Thông qua hoạt động hợp tác mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cùng với các TCTD đã hoàn thành sứ mệnh được giao với tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3% từ cuối năm 2015 trở lại đây. VAMC cho biết, đã có 24 TCTD đã thanh toán hết TPĐB.
Góp phần kéo giảm nợ xấu xuống dưới mức quy định
Chia sẻ về kết quả hoạt động hợp tác giữa VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xử lý nợ xấu, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết, để đạt góp phần đạt kết quả cao trong xử lý nợ xấu, trong hơn 10 năm qua, VAMC đã hợp tác với hầu hết các TCTD để triển khai công tác mua nợ bằng TPĐB. Kết quả, lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/7/2023, VAMC đã mua nợ bằng TPĐB được 28.030 khoản nợ, 17.377 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 413.635 tỷ đồng, giá mua nợ là 380.091 tỷ đồng.
Kể từ năm 2017, VAMC cũng thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT). Luỹ kế từ năm 2017 đến ngày 31/7/2023, VAMC đã mua nợ theo GTTT từ 17 TCTD, với 405 khoản nợ của 206 khách hàng, với tổng dư nợ gốc là 12.231 tỷ đồng, giá mua là 12.949 tỷ đồng. Đến nay, hoạt động mua nợ theo GTTT tại VAMC ngày càng được tăng cường, góp phần xử lý nhanh nợ xấu và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Song song với công tác mua nợ, công tác xử lý thu hồi nợ được VAMC và các TCTD phối hợp tích cực triển khai với việc triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý các khoản nợ đã mua. Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 335.177 tỷ đồng dư nợ gốc (trong đó: Xử lý từ khoản nợ mua bằng TPĐB ước đạt 325.836 tỷ đồng dư nợ gốc; xử lý từ khoản nợ mua theo GTTT ước đạt 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc).
Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời (ngày 21/6/2017) với nhiều quyết sách ưu việt đã hỗ trợ tích cực hơn nữa cho công tác xử lý nợ xấu, giúp đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ tại VAMC cũng như tại các TCTD. Theo đó, từ thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay, kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm khoảng 66% tổng giá trị thu hồi nợ.
Xử lý nợ đối với khoản nợ mua bằng TPĐB: Sau khi mua nợ, VAMC đã phối hợp chặt chẽ với các TCTD đôn đốc khách hàng trả nợ, hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến TSBĐ và khoản nợ, tìm kiếm nhà đầu tư để bán TSBĐ/khoản nợ... Luỹ kế đến ngày 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 325.836 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua bằng TPĐB.
Đặc biệt, để tạo chủ động cho các TCTD trong xử lý nợ thông qua tố tụng, VAMC đã ủy quyền (gần như 100% các khoản nợ mua) cho các TCTD đại diện VAMC thực hiện khởi kiện, thi hành án dân sự. Từ năm 2018 đến năm 2022, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý gần 2.000 văn bản do Tòa án và cơ quan thi hành án các cấp gửi đến trong quá trình thực hiện tố tụng và thi hành án dân sự, góp phần đẩy nhanh thời gian thực hiện thi hành án. VAMC đã báo cáo và chuyển 800 vụ việc thi hành án dân sự có khó khăn, vướng mắc và đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp giải quyết, với tổng số tiền phải thi hành án khoảng 11.191 tỷ đồng.
Xử lý nợ đối với khoản nợ mua theo GTTT, luỹ kế đến ngày 31/7/2023, VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý ước đạt 9.341 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua theo GTTT.
Thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ): Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD, cơ quan Công an, chính quyền địa phương thực hiện thu giữ thành công một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD. Ngoài ra, VAMC trực tiếp nhận bàn giao/phối hợp với các TCTD nhận bàn giao một số TSBĐ có giá trị lớn từ khách hàng/bên bảo đảm...
Cơ cấu lại nợ: VAMC phối hợp với TCTD thực hiện cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thu xếp vốn trả nợ ngân hàng. Đến ngày 31/7/2023, kết quả hoạt động cơ cấu lại của VAMC như sau: Số tiền miễn giảm 5.009 tỷ đồng, dư nợ gốc được điều chỉnh lãi suất 2.971 tỷ đồng, dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 2.124 tỷ đồng.
Công tác thu hồi nợ qua đấu giá tài sản cũng đạt những kết quả tích cực. Luỹ kế đến ngày 31/7/2023, VAMC đấu giá thành công 24/40 tài sản là khoản nợ/TSBĐ, với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.529 tỷ đồng; trong đó: 22 tài sản đấu giá thành là khoản nợ, chiếm 92% tổng số tài sản đấu giá thành của VAMC.
“Thông qua hoạt động hợp tác mua nợ bằng TPĐB, VAMC cùng với các TCTD đã hoàn thành sứ mệnh được giao với tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3% từ cuối năm 2015 trở lại đây, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế”, ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh và chia sẻ thêm: “Hiện tại, có 24 TCTD đã thanh toán hết TPĐB; VAMC đang quản lý 101.105 tỷ đồng mệnh giá TPĐB của 15 TCTD, chiếm 27% tổng mệnh giá TPĐB đã phát hành”.
Ông Lê Văn Hùng cũng cho biết, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao giai đoạn 2012-2014, việc hoàn thành mục tiêu này đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định hoạt động của các TCTD trong giai đoạn tái cơ cấu, giúp giảm áp lực tài chính cho TCTD, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế và tạo đà để tiến tới sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.
Hướng tới thị trường mua bán nợ tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm
Ông Đoàn Văn Thắng, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc VAMC cho biết, nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ, VAMC luôn chủ động, tích cực phối hợp với các TCTD thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần hình thành thị trường mua bán nợ, bao gồm: Thành lập, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC và duy trì, đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Xử lý nợ.
Đối với hoạt động Sàn giao dịch nợ VAMC. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn (từ tháng 10/2021 đến nay) nhưng nhờ sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ phía các TCTD, Sàn giao dịch nợ VAMC (SGDN) đã đạt được nhiều kết quả khả quan với 194 khách hàng đăng ký thành viên (91 tổ chức và 103 cá nhân) trong đó có 41 TCTD và các chi nhánh của TCTD, 9 AMC của TCTD; 20 TCTD và chi nhánh TCTD đã kí Hợp đồng nguyên tắc với SGDN.
Đến ngày 31/7/2023, có 17 TCTD và chi nhánh TCTD đã phối hợp với VAMC đăng thông tin khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu lên website SGDN, với số lượng 605 khoản nợ xấu, giá trị 42.408 tỷ đồng; 466 TSBĐ của khoản nợ xấu, giá trị 1.589 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản nợ xấu của các TCTD được VAMC mua bằng TPĐB).
Ngoài ra, SGDN đã thực hiện 16 hợp đồng tư vấn, trong đó có 10 hợp đồng tư vấn khoản nợ xấu với giá trị tư vấn 376 tỷ đồng, 6 hợp đồng tư vấn TSBĐ với giá trị 408 tỷ đồng, thu phí dịch vụ 527 triệu đồng. Thêm vào đó, SGDN đang phối hợp với TCTD và các nhà đầu tư để thực hiện môi giới mua bán khoản nợ xấu tại một số TCTD.
Song hành với SGDN, hoạt động của Câu lạc bộ Xử lý nợ (CLB AMC) cũng dần đi vào chiều sau. Dù mới được thành lập vào năm 2020 với thành viên là VAMC và các Công ty Xử lý nợ trực thuộc các TCTD, đến nay, CLB AMC đã thu hút, duy trì 23 hội viên từ các AMC của các TCTD Việt Nam và 2 Hội viên liên kết là OK DTC và Welcome DTC. 90% hội viên CLB AMC đã tham gia SGDN VAMC.
Mặc dù các kết quả đạt được rất tích cực, tuy nhiên, ông Lê Văn Hùng cho rằng, sự hợp tác giữa các TCTD và VAMC vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong một số lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của VAMC như: Mua bán nợ theo GTTT, hoạt động môi giới, tư vấn của Sàn Giao dịch nợ.
Do đó, để việc hợp tác giữa VAMC và các TCTD ngày càng được mở rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, lãnh đạo VAMC đề nghị, các TCTD tiếp tục phối hợp với VAMC trong hoạt động mua bán, xử lý nợ theo GTTT; mua bán, xử lý nợ thanh toán bằng TPĐB, coi đây là công cụ hữu hiệu nhằm giảm thiểu nợ xấu của các TCTD, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
VAMC cũng sẽ em xét mở rộng ký thoả thuận hợp tác với các TCTD khác (ngoài 5 TCTD đã ký thoả thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025:BIDV, PVCombank, Agribank, NamABank, SaigonBank) dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: TCTD đánh giá có tỉ lệ nợ xấu tiềm ẩn cao; TCTD có số dư trái phiếu đặc biệt VAMC đang quản lý; TCTD đang thực hiện các đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN…
Ngoài ra, để hướng tới thị trường mua bán nợ tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm, đại diện VAMC đề nghị các TCTD tăng cường phối hợp với VAMC trong việc sử dụng các dịch vụ của SGDN trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu như: Môi giới, tư vấn, cung cấp danh mục hàng hoá trên website của SGDN (đặc biệt là các khoản nợ xấu/TSBĐ của khoản nợ xấu mà các TCTD đang thực hiện bán đấu giá).