Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động, linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp/sản phẩm/dịch vụ, giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng, nhanh chóng, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Sản phẩm đa dạng, thủ tục đơn giản/linh hoạt, vốn ngân hàng đã "phủ sóng" mọi mặt đời sống xã hội
Nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi nhất, thời gian qua, nhiều TCTD triển khai nhiều hình thức vay tiêu dùng, với những thủ tục đơn giản, linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh và nhu cầu của người dân. Giới chuyên môn nhận định, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các TCTD đang từng bước góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trong xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) do nhu cầu sửa chữa nhà ở, gia đình ông có tiếp cận gói vay tiêu dùng của ngân hàng, với giá trị khoản vay là 50 triệu đồng. Là cán bộ về hưu, nhận lương qua tài khoản ngân hàng nên ông được nhân viên ngân hàng tư vấn tham gia gói vay tiêu dùng tín chấp phù hợp với mục đích sử dụng vốn, với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo. “Tôi không nghĩ vay vốn ngân hàng lại dễ dàng và thuận lợi như vậy. Người dân như chúng tôi nhiều lúc cần tiền gấp mà không biết xoay ở đâu, nên nhiều khi vay nóng với lãi suất cao. Nếu ngân hàng cứ duy trì và phát triển được các sản phẩm dịch vụ đơn giản và thuận tiện như hiện nay, chắc chắn nạn tín dụng đen sẽ giảm mạnh”, ông Sơn chia sẻ.
Trên thực tế, câu chuyện của ông Sơn chỉ là một trong hàng triệu triệu khách hàng cá nhân đang được vay vốn tiêu dùng cá nhân tại các TCTD. Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay tiêu dùng, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, các ngân hàng cũng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ đến với mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các TCTD rất đa dạng, trải dài từ các khoản vay tiền mặt, vay để mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính hay phương tiện (xe máy)… đến các nhóm sản phẩm hiện đại như sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm y tế… Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng phát triển các sản phẩm cho các thị trường ngách như cho vay thẻ tập thể dục, học ngoại ngữ, tiệc cưới hay du lịch, thậm chí là phát hành thẻ tín dụng...
Ngoài ra, nhiều TCTD cũng triển khai nhiều chương trình/gói tín dụng với trị giá hàng nghìn tỷ đồng để cho vay khách hàng cá nhân, với thủ tục giải ngân đơn giản, linh hoạt… Ví như, Agribank triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng cho khách hàng, giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; hay FE Credit và HD Saison triển khai gói tài chính tiêu dùng cho công nhân có quy mô 20.000 tỷ đồng, với kỳ hạn cho vay từ 6 - 24 tháng, số tiền vay từ 10-70 triệu đồng, lãi suất giảm ít nhất 50% so với lãi suất thông thường…
Trong bối cảnh chuyển đổi số hoạt động ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, dịch vụ tài chính tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử... Qua đó thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm, tiết giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.
Góp phần chung tay đẩy lùi tín dụng đen hiệu quả
Thống kê từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm 2022, toàn hệ thống có: 124 TCTD; gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân (TDND); 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động; 4 Tổ chức tài chính vi mô.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết, tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân trong giai đoạn từ năm 2010-2020 là 33,7%, luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).
Còn từ đầu năm 2022 đến nay, theo sự phục hồi của kinh tế - xã hội, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng nhanh trở lại và đạt mức cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế, từ đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2.425.440 tỷ đồng, chiếm 20,34% tổng dư nợ tín dụng, tăng 22,26% so với ngày 31/12/2021. Trong đó, 16 công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép có dư nợ đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống nói riêng đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, tài chính tiêu dùng đã và đang góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua 3 phương diện:
(i) Góp phần tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh; từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế;
(ii) Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng;
(iii) Tạo việc làm cho xã hội với nhu cầu về nhân lực tài chính, tư vấn khách hàng, quản trị hệ thống… Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, các hình thức tín dụng đen, giúp giảm thiểu các hệ lụy, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Để góp phần ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen đạt kết quả cao nhất chỉ mình ngành Ngân hàng là chưa đủ. Do vậy, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, cần thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp… Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với TCTD, có chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia.