TS. Nguyễn Đình Cung: Để phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ không thể nới lỏng hơn

Tri Nhân| 11/10/2022 06:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo TS. Nguyễn Đình Cung, ổn định vĩ mô chính là nền tảng quan trọng nhất để phục hồi và tiếp tục là nền tảng để kinh tế phục hồi tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay rất khó trông đợi sự hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng từ chính sách tiền tệ hơn nữa, vì chính sách tiền tệ không thể nới lỏng hơn.

Hình minh họa

Thúc đẩy tăng trưởng và 3 trụ cột nền tảng

Những số liệu thống kê vừa công bố cho thấy tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng vượt ngoài mong đợi.

Dù kinh tế vĩ mô có nhiều khởi sắc nhưng TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) lưu ý rằng, mức tăng trưởng kinh tế hiện nay chưa thể phục hồi so với mức tăng trưởng thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2023 mới là vấn đề bởi rủi ro và bất định còn gia tăng, các yếu tố tạo nên tăng trưởng mạnh ở quý III/2022 là nhất thời, không kéo dài sang quý IV/2022 và càng không kéo dài sang năm sau. 

Do đó, để đảm bảo cho phục hồi và tăng trưởng nhanh và bền vững, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị cần dựa vào 3 trụ cột nền tảng, đó là: một là, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; hai là, hội nhập kinh tế quốc sâu rộng thông qua các FTAs song phương, đa phương; ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội.

“Ổn định vĩ mô chính là nền tảng quan trọng nhất để để phục hồi và tiếp tục là nền tảng để kinh tế phục hồi tốt. Nhưng  khó trông đợi sự hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng từ chính sách tiền tệ hơn nữa, vì chính sách tiền tệ không thể nới lỏng hơn”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Còn với chính sách tài khóa, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng sẽ không giúp gì nhiều hơn cho phục hồi tăng trưởng. Bởi, tổng cộng các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là khoảng 237,65 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023 không bù đắp được số chi phí đầu vào gia tăng.

Nhìn về hội nhập kinh tế quốc tế, FDI đang có xu hướng chững lại, xuất khẩu đang đứng trước nguy cơ suy giảm khi mà các đối tác thương mại lớn đang suy giảm mạnh có thể sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.  

“Với các phân tích trên cho thấy để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững thì phải trông vào trụ cột: Cải cách vi mô, những cải cách về phía cung, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng tiềm năng tăng trưởng bền vững”,TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh và cho biết thêm: “cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết”.

Hóa giải những ám ảnh về “nỗi lo sợ làm là sai”

“Tôi đã từng nghe nhiều lời chia sẻ như ‘bây giờ đọc các văn bản pháp luật có liên quan, thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với người thực hiện, nên sợ’. Không ít người có suy nghĩ thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ hơn là quyết và làm mà bị kỷ luật, thậm chí có thể bị truy cứu hình sự”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.  

“Nỗi lo sợ làm là sai, không làm thì an toàn” mang tới hệ quả là rất ít, thậm chí không có các dự án đầu tư mới được cấp chủ trương đầu tư. Hàng nghìn dự án đầu tư không thể hoàn thành đủ các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai thực hiện. Giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội triển khai chậm so với yêu cầu. Với tình hình thế này, TS. Nguyễn Đình Cung lo ngại: “năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm...”.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra hiện nay là tìm kiếm và khôi phục lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay như thế nào?.

Để trả lời cho câu hỏi này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần phục hồi lại hoạt động và tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng khuyến nghị, Chính phủ cần thường xuyên chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02, nhất là 10 nhiệm vụ trong tâm. Thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện Nghị quyết 02 nói riêng trên cơ sở kết nối, cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp.

Để hóa giải “nỗi sợ sai” ở các địa phương hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất giải pháp: “tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất giữa các sở ngành, các đơn vị với sự chủ trì của Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND. Các cuộc họp này để định hướng các giải pháp tháo bỏ các rào cản, vướng mắc đối với huy động nguồn lực phát triển kinh tế địa phương và các dự án cụ thể”.

“Tôi cũng kỳ vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra các thực tiễn tốt trong giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, nhất là các khó khăn, vướng mắc về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... liên quan đến các dự án đầu tư trong bối cảnh hiện nay. Mục đích là để cùng rút kinh nghiêm, phổ biến và nhân rộng trên toàn quốc, trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương”, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Đình Cung: Để phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ không thể nới lỏng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO