Phát triển kinh tế xanh có ý nghĩa to lớn, không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn phòng, chống và hạn chế tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của con người.
Phát triển kinh tế xanh có ý nghĩa to lớn, không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn phòng, chống và hạn chế tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của con người. Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ cũng không nằm ngoài quá trình đó, vấn đề đặt ra là khai thác và sử dụng hiệu quả các yếu tố nguồn lực như thế nào để phát triển kinh tế xanh cho một đầu tàu và động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Theo đó, ngoài yếu tố cơ chế chính sách và nguồn nhân lực thì yếu tố vốn, trong đó vốn tín dụng ngân hàng luôn giữ vai trò quan trọng. Việc nhận diện các yếu tác động đến tăng trưởng tín dụng xanh như là giải pháp phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ là cần thiết và có ý nghĩa thúc đẩy. Cụ thể:
Thứ nhất, yếu tố môi trường kinh tế xã hội. Trong đó, kinh tế xanh phát triển sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Đây là yếu tố động lực mang tính bản chất trong hoạt động tín dụng ngân hàng, thông qua mối quan hệ: ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế. Theo đó, có dự án, phương án xanh, hiệu quả, đủ điều kiện và nguyên tắc tín dụng sẽ tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh. Trong điều kiện hiện nay, phát triển kinh tế xanh sẽ là môi trường kinh tế thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của các TCTD nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Thứ hai, cơ chế chính sách của NHNN ngày càng hoàn thiện và tạo điều kiện để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh. Ở góc độ quản lý, chủ trương và chính sách của NHNN đã và đang khuyến khích động lực các TCTD tích cực tham gia cho vay các dự án xanh, phát triển tín dụng xanh và ngân hàng xanh trong tổng thể chiến lược phát triển ngành, gắn liền với phát triển nền kinh tế xanh của Chính phủ bằng các chỉ thị, chỉ đạo và chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Ở góc độ nghiệp vụ, xét về bản chất tín dụng thì tín dụng xanh không có sự khác biệt nhiều so với tín dụng thông thường, nếu có chủ yếu đó là sự phân biệt gắn với việc phân loại dư nợ tín dụng theo mục đích của dự án, phương án vay vốn, đó là: dự án sản xuất kinh doanh xanh và dự án sản xuất kinh doanh thông thường. Sự phân biệt này thuộc đặc điểm và yêu cầu về hoạt động kinh tế xanh. Do vậy, về mặt kỹ thuật, xem xét thẩm định cho vay một dự án xanh, phương án sản xuất kinh doanh xanh không khác nhau nhiều, về cơ bản vẫn là dựa trên quy chế cho vay theo quy định của NHNN. Vấn đề chủ yếu là nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào và các chính sách về phát triển kinh tế xanh; các tiêu chí, tiêu chuẩn và thông tin về môi trường cũng như đánh giá rủi ro môi trường; đánh giá hiệu quả của dự án, phương án xanh của cơ quan quản lý nhà nước…. làm nguồn thông tin, dữ liệu để hỗ trợ cho các TCTD phân tích, đánh giá, thẩm định cho vay dự án xanh; cũng như xây dựng quy trình tín dụng phù hợp và các biện pháp quản lý, quản trị rủi ro hiệu quả.
Đây là những thông tin cần thiết và nếu có thông tin đầy đủ, chính xác và có tính pháp lý sẽ là yếu tố thúc đẩy tín dụng xanh mở rộng và tăng trưởng hiệu quả trong thời gian tới. Thực tế, các TCTD hoạt động trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ đã và đang cho vay dự án, phương án sản xuất xanh, trong đó có các dự án về năng lượng xanh; các dự án về công nghệ sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án rau sạch; sản phẩm bảo vệ môi trường…. Mặc dù dư nợ tín dụng chưa cao, song việc cho vay này là cơ sở nền tảng để các TCTD chủ động mở rộng và tăng trưởng hoạt động tín dụng xanh có hiệu quả.
Thứ ba, yếu tố truyền thông, thông tin và tổ chức thực hiện. Đây cũng là yếu tố quan trọng và trở thành giải pháp cơ bản trong mở rộng và phát triển tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Thông qua hoạt động nàu, nhận thức được vai trò và xu hướng phát triển tất yếu khách quan của tín dụng xanh, kinh tế xanh, cũng như nhận diện được các yếu tố tác động đến tín dụng xanh và bản chất tín dụng xanh… sẽ giúp cho các TCTD khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho các dự án xanh, cho các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường… Đồng thời làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế rủi ro phát sinh.
Như vậy, có thể thấy, các yếu tố thuộc các nguồn lực cho phát triển tín dụng xanh nếu được nhận diện và khai thác sử dụng tốt sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh hiệu quả. Qua đó thúc đẩy kinh tế xanh nói chung và trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ nói riêng tăng trưởng và phát triển.