Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và sở, ban ngành các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã nhận thức sâu sắc và xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thống kê cho thấy, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tiền Giang hiện đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý hơn 104.000 khách hàng vay vốn. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh với NHCSXH tỉnh Tiền Giang ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Nguồn vốn ủy thác đạt 4.315 tỷ đồng
Ông Dương Văn Hoàng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Tiền Giang cho biết, phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (cụ thể là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh (CCB) và Đoàn Thanh niên) là phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo, phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam.
Kết quả đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội dư nợ tín dụng ủy thác đạt 4.315 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,67%/tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Tiền Giang, với 2.702 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 109.231 khách hàng vay vốn đang còn dư nợ…
Để thực hiện tốt các nội dung ủy thác, hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đều phân công cán bộ phụ trách hoặc cán bộ chuyên trách theo dõi, thực hiện việc ủy thác với các phòng giao dịch của NHCSXH tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, thành lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tới tận xã, ấp để hoạt động cho vay, thu nợ diễn ra nhanh chóng, kịp thời.
Việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn được thực hiện một cách bài bản, thông suốt từ tỉnh đến huyện trên cơ sở các văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch được ký kết giữa NHCSXH tỉnh Tiền Giang và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, ấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chính là “cầu nối, chuyển tải” nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân.
Hình thức ủy thác một phần công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý vốn tín dụng ưu đãi là nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của tỉnh đã thành lập 2.644 đoàn giám sát và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức 4.125 cuộc giám sát…
Thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng chính sách giữa NHCSXH tỉnh Tiền Giang với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, hoạt động tín dụng chính sách đi vào cuộc sống có sự đóng góp đáng kể của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh.
Phát huy hiệu quả vai trò của Hội Cựu chiến binh và các chương trình tín dụng chính sách
Thống kê cho thấy, Hội CCB tỉnh Tiền Giang hiện có 2.143 Tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý tổng dư nợ trên 397 tỷ đồng, với 15.797 lượt hộ vay vốn, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn là 0,18%. Trong đó, Hội CCB tỉnh đang quản lý nguồn vốn ủy thác địa phương là trên 37 tỷ đồng, tập trung ở các chương trình cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường...
Nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã giúp cho 808 hộ thoát nghèo; xây mới 372 căn nhà đạt tiêu chuẩn “3 cứng” và đã giải quyết cho 41.050 lao động là hội viên CCB và con em hội viên CCB có việc làm ổn định. Chính sách tín dụng ưu đãi còn góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính; giúp 100% hộ gia đình là hội viên CCB xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống hộ nghèo, hội viên CCB.
Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội CCB trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt... ngày càng hiệu quả kinh tế, lao động có việc làm ổn định. Bộ mặt nông thôn được cải thiện, tạo sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế địa phương.
Trong hoạt động tín dụng ủy thác, Hội CCB tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo tăng trưởng dư nợ, phủ kín Tổ tiết kiệm và vay vốn nhưng còn nhiều địa phương dư nợ còn thấp so với các hội, đoàn thể khác, chưa phủ kín Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã, ấp; hộ vay trong Tổ tiết kiệm và vay vốn không đạt số lượng quy định, gây không ít khó khăn trong hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách, trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn ưu đãi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.
Trong những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch NHCSXH các huyện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa khó giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Đến thời điểm hiện tại, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay mua nhà trả chậm… Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tính đến năm 2024 là 337,8 tỷ đồng với 7.357 hộ.
Nhờ được vay vốn NHCSXH để phát triển sản xuất, hàng trăm hộ dân đã đầu tư đẩy mạnh sản xuất, nhiều hộ không đủ điều kiện về tài chính vẫn có thể cho con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng, tạo nguồn lao động trí thức trong tương lai.
Bên cạnh đó, hàng trăm hộ khác có nước sạch để dùng, có nhà để ở… Việc cho vay và thu hồi nợ vay cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời gian, đúng quy định của Nhà nước.