thức được CBI chứng nhận là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh được phát hành bởi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chương trình của tổ chức này. Như vậy, Việt Nam đã chính thức có tổ chức gắn nhãn “xanh” cho trái phiếu xanh, đây chính động lực thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh.

5. Giải pháp phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam

Trên cơ sở những hiểu biết về trái phiếu xanh và thị trường trái phiếu xanh, tham khảo kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh tại các quốc gia trên thế giới, đánh giá thực trạng phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp như sau:

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh.

Tuy Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều quy định tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho trái phiếu xanh phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin và dữ liệu. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn hoá tốt hơn các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật.

Thứ nhất, phân tích ở trên đã chỉ ra những rủi ro từ việc không thống nhất cách hiểu về trái phiếu xanh. Cụ thể, kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự không rõ ràng và thống nhất về khái niệm hay những đặc điểm tạo thành một trái phiếu xanh là nguyên nhân chính làm nhà đầu tư cảm thấy không an tâm khi lựa chọn trái phiếu xanh thay vì trái phiếu thông thường. Vì thế, Việt Nam phải có những quy định rõ ràng và thống nhất về trái phiếu xanh

Thứ hai, kinh nghiệm từ các nước Bắc Âu cho thấy, để trái phiếu xanh phát triển và vốn huy động từ trái phiếu xanh được sử dụng hợp lý đúng mục đích cần có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, sự kết nối giữa các bộ, ban, ngành, đồng thời phải có sự minh bạch trong từng bước của quy trình thì các nhà phát hành và các nhà đầu tư mới tin tưởng vào trái phiếu xanh. Kinh nghiệm từ Singapore nhấn mạnh rằng, muốn tạo ra sự tin tưởng của nhà đầu tư vào trái phiếu xanh thì điều quan trọng phải có một cơ chế công bố thông tin công khai và minh bạch. Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc tới việc thành lập các bộ phận phụ trách công khai dữ liệu, cũng như giám sát các thông tin được cung cấp trên thị trường.

Thứ ba, trong giai đoạn đầu triển khai thị trường trái phiếu xanh, Chính phủ Việt Nam cần đề ra chính sách ưu đãi nhất định nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh, trong khi mức thuế đánh trên các công cụ nợ cao hơn có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm của Singapore khi quốc gia này thực hiện một số hỗ trợ tài chính liên quan đến chi phí thẩm định trái phiếu xanh.

Xây dựng lộ trình triển khai và phát triển trái phiếu xanh một cách phù hợp.

Việt Nam cần xác định chính xác nội lực của thị trường tài chính trong nước cũng như độ lớn của tính thanh khoản trên thị trường tài chính, từ đưa ra lộ trình phát hành trái phiếu xanh trong nước hay nước ngoài. Ngoài ra, một số dự án thí điểm nên được triển khai một cách minh bạch từ khâu phát hành đến hiệu quả sử dụng vốn, từ đó tạo dựng lòng tin và thể hiện tiềm năng huy động vốn lâu dài cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay, việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển bền vững là rất cần thiết. Theo đó, Việt Nam nên tham gia vào các tổ chức song phương hay đa phương, tận dụng nguồn lực tài chính, kinh nghiệm của các quốc gia về công nghệ, trình độ… để sớm đạt được mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về phát triển bền vững.

Để có thể triển khai được trái phiếu xanh nói riêng hay các công cụ tài chính xanh nói chung, trước tiên phải có sự hiểu biết – tình nguyện tham gia của các chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có một thực tế là đang tồn tại cách nhìn chưa chuẩn xác trong các doanh nghiệp rằng “quan tâm đến phát triển bền vững là chuyện của mấy ông doanh nghiệp lớn, nhiều tiền”. Các doanh nghiệp không phải lúc nào cũng sẵn sàng đầu tư cho các công nghệ sạch vì chi phí đầu tư cao và thời gian hoàn vốn của các khoản đầu tư này thường lâu hơn các khoản đầu tư truyền thống, mà đa phần các doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Nói cách khác, nhận thức về phát triển bền vững của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức của toàn dân về vai trò của tài chính bền vững đối với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng. Về cách thức thực hiện, có thể sử dụng các phương thức thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, hay các trang mạng xã hội… vốn đã trở nên quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam. Việt Nam nên tận dụng các kênh thông tin này để thúc đẩy hiểu biết về vai trò của trái phiếu xanh trên con đường phát triển tài chính bền vững của quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

- Dương Thị Thanh Tân (2019). Tiềm năng phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam. Tạp chí công thương, tháng 12/2019.

- Falsen, C., & Johansson, P. (2015). Mobilizing the debt market for climate change mitigation: Experiences from the early Green Bonds market.

- Gianfrate, G. & Peri, M. (2019). The green advantage: Exploring the convenience of issuing green bonds. Journal of cleaner production, pp. 127-135. https://doi.org/10.1016/j.jcle...

- IFC (2016), Mobilizing private climate finance – green bonds and beyond

- Kirton, J. J. (2016). G20 governance for a globalized world. Routledge.

- Nassiry, D. (2018). Green bond experience in the Nordic countries.

- OECD (2017), “Mobilising Bond Markets for a Low – carbon transition

- Otek Ntsama, U.Y., Yan, C., Nasiri, A (2021). Green bonds issuance: insights in low- and middle-income countries. Int J Corporate Soc Responsibility. https://doi.org/10.1186/s40991...

- Ủy Ban chứng khoán Nhà nước (2021) Sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”:

- Vũ Thị Như Quỳnh (2021). Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển. Tạp chí Tài chính tháng 6/2021.

- Zerbib, O. D. (2019). The effect of pro-environmental preferences on bond prices: Evidence from green bonds. Journal of Banking & Finance, 98, pp. 39-60.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 19 năm 2022

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO