Thứ Bảy, 26/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ngày 11/4, Ủy ban Chính sách trực thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức họp "Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025" nhằm hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Hiệp hội.
Tham dự cuộc họp có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách; cùng các thành viên Ủy ban.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho biết, trong năm qua, Ủy ban chính sách đã tích cực tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội, cũng như hỗ trợ Cơ quan Thường trực Hiệp hội trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết, sát sườn, có tính chất chuyên sâu về cơ chế, chính sách liên quan hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trình bày báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ủy ban Chính sách, cho biết, năm 2024, Ủy ban Chính sách đã tích cực, chủ động triển khai chương trình, kế hoạch công tác, tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề trọng tâm, nổi bật về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn và định hướng phát triển của các tổ chức hội viên. Qua đó, Ủy ban Chính sách đã phát huy vai trò, góp phần giúp Hiệp hội nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín trong nền kinh tế, được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao.
Cụ thể, Ủy ban Chính sách đã tích cực phối hợp với Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham gia góp ý xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật quan trọng có tác động lớn tới hoạt động ngân hàng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, như: Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi); Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai; Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh Bất động sản 2023; Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2023; Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy; Dự thảo Nghị định quy định điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;…
Ủy ban Chính sách cũng đã phối hợp với Cơ quan Thường trực Hiệp hội và các đơn vị trực thuộc Hiệp hội, tổ chức quốc tế tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo xoay quanh những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của toàn hệ thống ngân hàng như: Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh, hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”; Hội nghị “Các quy định mới của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tác động đến hoạt động ngân hàng”; Tọa đàm “Xử lý nợ xấu – Thực trạng và giải pháp”...
Ủy ban Chính sách cũng đóng vai trò đầu mối nghiên cứu và xây dựng báo cáo chuyên đề “Các vấn đề pháp lý trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” trong đó nêu các vướng mắc của ngân hàng liên quan đến trung gian thanh toán và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Chính sách cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, đồng thời, chỉ ra một số nguyên nhân khách quan phát sinh khiến Ủy ban chưa hoàn thành được một số công việc trọng tâm theo kế hoạch công tác năm 2024 đã đề ra.
Bước sang năm 2025, Ủy ban Chính sách định hướng tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, như: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (để luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2014/QH14); Dự thảo Luật Thương mại điện tử (xây dựng mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại điện tử; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số); Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi); Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox);...
Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Ủy ban đến từ: Vietcombank, Techcombank, Standard Chatered, VAMC, VPBank, Sacombank, HDBank, FeCredit… đều thống nhất với các nội dung báo cáo. Đồng thời đề nghị, trong năm 2025, Ủy ban tiếp tục tập trung ưu tiên cho những chủ đề lớn như: khung khổ chính sách liên quan đến tài chính xanh; phân loại danh mục tín dụng xanh; quy định ESG, tín chỉ carbon; tài sản số, quy định về tiền điện tử, bộ quy tắc về dữ liệu cá nhân; kiểm tra chứng từ cho khách hàng doanh nghiệp;… Bên cạnh đó, đưa ra các quan điểm chung, thống nhất trong giao dịch các định chế tài chính nước ngoài; ban hành khung hàng hoá dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn cho vay tín dụng xanh…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ủy ban Chính sách đạt được trong năm qua. Với tinh thần trách nhiệm cao, Ủy ban Chính sách đã làm việc quyết liệt, đổi mới, chuyên nghiệp, bài bản với nhiều nội dung thiết thực, góp phần vào thành tích chung trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành đánh giá cao.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ủy ban tiếp tục phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả và có sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ với Ủy ban Công nghệ, Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Fintech, Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng... tập hợp tất cả nội dung cơ chế chính sách, tham gia góp ý, phản biện, nhằm tham gia đóng góp tích cực với cơ quan quản lý để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Thống nhất với các nội dung báo cáo mà Ủy ban trình bày tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng đồng thời gợi mở một số vấn đề bổ sung vào chương trình hành động năm 2025 của Ủy ban Chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong bối cảnh xây dựng trung tâm tài chính; liên quan đến Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân; hay quy trình thống nhất chung cho tất cả ngân hàng hội viên từ chuyển tiền đến cho vay…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng khẳng định, Hội đồng Hiệp hội và Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ và sẵn sàng phối hợp cùng Ủy ban Chính sách trong triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách khẳng định, Ủy ban Chính sách sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Hùng và những đề xuất góp ý xác đáng, nhiệt tình của đại diện các thành viên Ủy ban để hoàn thiện xây dựng chương trình công tác năm 2025.
Ông Trần Phương nhấn mạnh, với phương châm, chủ động - thiết thực - kịp thời - hiệu quả (tích cực tham mưu chủ động các vấn đề thiết thực để nâng tầm vị thế Ủy ban Chính sách của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thông qua cải thiện chất lượng, phối hợp một cách kịp thời để tạo nên hiệu quả), Ủy ban Chính sách sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện các kế hoạch đã nêu tại báo cáo.
Đồng thời, bổ sung một số công tác trong định hướng nhiệm vụ triển khai năm 2025 như: từng bước xây dựng hệ thống quy định chung trong cung cấp dịch vụ tài chính đến khách hàng; hướng đến tham mưu khung khổ chính sách phục vụ tài chính xanh (bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh) cho các ngân hàng thương mại; phối hợp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thực hiện đào tạo một số nội dung sát sườn liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng...