Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 56.000 tỷ đồng

Thanh Thanh| 31/12/2022 09:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 15/12/2022 đối với 293 báo cáo liểm toán (BCKT) đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của KTNN tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 cho thấy, năm 2022, KTNN xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) với 178 nhiệm vụ kiểm toán. Ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan TW, địa phương để xác nhận quyết toán NSNN hàng năm, KHKT năm 2022 của KTNN đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; thực hiện nhiều chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng được dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề quan trọng của đất nước phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao.

Với nhiều giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt, đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao và khắc phục mọi khó khăn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức kiểm toán viên, nhất là việc tổ chức triển khai Đoàn kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ, KTNN đã hoàn thành KHKT năm 2022 với nhiều kết quả, kiến nghị nổi bật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước

Đến ngày 15/12/2022, toàn Ngành đã xét duyệt 234/234 KHKT, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 325 dự thảo BCKT, phát hành 287 BCKT. Các cuộc kiểm toán kết thúc đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành Báo cáo kiểm toán đúng Luật định; thành viên Đoàn kiểm toán chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 15/12/2022 đối với 293 BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Trong năm 2022, KTNN đã báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 05 dự án quan trọng quốc gia, báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2023; cho ý kiến về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 với nhiều ý kiến chất lượng, được Quốc hội, UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán NNhà nước tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định.

Tổng hợp sơ bộ kết quả đến ngày 15/12/2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị 47.529,2 tỷ đồng, đạt 70,61%; kiến nghị về cơ chế chính sách, thực hiện 25/198 văn bản; 24/95 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Trong năm 2022, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 830 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra TW, Cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát trong đó có nhiều vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Riêng cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ ngay trong quá trình kiểm toán, kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các Bộ, ngành, địa phương.

Trong quá trình kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã thường xuyên chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động kiểm toán; nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Ngoài ra, với trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCTNTC; chỉ đạo tham mưu xây dựng, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN đã hoàn thành “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán”; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra TW xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; hoàn thành Báo cáo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực KTNN” gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội…

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao và biểu dương kết quả, thành tích mà KTNN đã đạt được trong năm 2022.

“Với các kết quả nổi bật trong các mặt công tác năm 2022, KTNN ngày càng khẳng định vị thế, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Báo cáo kiểm toán trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, tin cậy cho các Đại biểu Quốc hội và HĐND địa phương phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội trong xây dựng chính sách và trong hoạt động giám sát, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, củng cố niềm tin của Nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTNTC...” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và toàn thể lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra. Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, chiến lược phát triển KTNN để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 đảm bảo tiến độ, chất lượng và PCTNTC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả; Chủ động tham gia ý kiến về các Luật rất quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), các Luật liên quan đến quản lý giá, đấu giá, đấu thầu, mua sắm công, những vướng mắc về cơ chế BOT... Kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện quy định về mua sắm công, đấu thầu, quản lý đất đai, quản lý thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đang có nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai và có kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, trục lợi…

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 56.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO