Hoạt động ngân hàng

Bến Tre: Hướng dòng chảy vốn tín dụng vào phát triển chuỗi nông sản chủ lực

ThS. Trần Trọng Triết 29/08/2024 11:55

Đồng hành với doanh nghiệp và bà con nông dân, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre luôn chú trọng hướng dòng chảy vốn tín dụng tập trung vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng vùng sản xuất tập trung, ưu tiên cho các nhu cầu tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

ben-tre.jpeg
Đến cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre đạt 479 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã khuyến khích các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường, đáp ứng yêu cầu của khách hàng theo xu thế nông nghiệp sạch, xanh. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng theo đó tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp để đẩy mạnh “bơm vốn” vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, kinh tế tập thể và kinh tế hướng Đông.

Kết quả, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn giai đoạn từ tháng 5/2021 đến tháng 6/2024 đạt 175.021 tỷ đồng, chiếm 64% tổng doanh số cho vay trên địa bàn, với dư nợ cho vay tăng bình quân 13%/năm. Đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 44.576 tỷ đồng, chiếm 70% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay nông thôn mới 42.164 tỷ đồng,

Về chủ trương xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển các chuỗi giá trị, các ngân hàng đã tham gia trực tiếp ngay từ đầu thông qua việc chủ động kết nối với doanh nghiệp dẫn dắt, HTX, hộ dân cung ứng vốn theo mô hình liên kết từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị, với dư nợ 1.471 tỷ đồng, với 62 thành viên tham gia, trong đó 61 khách hàng còn dư nợ trong 15 liên kết. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động tiếp cận cho vay các HTX tham gia vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị.

Đối với cho vay nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đến cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay đạt 479 tỷ đồng. Các ngân hàng đã chủ động tiếp cận và cho vay được 2 doanh nghiệp tại huyện Thạnh Phú, với tổng dư nợ 125,4 tỷ đồng; 7 khách hàng cá nhân tại huyện Ba Tri, Thạnh Phú, với tổng dư nợ đạt 34,8 tỷ đồng…

Để tăng cường kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết quy chế phối hợp trong tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các ngân hàng làm cầu nối, soạn thảo hợp đồng liên kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản; chọn doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, năng lực và có thị trường tiêu thụ tốt làm doanh nghiệp dẫn dắt ký kết thỏa thuận liên kết ngang với các doanh nghiệp liên quan trong cùng ngành hàng, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua vận động các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết dọc với doanh nghiệp dẫn dắt.

Việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp đã phát huy hiệu quả trong việc trao đổi thông tin về tiến độ triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, tạo cơ sở định hướng đầu tư tín dụng chủ động, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Phát huy hiệu quả thời gian tới 2 ngành tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp. Trong đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các chủ trương, dự án, định hướng phát triển ngành nông nghiệp; triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ các THT, HTX tham gia xây dựng các chuỗi giá trị, chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển 4.000 héc-ta nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, cho vay góp phần xây dựng nông thôn mới; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát triển khai các chính sách của mỗi ngành trên địa bàn…

Đáng chú ý, triển khai mạnh hơn chính sách vay vốn thực hiện các sản phẩm chủ lực, theo Nghị quyết của tỉnh, các chương trình, dự án quan trọng như: chương trình OCOP, nông thôn mới, phát triển nuôi tôm công nghệ cao… Đồng thời, triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia hỗ trợ cho vay của ngân hàng trong chuỗi.

Ông Lê Công Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre cho biết, cần tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành để ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Qua đó, nhằm để phát triển các chuỗi giá trị và các HTX nông nghiệp theo hướng bền vững. Tăng cường công tác trao đổi thông tin về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để hỗ trợ xử lý tháo gỡ.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại tập trung đầu tư tín dụng có chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng, hướng dòng chảy tín dụng vào các dự án phù hợp với xu thế mới, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với phát triển thực chất, hiệu quả các chuỗi giá trị, ông Thành chia sẻ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Hướng dòng chảy vốn tín dụng vào phát triển chuỗi nông sản chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO