Vấn đề - Nhận định

Các ngân hàng sẵn sàng triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN

Đoàn Hằng 30/03/2024 06:30

Nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các TCTD đang tích cực triển khai thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin sinh trắc học để đáp ứng các yêu cầu tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN đúng thời hạn.

sinh-trac-hoc.jpg
Các ngân hàng sẵn sàng triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Ảnh: Internet

Đảm bảo an toàn cho các giao dịch thanh toán

Trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tội phạm sử dụng không gian mạng đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, ngành Ngân hàng, tài chính luôn là đích nhắm hàng đầu của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Do vậy, nhằm tăng cường các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Tại quyết định này, NHNN yêu cầu các TCTD triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet.

Tại quyết định, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán căn cứ phân loại giao dịch để triển khai áp dụng các biện pháp xác thực trong thanh toán trực tuyến trên Internet (Internet Banking, Mobile Banking).

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024 tới đây, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản hoặc chuyển tiền giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên phải được xác thực bằng sinh trắc học…

Bên cạnh đó, Quyết định 2345/QĐ-NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải triển khai áp dụng các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến như sau:

Thứ nhất, đối với khách hàng cá nhân, trước khi thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất thì phải xác thực khách hàng:

Bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng: (i) khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân (CCCD) của khách hàng do cơ quan Công an cấp 4; (ii) hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng trong do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập;

Hoặc bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu (CSDL) sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, kết hợp với phương thức xác thực OTP gửi qua SMS/Voice hoặc Soft OTP/Token OTP.

Thứ hai, thông báo việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking hoặc việc đăng nhập ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện đăng nhập ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking lần gần nhất qua SMS hoặc các kênh khác do khách hàng đăng ký (email, điện thoại,…).

Thứ ba, lưu trữ thông tin về thiết bị thực hiện các giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký (log) xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho rằng, để triển khai Quyết định 2345 đạt hiệu quả cao đòi hỏi các TCTD, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực. “Với trách nhiệm cộng đồng xã hội, đây là con đường bắt buộc phải làm để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Sẽ hoàn thành đúng tiến độ

Được biết, ngay sau khi NHNN ban hành Quyết định 2345, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương triển xây dựng lộ trình áp dụng, rà soát lại cơ sở dữ liệu, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp…

Số liệu được ông Phạm Anh Tuấn đưa ra cho thấy, đến thời điểm này có 51/59 TCTD đã phối hợp với C06 Bộ Công an để triển khai xác thực khách hàng thông qua CCCD gắn chip tại quầy, 41/59 TCTD thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động và 14 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng định danh điện tử công dân (VNeID). Có thể nói, các TCTD đã và đang bắt tay tích cực triển khai thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin sinh trắc học. "Đây là việc rất đáng hoan nghênh", ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ.

Đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, nhằm đảm bảo tính tuân thủ với quy dịnh của NHNN để bảo vệ cao nhất cho khách hàng trước mọi rủi ro trước bối cành tình hình an ninh mạng ngày càng phức tạp do thủ doạn lta đảo ngày càng tinh vi, Techcombank đã xây dựng lộ trình áp dụng giải pháp theo quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN, cụ thể:

Từ ngày 31/3/2024, Techcombank áp dụng thử nghiệm các giải pháp quy định các giải pháp xác thực giao dịch theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN đối vối các khách hàng nội bộ là các cán bộ nhân viên của Techcombank.

Từ ngày 26/5/2024, Techcombank chính thức áp dụng hình thức xác thực giao dịch theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN.

Từ ngày 1/7/2024, Techombank chính thức kết nối với VNeID để xác thực khách hàng thực hiện giao dịch theo Quyết dịnh 2345/QĐ-NHNN.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, VietinBank đã và đang làm sạch dữ liệu, tích hợp hệ thống. Qua đó làm giàu dữ liệu sinh trắc học đảm bảo đúng tiến độ thực hiện sinh trắc học theo yêu cầu vào ngày 1/7/2024. Việc cập nhật dữ liệu khách hàng (trực tuyến) của VietinBank mất khoảng 2-3 giây/người ở những thời điểm thuận tiện trong ngày, khách hàng trả lời video một số câu hỏi, không mất nhiều thời gian.

Còn tại Vietcombank, bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối bán lẻ của Vietcombank chia sẻ, Vietcombank đã rà soát làm sạch dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và ngân hàng này đã và đang áp dụng 3 nội dung nguồn dữ liệu, bao gồm: ứng dụng thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) và ứng dụng chấm điểm khả tín công dân.

“Năm 2024, Vietcombank mở rộng nâng cấp phạm vi ứng dụng CCCD gắn chip trên kênh quầy và tiếp tục mở rộng trên kênh điện tử để đáp ứng kịp thời yêu cầu theo Quyết định 2345. Đồng thời, về lâu dài ngân hàng sẽ khai thác ứng dụng tài khoản VneID cấp độ II tại giao dịch ở quầy và kênh số để tăng trải nghiệm khách hàng”, bà Đoàn Hồng Nhung chia sẻ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng sẵn sàng triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO