Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bến Tre đi vào cuộc sống; phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Bến Tre, đến ngày 31/5/2024, dư nợ tín dụng chính sách của 115.252 khách hàng vay tại NHCSXH tỉnh đạt 4.237,8 tỷ đồng, tăng 218,9 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 5,4%. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao; nợ quá hạn 6,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,15%/tổng dư nợ.
Doanh số cho vay đạt 743,4 tỷ đồng, tăng 181,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với 21.001 lượt khách hàng vay; doanh số thu nợ 524,4 tỷ đồng, tăng 186,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh số cho vay chủ yếu tập trung vào các chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 158,3 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 228,6 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 199,9 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg là 64,9 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 70,9 tỷ đồng; cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 16,1 tỷ đồng; cho vay người chấp hành xong án phạt tù 3,7 tỷ đồng; cho vay thương nhân vùng khó khăn 1 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến tận tay 2.950 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 732 hộ gia đình học sinh, sinh viên, 5.223 người lao động tạo việc làm tại địa phương, 193 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 10.381 hộ gia đình vay xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn, 1.456 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 13 thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, 53 người chấp hành xong án phạt tù.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương, NHCSXH tỉnh nhận nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 264,47 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng nguồn vốn, tăng 79,59 tỷ đồng so với đầu năm; đồng thời, tổ chức huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân với lãi suất thị trường và huy động thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 604,16 tỷ đồng, tăng 44,56 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh triển khai app VBSP Smart Banking trên điện thoại thông minh cho 2.170 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ; mở tài khoản an sinh xã hội cho 122 khách hàng.
Đáng chú ý, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội; có chính sách phù hợp, nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các giải pháp tín dụng chính sách, tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững; trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thành Trung, chia sẻ, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu tiên giúp các hộ còn khó khăn làm kinh tế gia đình. Thời gian qua, mặc dù nguồn vốn tuy không nhiều nhưng tiếp sức thêm cho bà con phát triển chăn nuôi.
Anh Nguyễn Văn Trúc Linh, ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc là hộ thoát nghèo từ đồng vốn tín dụng chính sách. Sau lần vay vốn tín dụng chính sách đầu tiên cách đây hơn 10 năm, với 5 - 6 triệu đồng, anh Linh mua được 1 con bò cái và dần dần phát triển đàn bò. Ngoài chăm sóc đàn bò, anh còn tranh thủ thời gian làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Anh Linh phấn khởi cho biết, cách nay 2 năm, anh được tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng chính sách 50 triệu đồng để cải thiện kinh tế nông hộ. Anh mua thêm 3 con bò, nâng tổng số đàn bò hiện có 5 con. Nhờ đó, vợ chồng anh đã thoát nghèo.
“Hộ anh Linh trước có vay vốn hộ nghèo, xét thấy chí thú làm ăn nên đã tiếp tục xét cho vay 50 triệu đồng để gia đình anh phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”, ông Nguyễn Thành Trung, Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Tân An cho biết thêm.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, thị trấn trong huyện, với 314 tổ tiết kiệm và vay vốn, 13 điểm giao dịch tại cấp xã. Qua đó, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc, tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trên 438 tỷ đồng, tăng trên 271 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương hơn 363 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 82% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất 51,8 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác tại địa phương 22,7 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện 7,6 tỷ đồng).
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc, ông Huỳnh Hiếu Trung nhận định, đặc thù của huyện là có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với các huyện khác; đồng thời đa phần là vừa thoát nghèo, có mức sống trung bình. Do vậy, nếu không tiếp cận được nguồn vốn Trung ương dành cho hộ nghèo thì rất có khả năng tái nghèo.
Từ thực tế trên, hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ưu tiên dành nguồn ngân sách chuyển sang hỗ trợ những đối tượng này, từ 15 - 20%/năm. Kinh nghiệm cho thấy, để đạt được kết quả trong hoạt động tín dụng chính sách trong 10 năm qua là nhờ vào sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương.
Đặc biệt, NHCSXH tỉnh vừa nhận chỉ tiêu nguồn vốn cho vay của chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 140 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn này đã được Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, huyện giao về đến cấp xã, ấp để triển khai cho vay làm mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân nông thôn trong việc xây dựng các công trình dự trữ nước sạch, nước mưa trong dịp mùa mưa sắp tới, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Để tiếp cận được các nguồn vốn, khách hàng khẩn trương liên hệ với trưởng ấp, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH tại nơi cư trú để được bình xét cho vay, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn và nhận tiền vay kịp thời tại Điểm giao dịch xã theo quy định.
Để góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bến Tre, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể phối hợp tốt với NHCSXH tỉnh thực hiện có hiệu quả hoạt động cho vay tín dụng chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách vượt khó vươn lên trong cuộc sống tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội….
Được biết, kết quả hoạt động của NHCSXH tỉnh đã tổ chức triển khai và hoạt động đem lại nhiều kết quả rất tốt. Đặc biệt là cho vay đúng các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, có hàng loạt người nghèo cải thiện được cuộc sống, có việc làm ổn định.
Tới đây, NHCSXH tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát các đối tượng vay để tiếp tục tạo điều kiện cho vay; đồng thời xem xét hiệu quả của từng hộ vay để có sự chấn chỉnh kịp thời đối với các khoản nợ xấu.