Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ thị của Thống đốc

ThS.Trần Trọng Triết 05/02/2024 - 14:56

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại và 24 Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện tốt nội dung các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2024 được đề ra tại các Chỉ thị số 01 và Chỉ thị số 02 của Thống đốc.

khai-truong-may-gui-tien-tu-dong-tai-agribank-an-giang..jpg

Theo đó, đối với việc triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối, NHNN chi nhánh tỉnh yêu cầu các chi nhánh NHTM thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 do hội sở giao, bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN.

Tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định.

Thực hiện cho vay bằng ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế. Chấm dứt tình trạng cấp tín dụng tập trung vào một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến lợi ích của chủ sở hữu ngân hàng).

NHNN chi nhánh tỉnh cũng yêu cầu các chi nhánh NHTM và 24 Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng. Nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản và rút ngắn quy trình, thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng để đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý đề nghị của khách hàng... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, phối hợp với Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nhằm đảm bảo thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế chế tối đa tổn thất cho các TCTD.

Phối hợp chặt chẽ với VAMC trong việc mua, bán và xử lý nợ xấu, trong đó tập trung tăng cường xử lý, thu hồi nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt...

Đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn; tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống rửa tiền tại các TCTD.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động của chi nhánh TCTD, các phòng/ban/bộ phận đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát, nhất là hoạt động tự phát hiện, cảnh báo, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, hoạt động rủi ro tiềm ẩn của TCTD; chủ động rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban kiểm soát; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo NHNN.

Cùng với đó, là tăng cường triển khai hoạt động kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kịp thời báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Tích cực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình 15 nghìn tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án của ngành do Thống đốc NHNN ban hành. Thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, cảnh báo của NHNN qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo thống kê của NHNN. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin hoạt động ngoại hối, ngân hàng theo quy định của pháp luật và yêu cầu của NHNN. Báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động tiền tệ, ngoại hối cho NHNN chi nhánh tỉnh.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng trong toàn hệ thống.

Đối với công tác thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), NHNN chi nhánh tỉnh An Giang yêu cầu các TCTD trên địa bàn quán triệt, tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động TTKDTM; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hướng dẫn, chỉ đạo, cảnh báo của NHNN và các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông) về đảm bảo an ninh, an toàn.

Rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác nhận biết thông tin khách hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán trong suốt quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán. Đào tạo, hướng dẫn cán bộ giao dịch viên các kiến thức, kỹ năng về nhận biết giấy tờ tùy thân thật giả.

Thường xuyên rà soát các hồ sơ mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để xử lý theo quy định. Thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng mở theo phương thức eKYC. Rà soát để chỉnh sửa, bổ sung và ban hành các quy định, quy trình nội bộ, thỏa thuận với khách hàng về hoạt động thanh toán, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Cùng với đó, có biện pháp quản lý đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán nhằm tránh trường hợp đơn vị chấp nhận thanh toán chuyển máy POS cho người khác sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo hợp đồng đã ký để thực hiện các hành vi cấm theo quy định của pháp luật…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ thị của Thống đốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO