(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đồng thời đánh giá cao những quy định an toàn và quản lý an toàn vĩ mô mà NHNN đã ban hành trong thời gian qua cũng như những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai các quy định Basle II theo lộ trình đã ban hành.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp xã giao ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam |
Ngày 9/7/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đã có buổi tiếp xã giao ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam.
Chào mừng ông Francois Painchaud chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới với cương vị là Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào - nhiệm kỳ 3 năm (từ ngày 3/6/2019), Thống đốc Lê Minh Hưng tin tưởng rằng với kinh nghiệm làm đại diện thường trú và làm việc tại IMF cùng nhiều nghiên cứu về các chủ đề tài khóa, chính sách tiền tệ, cũng như tham gia làm Trưởng đoàn hợp tác kỹ thuật cho một số nền kinh tế đang phát triển, ông Francois Painchaud sẽ đóng góp nhiều ý kiến tư vấn, khuyến nghị chính sách quý giá cho Chính phủ Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam.
Thông tin về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam, kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IMF ngày càng tốt đẹp và hiệu quả, đi vào thực chất. NHNN đánh giá cao sự ủng hộ của IMF đối với đường lối chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và hoạt động hỗ trợ, đào tạo và tư vấn chính sách dành cho Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, phát triển, hỗ trợ công cuộc phát triển đất nước, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển an sinh xã hội. Đặc biệt, IMF đã dành nhiều hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ sớm có thư đề xuất IMF hỗ trợ cho NHNN và Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống, khuôn khổ, báo cáo thống kê tiền tệ của NHNN; xây dựng hướng dẫn về phân tổ khu vực thể chế của Việt Nam phù hợp với hướng dẫn của IMF; hỗ trợ cán bộ NHNN tham dự các khóa đào tạo chuyên sâu về dự báo, thống kê…
NHNN tin tưởng với vai trò đại diện của ông Francois Painchaud, Văn phòng đại diện của IMF tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường vai trò cầu nối chính sách giữa IMF và NHNN cũng như các bộ, ngành, đóng góp nhiều tư vấn, khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam về kinh tế vĩ mô và hỗ trợ huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho Việt Nam.
Cảm ơn Thống đốc NHNN dành thời gian tiếp, ông Francois Painchaud đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, quản lý hệ thống ngân hàng, giúp kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Ông cũng đánh giá cao những quy định an toàn và quản lý an toàn vĩ mô mà NHNN đã ban hành trong thời gian vừa qua cũng như những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai các quy định Basle II theo lộ trình đã ban hành.
Ông Francois Painchaud cho biết, cuộc họp của Ban Giám đốc điều hành IMF về báo cáo Điều IV của Việt Nam vừa qua đã đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 của Việt Nam và đã ghi nhận khá đầy đủ các quan điểm điều hành chính sách của Chính phủ và NHNN. Trong thời gian tới, IMF sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Việt Nam và sẽ đưa ra những khuyến nghị về chính sách vĩ mô giúp Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế đúng mục tiêu và định hướng.
Cùng với việc hỗ trợ cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan liên quan Việt Nam, Văn phòng IMF sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác truyền thống với NHNN như nhận cán bộ của NHNN đang thực tập theo các chủ đề về chính sách tiền tệ, thống kê, dự báo, ổn định tài chính, triển khai các đề tài nghiên cứu về các vấn đề chính sách...
Ông Francois Painchaud mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của NHNN để Văn phòng IMF nói chung và bản thân ông hoàn thành nhiệm vụ được Ban Giám đốc điều hành IMF giao.