Bất động sản

Đất nền nóng sốt theo thông tin sáp nhập tỉnh thành

Nguyễn Nam 21/03/2025 14:09

Thị trường đất nền tại một số nơi đang lên cơn sốt khi có thông tin sáp nhập các tỉnh thành. Mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao và lượng giao dịch có xu hướng tăng tại một số khu vực. Tuy nhiên, sự sôi nổi của thị trường thời điểm này là sự “chiếm lĩnh” của giới đầu cơ, không có bóng dáng của người có nhu cầu ở thực.

Đất nền đang lên cơn sốt

Được biết, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, đề án sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp sẽ phải hoàn thành trình Trung ương trước ngày 1/4. Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết trước ngày 30/6 và việc sáp nhập triển khai thực tế hoàn thành trong tháng 8. Thông tin này đã được giới đầu tư, các đầu nậu, cò đất “vin” vào để đẩy giá bất động sản lên một mặt bằng mới. Thị trường bất động sản ngay thời điểm đầu năm đã xuất hiện một số điểm nóng cục bộ, đặc biệt là tại các tỉnh, thành dự kiến là trung tâm sau khi sáp nhập.

Thông tin sáp nhập tỉnh, thành đang khiến đất nền ở nhiều nơi sốt nóng. Ảnh: Báo Xây dựng

Khảo sát của Batdongsan.com.vn ghi nhận, cùng với những biến chuyển tích cực của hạ tầng giao thông và xã hội, sự đi lên của kinh tế thì thông tin sáp nhập tỉnh khiến đất nền Hưng Yên trong thời gian qua thiết lập mặt bằng giá mới. Tùy từng vị trí, diện tích, hướng, mức tăng đạt trung bình từ 6-15% so với tháng 12/2024.

Hiện mặt bằng giá đất tại một số điểm nóng ở Hưng Yên đang như sau. Tại Văn Giang, những lô đất thuộc khu vực vòng xuyến (bùng binh) Văn Giang, giá chào bán 125-150 triệu đồng/m2. Đất thuộc Phụng Công, Xuân Cao và Cửu Cao đang ở mức 40-55 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5% so với tháng 1/2025. Đất tại khu vực TP. Hưng Yên cũng thiết lập mặt bằng giá mới, tăng từ 5-7%, trong mạch tăng trưởng 50-80% của 5 năm vừa qua. Cụ thể, đất kinh doanh được tại đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo (TP. Hưng Yên), giá chào bán hiện tại là 30-35 triệu đồng/m2. Những lô đất có đặc điểm tương tự tại đường An Vũ, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Linh (phường Hiến Nam), giá bán 26-32 triệu đồng/m2.

Tại TP. Việt Trì (Phú Thọ), mặt bằng giá đất cũng biến động mạnh khi có thông tin sáp nhập tỉnh, thành. Cụ thể, tại phường Thọ Sơn, giá đất phường Thọ Sơn đã tăng từ 15-17 triệu đồng/m2 lên mức 22-24 triệu đồng/m2. Những lô có vị trí đẹp, mức giá được rao bán đang là 25-27 triệu đồng/m2. Đất Vân Phú, cũng tăng từ 18-20 triệu đồng/m2 lên 19,5-22 triệu đồng/m2. Cũng tại Vân Phú, những mảnh sát gần sân golf, mức tăng mạnh hơn, từ khoảng giá 22-23 triệu đồng/m2 trước Tết, giá chào bán hiện tại là 28 triệu đồng/m2. Đất kinh doanh tại khu vực Minh Phương cũng chạm ngưỡng 30-34 triệu đồng/m2, thay vì mức giá phổ biến 29-32 triệu đồng/m2 vào thời điểm cuối năm ngoái.

Theo chia sẻ của các môi giới đang hoạt động tại các thị trường sôi sục vì thông tin sáp nhập tỉnh, thành thì sự sôi động của thị trường thời điểm hiện tại quy tụ các nhà đầu tư, bước vào cuộc chơi với tâm lý và tâm thế “đi trước đón đầu”. Tỉ lệ người mua ở thực vô cùng thấp, thậm chí có những khu vực hoàn toàn không có mặt người mua ở thực.

Cẩn trọng với đầu tư đất nền “ăn” theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thông tin về việc đề xuất sáp nhập tỉnh, thành đang tạo nên những tác động đáng chú ý trên thị trường bất động sản. Thị trường chứng kiến nhiều nhóm nhà đầu tư vào cuộc “săn đất”, nhất là tại các tỉnh, thành dự kiến là trung tâm sáp nhập, với kỳ vọng hưởng lợi từ sự thay đổi này. Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, phần lớn các đợt tăng giá này đều mang tính chất đầu cơ. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan đến quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại các khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh giá bất động sản đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, các quyết định vội vàng khi chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin sẽ khiến nhà đầu tư phải đối diện với nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, không đủ lực “trụ” đến khi giá bất động sản thật sự tăng.

Đầu tư đất nền theo các thông tin sáp nhập cần cẩn trọng, tránh rơi bẫy FOMO. Ảnh: Batdongsan.com.vn

Đơn cử như khi thông tin về việc lên quận của một số huyện ngoại thành tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh được đưa ra, giá đất lập tức tăng phi mã. Tuy nhiên, nhiều khu vực không có sự đầu tư về hạ tầng đã nhanh chóng rơi vào tình trạng "bong bóng xì hơi", giá quay đầu giảm sau khi cơn sốt qua đi.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Theo đó, việc sáp nhập có thể sẽ hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, đặc biệt là ở phân nhà ở vừa túi tiền, người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững, cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội, ví dụ như việc mở thêm các tuyến đường lớn, metro, trường học hay có khả năng tạo ra dòng tiền từ việc khai thác cho thuê. Những đợt sốt đất chỉ dựa trên “tin tức” mà không đi kèm với các kế hoạch đầu tư phát triển thường có chu kỳ ngắn, tăng nhanh nhưng khó có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài.

Do đó, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất theo tin thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá “kỳ vọng”, đã bị đẩy lên quá cao. Thực tế, sau mỗi đợt sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư mua vào ở đỉnh giá đã phải chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ với thanh khoản kém. Thậm chí, nhiều nhóm nhà đầu tư tự tin có kinh nghiệm “lướt sóng” cũng không ít lần thất bại khi không kịp thời thoát hàng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nền nóng sốt theo thông tin sáp nhập tỉnh thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO