Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn cho biết, tính đến ngày 30/9, KTNN triển khai kiểm toán đạt 91% kế hoạch năm, phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng…
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 6/11, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đang được thực hiện theo đúng phương án tổ chức kiểm toán đã ban hành.
Tính đến ngày 30/9/2023, KTNN đã triển khai các đoàn kiểm toán đạt 91% kế hoạch kiểm toán năm, tương đương cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 đạt tỷ lệ 89,6%), phát hành 84 cáo cáo kiểm toán (BCKT) với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định thuộc 84 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Theo Tổng KTNN, hằng năm KTNN đều thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN. Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về tăng cường công khai kết quả kiểm toán tại Nghị quyết 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022, KTNN đã tổ chức số hóa và cung cấp toàn bộ các BCKT năm 2022, các BCKT phát hành từ năm 2023 đến Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.
Ngoài ra, KTNN còn tổng hợp những nội dung, phát hiện kiểm toán trọng yếu đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng để công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, Báo Kiểm toán.
"Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán luôn được KTNN quan tâm chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, KTNN đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách tổ chức phiên giải trình về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán"- Tổng KTNN cho hay.
Kết quả thực hiện cho thấy, về cơ bản, các kiến nghị của KTNN đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm; riêng năm 2023 thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 trong 9 tháng đầu năm theo báo cáo của các đơn vị đạt 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,63%).
Về kiểm toán thực hiện Nghị quyết 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, Tổng KTNN cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, KTNN đã tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm.
Theo đó, KTNN đã thực hiện một nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề gắn với hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, như: Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020; Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021.
Bên cạnh đó, tại các cuộc kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tập đoàn, tổng công ty… KTNN đã xác định các nội dung kiểm toán trọng yếu liên quan bao gồm: Việc quản lý và sử dụng đất đai; việc triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; việc quản lý, sử dụng tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất…
Tổng hợp kết quả kiểm toán có liên quan đến chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN về đất 3.377 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp tại 8 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mục 2 Chương 8 tại Luật Đất đai năm 2013 để quy định cụ thể về thẩm quyền và trình tự thực hiện việc điều chỉnh giá đất, tiền sử dụng đất theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; bổ sung quy định rõ thời hạn phải hoàn thành và phê duyệt quy hoạch tỉnh và sử dụng đất cấp huyện tại Luật Quy hoạch năm 2017 và 6 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; 12 văn bản quy phạm pháp luật và 23 văn bản khác do các địa phương ban hành.
Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng. KTNN đã kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong từng BCKT.